Điều gì khiến cho các doanh nghiệp thực phẩm âu lo?

Mối lo lắng chung của các doanh nghiệp thực phẩm Việt trong lúc này là việc tăng giá nguyên liệu, vật tư đầu vào và khó khăn về đầu ra, cũng như đứng trước áp lực cạnh tranh khốc liệt. Điều này rất cần những giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội ngành hàng có liên quan để giảm giá thành sản phẩm, đưa giá thực phẩm trở về với mức hợp lý hơn nhằm giúp cải thiện sức mua.

Trong báo cáo cập nhật vào tháng 8/2023 về ngành hàng thực phẩm từ Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán KIS Việt Nam có cho rằng, điểm sáng nằm ở ngành mía đường.

Bức tranh tương phản

Điều này cũng có thể thấy rõ từ việc giá đường trong nước trung bình đạt 19.200 đồng/kg trong nửa đầu năm 2023, tăng 9,7% cùng kỳ năm trước do giá đường thế giới tăng và chính thức áp dụng gần 48% mức thuế chống lẩn tránh thuế với đường nhập khẩu từ một số nước châu Á kể từ quý 3/2022.

Giá lương thực, thực phẩm gia tăng làm cho người tiêu dùng vốn đang thắt lưng buộc bụng càng thêm đắn đo.

Còn trong tháng 8/2023, giá đường trong nước đã tăng lên mức cao nhất vài năm trở lại đây, đạt từ 20.000 - 21.500 đồng/kg, tăng 12% so với thời điểm đầu năm và tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá đường càng tăng thì doanh nghiệp (DN) mía đường càng hưởng lợi. Chẳng hạn như với CTCP Đường Quảng Ngãi (QNS), hồi nửa đầu năm nay ghi nhận doanh thu tăng trưởng 43,1% so với cùng kỳ năm trước nhờ mảng đường có mức tăng trưởng ấn tượng 164% so cùng kỳ năm trước (đạt 2,2 nghìn tỷ đồng), tổng lượng đường tiêu thụ tăng mạnh lên 120.000 tấn (tăng 126%).

Với đà tăng giá đường, theo ước tính của Công ty chứng khoán SSI, doanh thu thuần và lãi ròng năm 2023 của QNS sẽ lần lượt đạt 9.700 tỷ đồng và 1.500 tỷ đồng, lần lượt tăng trưởng 17% và 18% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, tương phản với điểm sáng về doanh thu và lợi nhuận của DN mía đường thì những DN khác trong ngành hàng thực phẩm lại chịu áp lực lớn khi giá đường tăng cao làm tăng chi phí đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm tăng, rồi giá bán tăng theo trong khi sức mua lại sụt giảm, dẫn đến doanh thu và lợi nhuận sa sút.

Chẳng hạn với DN trong mảng bánh kẹo. Như trong báo cáo tài chính bán niên 2023 được công bố trong tháng 8/2023 của CTCP thực phẩm Hữu Nghị (HNF) cho thấy đã giảm 69% lợi nhuận trong nửa đầu năm nay. Điều đó trái ngược với hồi năm trước khi công ty bánh kẹo này báo lãi kỷ lục, tăng đến 88% so với năm trước đó.

Không như điểm sáng của các DN mía đường, trước khó khăn về mặt thị trường nên năm nay HNF đã đặt mục tiêu lợi nhuận khiêm tốn với 52 tỷ đồng, kém xa so với lợi nhuận sau thuế hồi năm 2022 là 118 tỷ đồng.

Như lý giải của công ty này, đó là vì sức ép cạnh tranh ngày càng khốc liệt trên thị trường bánh kẹo. Và hơn thế nữa, nguyên do lợi nhuận đặt ra khiêm tốn là vì tăng giá vật tư đầu vào, giá bao bì, chi phí logistics, chi phí khấu hao tài sản, lãi vay tăng cao…

Chờ những giải pháp hữu hiệu

Trong giá vật tư, nguyên liệu đầu vào của DN bánh kẹo thì việc tăng giá đường như hiện nay là một thách thức lớn. Như chia sẻ của ông Nguyễn Quốc Hoàng, Tổng giám đốc CTCP Bibica, giá đường cao ở trong nước là một bất lợi cho các DN sản xuất bánh kẹo. Bất lợi này có thể thấy rõ khi xuất khẩu vì giá đường trong nước cao hơn so với giá đường của Malaysia, Indonesia.

Nếu nhìn vào thị trường bánh Trung thu hiện nay cũng sẽ thấy, do giá nguyên liệu đầu vào tăng cao từ 10 - 20% (trong đó có giá đường tăng cao, rồi giá bột mì tăng 33%, hộp giấy tăng 11%...) khiến cho giá thành của bánh tăng lên và cuối cùng là giá bán ra cao hơn 10% so với năm trước.

Trong khi đó, sức mua bánh Trung thu hiện tại được cho là còn đìu hiu, thậm chí có nhận định cho rằng hiện giảm 50% so với cùng kỳ năm trước khi mà kinh tế khó khăn nên người tiêu dùng không ưu tiên lựa chọn mặt hàng bánh đắt đỏ này.

Có thể thấy, thu nhập của người tiêu dùng Việt vẫn đang bị ảnh hưởng tiêu cực do kinh tế tăng trưởng chậm. Cộng với đó, giá cả nhiều mặt hàng lương thực, thực phẩm đang tăng cao trở lại trong thời gian gần đây càng cản trở việc cải thiện sức mua.

Số liệu công bố mới đây của Tổng cục Thống kê đã cho thấy rõ điều này. Như trong tháng 8/2023, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,78% so với tháng trước. Giá thực phẩm tháng 8/2023 tăng 0,48% so với tháng trước.

Đáng chú ý là chỉ số giá lương thực trong tháng 8/2023 tăng đến 3,28%, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 4,41%. Giá gạo tăng tác động đến giá các mặt hàng lương thực chế biến và ngũ cốc khác như giá khoai tăng 4,37%; ngô tăng 1,81%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 1,17%; bột mì tăng 0,66%; miến tăng 0,65%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,31%; bột ngô tăng 0,16%.

Việc tăng giá như vậy đang là thách thức, mối âu lo lớn cho các DN trong ngành thực phẩm khi phải tăng chi phí đầu vào dẫn đến tăng giá thành và khi giá bán ra tăng cao thì người tiêu dùng lại không mua.

Từ những diễn biến như vậy để thấy bức tranh tương phản trong ngành hàng thực phẩm hiện nay. Đó là với một số mặt hàng giá nguyên liệu thực phẩm đầu vào tăng cao thì những DN sản xuất, nhập khẩu mặt hàng đó có thể hưởng lợi, còn những DN khác trong ngành chế biến thực phẩm lại phải “chịu trận” vì giá đầu vào tăng.

Trở lại với báo cáo cập nhật về ngành thực phẩm của KIS Việt Nam, khi nói về triển vọng cải thiện lợi nhuận của các DN trong ngành, có cho biết các chính sách hỗ trợ kinh tế hiện đang được kỳ vọng sẽ kích thích tiêu dùng nội địa và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Đó là Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 đợt cắt giảm lãi suất, Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công, giảm 2% thuế Giá trị gia tăng đối với lĩnh vực dịch vụ ăn uống (F&B) và tăng mức lương cơ bản.

Còn với giá đường đang tăng cao như hiện nay, mới đây Hiệp hội Mía đường Việt Nam có khuyến cáo các hội viên không để giá đường tăng thêm nữa nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình và người tiêu dùng trên cơ sở hài hòa lợi ích.

Xét cho cùng, trước mối âu lo chung của các DN thực phẩm về đầu vào và đầu ra đang rất cần những giải pháp hữu hiệu từ các cơ quan quản lý, các hiệp hội có liên quan để đưa giá thực phẩm trở về với mức hợp lý hơn. Có như vậy mới vừa giúp cải thiện sức mua, vừa cải thiện doanh thu, lợi nhuận của các DN thực phẩm trong lúc khó khăn này.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dieu-gi-khien-cho-cac-doanh-nghiep-thuc-pham-au-lo-1095037.html