Vươn lên từ đồi chè, cô gái chinh phục bằng tiến sĩ Đại học Tokyo

Sinh ra nơi miền biên giới, kinh tế chủ yếu từ việc bán chè, chị Đặng Thị Loan (SN 1994, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đã nỗ lực không ngừng nghỉ để đặt chân đến Nhật Bản và chinh phục bằng tiến sĩ Thú y tại Đại học Tokyo.

Chưa từng mơ đến du học

Sinh ra trong gia đình có 4 anh chị em tại xã biên giới giáp Lào, chị Đặng Thị Loan sớm quen với sự lam lũ, vất vả. Năm chị học lớp 9, biến cố xảy ra khi bố gặp tai nạn và mất khả năng sử dụng tay trái. Kinh tế gia đình từ đó phụ thuộc vào sức lao động của mẹ nhờ việc trồng chè.

“Cứ tờ mờ sáng, mẹ con mình đã có mặt trên đồi để hái chè. Đến gần 6 giờ mình mới vội vàng chạy về, đạp xe hơn 10km để đến trường”, chị nhớ lại.

Học cấp 3 tại trường làng, chị Loan chọn theo khối A với ước mơ trở thành bác sĩ cứu người, song khi đứng trước ngưỡng cửa đại học, chị buộc phải đưa ra một lựa chọn thực tế. Với hoàn cảnh gia đình khó khăn, chị hiểu rõ mình không có cơ hội “làm lại” nếu trượt hướng.

Năm ấy, chị quyết định đăng ký ngành Thú y tại trường Đại học Nông Lâm Huế, nơi phù hợp với năng lực và điều kiện tài chính của gia đình. “Ban đầu mình yêu thích Y học cổ truyền nhất, nhưng câu nói ‘Bác sĩ nhân y cứu con người, bác sĩ thú y cứu cả loài người’ của Ivan Pavlov đã khiến mình quyết tâm theo đuổi ngành này và viết tiếp ước mơ với Y học”, chị Loan chia sẻ.

Điều bất ngờ đến vào năm cuối đại học, khi cô giáo hướng dẫn nghiên cứu khoa học nhận ra năng lực của chị và động viên nộp hồ sơ du học thạc sĩ tại Nhật Bản.

“Lúc đó mình thật sự hoang mang bởi trình độ tiếng Anh gần như bằng không, điều kiện tài chính cũng không đủ. Du học tự túc là một quyết định mạo hiểm mà chưa bao giờ mình dám nghĩ tới”, chị kể lại.

Dù vậy, khao khát được học đã thúc đẩy chị mạnh dạn nộp hồ sơ vào chương trình dự bị thạc sĩ tại trường Đại học Tokyo, ngôi trường danh giá nhất tại Nhật Bản.

Chị Đặng Thị Loan trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Chị Đặng Thị Loan trong ngày tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Tokyo, Nhật Bản.

Hiện chị Loan đang tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tokyo.

Hiện chị Loan đang tiếp tục nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Tokyo.

Từ trượt đầu vào đến "cú đúp" học bổng

Với vốn ngoại ngữ bằng 0, ngày đầu tiên đặt chân đến Nhật, chị Loan đi tìm việc làm thêm chân tay để trang trải chi phí sinh hoạt. Chị xoay xở nhiều công việc cùng lúc như dọn dẹp khách sạn, phục vụ quán nhậu, lau dọn tại khu phức hợp… mỗi ngày làm việc đến 11 giờ đêm. Sau đó, chị lại quay về phòng nghiên cứu để tự học. Tuy ròng rã một năm, chị vẫn thi trượt kỳ thi đầu vào thạc sĩ vì điểm tiếng Anh không đủ.

“Lúc đó, mình nghĩ hay là không học nữa, trở về nước tìm việc. Nhưng nhớ lại lời hứa với bố mẹ, mình lại kiên quyết phải theo đuổi đến cùng. Mình nài nỉ giáo sư cho tiếp tục ở lại thêm một năm, vừa làm thêm, vừa học tiếng Anh, vừa cải thiện năng lực nghiên cứu”, chị tâm sự.

Sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của cô gái trẻ đã được công nhận khi đầu năm 2020, chị chính thức thi đậu và nhập học chương trình thạc sĩ tại Đại học Tokyo với hai học bổng cùng lúc. Yên tâm về mặt tài chính, chị Loan dồn tâm sức vào việc học, nghiên cứu, và làm trợ giảng cho các lớp học của trường. Hai năm sau, đúng hạn, chị tốt nghiệp thạc sĩ với bài luận văn được đánh giá cao.

Nhờ điểm luận văn tốt, chị Loan đăng ký học tiến sĩ và được chấp nhận chỉ sau buổi phỏng vấn dài 10 phút cùng với học bổng toàn phần của Bộ Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (2022 - 2025).

Tháng 3 vừa rồi, khi chính thức cầm tấm bằng tiến sĩ Thú y trên tay và nhìn lại hành trình dài cố gắng, chị thầm cảm ơn bản thân vì đã luôn kiên trì và không gục ngã trước những lần khó khăn.

TS. Loan đã dành sự quan tâm đến các vấn đề dịch tễ liên quan đến bệnh sán lá gan lớn trong chăn nuôi.

TS. Loan đã dành sự quan tâm đến các vấn đề dịch tễ liên quan đến bệnh sán lá gan lớn trong chăn nuôi.

Nghiên cứu tác nhân gây bệnh trong ngành chăn nuôi tại Việt Nam

Vốn xuất phát từ vùng quê, ngày còn học trong nước, chị Loan đã dành sự quan tâm đến các vấn đề dịch tễ liên quan đến bệnh sán lá gan lớn trong chăn nuôi. Vì vậy, trong suốt những năm du học, đề tài chị Loan tâm huyết nhất là về ảnh hưởng của khả năng chịu mặn ở loài ốc đến sự gia tăng tỷ lệ nhiễm sán lá gan lớn tại vùng biển.

“Mặc dù học ở Nhật nhưng mình luôn muốn thực hiện những nghiên cứu có tính ứng dụng, có thể góp phần cải thiện tình hình chăn nuôi trong nước và giúp cộng đồng quốc tế biết đến các vấn đề y tế - nông nghiệp tại Việt Nam”, chị cho biết.

Theo chị, trước đây, các nhà khoa học tin rằng loài ốc này chỉ có thể sống và phát triển trong môi trường nước ngọt, nên nguy cơ truyền bệnh ở khu vực ven biển được đánh giá là rất thấp. Tuy nhiên, thực tế những năm gần đây cho thấy tỷ lệ nhiễm bệnh sán lá gan lớn ở trâu bò tại vùng ven biển, đặc biệt ở Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có xu hướng gia tăng.

Điều này khiến chị đặt ra giả thuyết rằng loài ốc trung gian có thể đã thích nghi và phát triển khả năng kháng mặn. Kết quả nghiên cứu của chị Loan đã chứng minh, một số loài ốc trung gian hiện nay có thể sống và tiếp tục chu kỳ truyền bệnh trong điều kiện nước lợ, với nồng độ muối nhất định.

“Phát hiện này mang ý nghĩa quan trọng bởi nó không chỉ giúp điều chỉnh các biện pháp phòng chống bệnh tại Việt Nam mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân, người chăn nuôi và một bộ phận giới khoa học về nguy cơ lan truyền bệnh sán lá gan lớn ở các khu vực ven biển trên thế giới”, chị chia sẻ.

Theo chị Loan, việc thực hiện nghiên cứu tại Việt Nam khi đang học tập ở Nhật không hề dễ dàng. Sau khi hoàn thành các thí nghiệm trong phòng nghiên cứu tại trường, chị Loan đã tự sắp xếp về nước để thực hiện các chuyến khảo sát và thu mẫu tại các tỉnh ĐBSCL để kiểm chứng kết quả.

Hiện tại, chị Loan đang tiếp tục nghiên cứu với vai trò là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Phòng thí nghiệm Kiểm soát bệnh truyền nhiễm của Đại học Tokyo. Đồng thời, chị cũng đang tìm kiếm cơ hội trở về Việt Nam để cống hiến và làm việc.

“Mình luôn mong muốn được đóng góp cho quê hương, đặc biệt trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và giáo dục. Việt Nam có nhiều vấn đề thực tiễn về chăn nuôi, nông nghiệp cần được nghiên cứu sâu hơn. Mình hy vọng với kiến thức, kinh nghiệm đã tích lũy có thể góp phần nhỏ bé vào việc phát triển các nghiên cứu trong nước”, tiến sĩ trẻ nói.

Phương Lâm - Châu Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/vuon-len-tu-doi-che-co-gai-chinh-phuc-bang-tien-si-dai-hoc-tokyo-post1731603.tpo