Điều gì làm cho PISA trở nên độc đáo
Đến nay, PISA có hơn 90 quốc gia tham gia - đại diện cho 80% nền kinh tế thế giới.

PISA có hơn 90 quốc gia tham gia.
PISA trở nên độc đáo bởi những đặc điểm
Định hướng chính sách: PISA liên kết dữ liệu về kết quả học tập của học sinh với dữ liệu về nền tảng của học sinh và thái độ của các em đối với việc học, cũng như các khía cạnh quan trọng định hình việc học tập của học sinh (cả trong và ngoài trường học).
Nhờ cách tiếp cận này, PISA có thể chỉ ra những điểm khác biệt về năng lực, đồng thời xác định được những đặc điểm nổi bật của học sinh, trường học và hệ thống giáo dục đạt hiệu quả cao.
Khái niệm đổi mới về năng lực học sinh: Khái niệm này đề cập đến khả năng của học sinh trong việc áp dụng kiến thức và kỹ năng cũng như khả năng phân tích, lập luận và giao tiếp hiệu quả của học sinh khi xác định, diễn giải và giải quyết vấn đề trong nhiều tình huống khác nhau.
Học tập suốt đời: Học sinh không thể học tất cả mọi thứ cần biết trong nhà trường. Để trở thành những người có thể học tập suốt đời một cách hiệu quả, ngoài việc học sinh phải có những kiến thức và kĩ năng phổ thông cơ bản họ còn phải có cả ý thức về động cơ học tập và cách học.
Do vậy PISA còn tìm hiểu cả về động cơ, niềm tin vào bản thân cũng như các chiến lược học tập của học sinh.
Tính định kỳ: PISA được thực hiện định kỳ, cho phép các quốc gia theo dõi tiến độ đạt được các mục tiêu học tập quan trọng.
PISA được khởi xướng vào năm 1997 và triển khai ở 43 quốc gia và nền kinh tế trong đợt đánh giá đầu tiên. Đến nay, PISA có hơn 90 quốc gia tham gia - đại diện cho 80% nền kinh tế thế giới.
Trong hai thập kỷ qua, PISA đã trở thành thước đo hàng đầu thế giới về đánh giá chất lượng, công bằng và hiệu quả của hệ thống trường học và là chương trình có ảnh hưởng đối với cải cách giáo dục.
Mục tiêu tham gia PISA của Việt Nam
Việt Nam bắt đầu tham gia PISA từ chu kỳ 2012, đã hoàn thành chu kỳ PISA 2012, 2015, 2018, 2022 và đang triển khai chu kỳ 2025 theo lộ trình.
Việt Nam tham gia PISA chu kỳ 2025 với hình thức trên máy tính ở phạm vi toàn quốc với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu và góp phần thực hiện thành công “Đề án phát triển hệ thống đánh giá diện rộng cấp quốc gia đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế của giáo dục phổ thông giai đoạn 2022-2030” ban hành kèm theo Quyết định số 468/QĐ-BGDĐT ngày 13/02/2023 của Bộ trưởng GD&ĐT.
Ngoài những mục tiêu cơ bản, Việt Nam còn có những mục tiêu cụ thể khi tham gia PISA như sau:
Tạo ra chỉ số đáng tin cậy, chất lượng về kết quả đầu ra của hệ thống giáo dục, có thể so sánh giữa các quốc gia/nền kinh tế để thúc đẩy, cải tiến và cải cách;
Góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; học tập quốc tế về đánh giá chất lượng giáo dục, nhất là đổi mới về kĩ thuật và phương pháp đánh giá, đưa ra cách tiếp cận mới về dạy-học, kiểm tra, thi và đánh giá;
Việt Nam đang sử dụng chương trình và sách giáo khoa mới dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh, điều này càng cần thiết khi tham gia PISA để đánh giá năng lực người học một cách bài bản, khoa học, sử dụng PISA để soi lại cách dạy và học của Việt Nam xem đã thực sự đáp ứng được yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế về giáo dục;
Từ dữ liệu thu được, Việt Nam sẽ có các phân tích kết quả, đánh giá về chính sách giáo dục quốc gia và đề xuất những thay đổi về chính sách giáo dục quốc gia.
PISA là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh “Programme for International Student Assessment - Chương trình đánh giá học sinh quốc tế” do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) thực hiện.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-gi-lam-cho-pisa-tro-nen-doc-dao-post726029.html