Nhiều trường đại học đồng loạt tăng học phí
Trong khi sinh viên và gia đình đứng trước nỗi lo về học phí, đại diện nhiều trường đại học cho rằng nếu không tăng thì rất khó duy trì được chất lượng đào tạo
Mức học phí ở hầu hết các trường đại học (ĐH) trên cả nước sẽ tăng đáng kể khiến nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tăng dưới 10%
Năm học 2025-2026, Trường ĐH Thương mại (Hà Nội) dự kiến áp dụng học phí với sinh viên nhập học chương trình đào tạo chuẩn là 24 - 27,9 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình đào tạo định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế - IPOP là 38,5 triệu đồng/năm. Học phí các chương trình đào tạo song bằng quốc tế 260 triệu đồng/khóa học, trong khi học phí các chương trình đào tạo tiên tiến là 195 triệu đồng/khóa.
Năm ngoái, mức học phí của Trường ĐH Thương mại đối với chương trình chuẩn là 24 - 26 triệu đồng/năm. Với các chương trình IPOP, học phí 26 - 35 triệu đồng/năm.
Theo Đề án tuyển sinh năm 2025 của ĐH Kinh tế Quốc dân, học phí với sinh viên nhập học năm 2025-2026 dự kiến là 18 - 25 triệu đồng (chương trình chuẩn), tăng 2 - 3 triệu đồng so với năm ngoái. Theo lộ trình tăng học phí cho từng năm của trường, mức tăng mỗi năm là 10%.
Tại Học viện Ngân hàng, học phí dự kiến áp dụng với sinh viên nhập học năm 2025-2026 26,5 - 28 triệu đồng/năm với chương trình chuẩn. Chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế có học phí từ 40 triệu đồng/năm trở lên. Năm ngoái, học phí dành cho sinh viên học chương trình chuẩn là 25 - 26,5 triệu đồng/năm; chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế 37 - 60 triệu đồng/năm.
Trường ĐH Mở Hà Nội dự kiến học phí năm học tới dao động 21,5 - 23 triệu đồng/năm. Năm ngoái, con số này trong khoảng 19,7 - 20,3 triệu đồng/năm….
Trong khi đó, Học viện Tài chính cho hay mức tăng học phí không quá 10% so với năm học trước. Năm 2024-2025, chương trình chuẩn của trường có mức đóng 25 triệu đồng/sinh viên; chương trình định hướng chứng chỉ quốc tế 50 triệu đồng/sinh viên; diện tuyển sinh theo đặt hàng 43 triệu đồng/sinh viên. Chương trình liên kết đào tạo ĐH Toulon cấp bằng học trong 3 năm chuyên ngành Bảo hiểm - Ngân hàng - Tài chính là 171 triệu đồng. Chương trình liên kết đào tạo mỗi bên cấp một bằng ĐH giữa Học viện Tài chính với Trường ĐH Greenwich (Vương quốc Anh) là 280 - 700 triệu đồng/4 năm học.
Học viện Phụ nữ Việt Nam công bố mức học phí năm học 2025-2026 cho chương trình chuẩn là 14,4 - 16,5 triệu đồng (tương đương 30 tín chỉ/năm) và chương trình dạy bằng tiếng Anh là 26,8 triệu đồng. So với năm 2024-2025, mức học phí chương trình dạy bằng tiếng Anh không thay đổi, trong khi học phí chương trình chuẩn tăng khoảng 3 triệu đồng.
Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội công bố học phí hệ chính quy năm học 2025-2026 là 4,6 triệu đồng/tháng, tương đương 46 triệu đồng/năm học, tăng 2 triệu đồng so với năm trước. Học phí hệ liên kết ĐH Troy (Mỹ) hơn 351 triệu đồng/3 năm, hệ liên kết ĐH St. Francis (Mỹ) hơn 358 triệu đồng/4 năm học.
Trường ĐH Phenikaa cho hay học phí ngành Răng Hàm Mặt mà thí sinh phải đóng tăng từ 96 triệu năm 2024 lên 128 triệu đồng trong năm nay.
Tại TP HCM, nhiều trường ĐH cũng cho biết học phí khóa tuyển sinh năm 2025 sẽ được điều chỉnh tăng.
Trung tâm Tuyển sinh - Trường ĐH Công thương TP HCM cho biết học phí khóa tuyển sinh năm 2025 dự kiến sẽ được điều chỉnh tăng không quá 10% so với khóa năm 2024. Học phí toàn khóa cho khóa tuyển sinh 2024 dao động từ hơn 110,4 triệu đồng đến 143,4 triệu đồng, tùy hệ cử nhân hay kỹ sư.
Tại Trường ĐH Tài chính - Marketing, học phí khóa tuyển sinh năm 2025 được điều chỉnh tăng ở 2 chương trình là chuẩn và đặc thù. Cụ thể, ở chương trình chuẩn, học phí là 30 triệu đồng/năm (năm 2024 là 28,5 triệu đồng); chương trình đặc thù 35 triệu đồng/năm (năm 2024 là 33,5 triệu đồng). Các chương trình khác giữ nguyên mức học phí như năm 2024, gồm tích hợp và tài năng: 45 triệu đồng/năm, tích hợp: 43 triệu đồng/năm, tiếng Anh toàn phần: 64 triệu đồng/năm.
Tại Trường ĐH Luật TP HCM, mức học phí được chia theo từng nhóm ngành đào tạo. Cụ thể, nhóm ngành luật, luật thương mại quốc tế, quản trị kinh doanh có mức học phí thấp nhất; tiếp theo là ngành quản trị - luật; các chương trình chất lượng cao; chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh… Theo lộ trình tăng học phí qua các năm đã được trường công bố, mức học phí năm 2025 lần lượt là 39,75 triệu đồng, 41,17 triệu đồng, 79,5 triệu đồng, 94,34 triệu đồng. So với năm 2024, mức học phí năm nay tăng 1,2%.
Tại ĐH Kinh tế TP HCM, theo nhóm các chương trình đào tạo, sinh viên có thể lựa chọn học hoàn toàn bằng tiếng Anh, bán phần tiếng Anh và chương trình tiếng Việt. Học phí tiếng Việt 1,1 - 1,3 triệu đồng/tín chỉ; học phí chương trình tiếng Anh bằng khoảng 1,4 lần tiếng Việt. Chương trình kế toán tích hợp tiếng Việt có mức học phí là 1,3 triệu đồng/tín chỉ, tiếng Anh 1,9 triệu đồng/tín chỉ. Chương trình cử nhân tài năng BBUS, cử nhân ISB ASEAN Co-op có mức học phí tiếng Việt 1,1 triệu đồng/tín chỉ, tiếng Anh 1,9 triệu đồng/tín chỉ, Mode coop 3,29 triệu đồng/tín chỉ...

Học phí tăng gây áp lực kinh tế đối với nhiều sinh viên và gia đình. Trong ảnh: Thí sinh dự thi đánh giá tư duy năm 2025 của Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: YẾN ANH
Tăng học phí để duy trì chất lượng đào tạo
Mức học phí tăng đáng kể khiến nhiều phụ huynh, thí sinh lo lắng, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng thừa nhận chính sách đẩy mạnh xã hội hóa trong giáo dục ĐH dẫn tới người học phải chịu chủ yếu chi phí đào tạo, học phí tăng quá khả năng chi trả của nhiều gia đình. Trong khi đó, quy định về cơ chế miễn giảm học phí hiện nay chưa phù hợp với các chương trình đào tạo chất lượng cao có chi phí cao.
Theo quy định hiện hành, người học đóng phần chênh lệch giữa mức trần học phí và mức hỗ trợ của nhà nước. Như vậy, đối với các chương trình đào tạo chất lượng cao có chi phí lớn hơn mức trần, cơ sở giáo dục ĐH không có nguồn bổ sung, không có căn cứ để thu phần chênh lệch từ người học
Thêm vào đó, chính sách tín dụng ưu đãi cho người học hiện nay có lãi suất vay chưa hấp dẫn, hạn mức còn thấp, đối tượng được vay còn hạn chế và thời hạn trả nợ ngắn. Lãi suất vay ưu đãi hiện nay là 6% - nằm ở nhóm trung bình, thậm chí còn cao hơn lãi suất vay mua nhà ở xã hội, chưa thực sự hấp dẫn với nhiều gia đình.
"Hạn mức vay tối đa hiện nay là 4 triệu đồng/tháng, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế của sinh viên, đặc biệt là với các ngành học có học phí cao hoặc sinh viên có hoàn cảnh khó khăn" - Bộ GD-ĐT nhìn nhận.
Chính sách học bổng khuyến khích học tập hiện nay ưu tiên sinh viên khá giỏi nhưng lại không có chế độ ưu tiên theo ngành học và đối tượng. Báo cáo của Bộ GD-ĐT cho thấy quy định hiện nay không có tác động khuyến khích người học chọn các ngành STEM, ngành đặc thù, nhất là nữ sinh. Chưa kể, kinh phí chi học bổng khuyến khích học tập được lấy hoàn toàn từ nguồn thu học phí (8% tổng nguồn thu học phí), cũng làm tăng gánh nặng cho người học.
Trong khi sinh viên đứng trước nỗi lo về học phí thì đại diện nhiều trường ĐH cho rằng nếu không tăng học phí, rất khó duy trì được chất lượng đào tạo.
Ngân sách chi cho giáo dục đại học quá thấp
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH rất thấp, đồng thời giảm liên tục.
Năm 2022, kinh phí thực chi từ ngân sách nhà nước cho giáo dục ĐH chỉ đạt 10.429 tỉ đồng, tương đương 0,11% GDP và 0,6% tổng ngân sách nhà nước - thấp hơn nhiều lần so với mức phổ biến của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, học phí của các cơ sở giáo dục ĐH công lập không được tăng theo lộ trình phù hợp.
Trong 3 năm 2020-2023, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Chính phủ quy định các trường giữ ổn định mức học phí như năm học 2020-2021, dẫn tới nguồn thu của các trường rất hạn hẹp, khó cân đối thu chi để duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo.
Chất lượng đào tạo phải tương xứng với học phí
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng trong bối cảnh hiện nay, các trường cần cân nhắc giữa chất lượng đào tạo và khả năng chi trả của người dân. Trường có mức học phí tăng cao không chỉ làm giảm cơ hội của thí sinh mà còn giảm cơ hội của trường khi sinh viên có thể lựa chọn trường khác.
"Đương nhiên là để tăng chất lượng đào tạo, các trường phải tăng học phí, ít nhất tăng theo trượt giá. Song, mỗi trường phải cân nhắc mức tăng đó có tương xứng với chất lượng đào tạo, chi phí điều kiện bảo đảm chất lượng hay không" - ông Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nhieu-truong-dai-hoc-dong-loat-tang-hoc-phi-196250406220239479.htm