Điều gì ngáng trở Nhật 'nối gót' Mỹ trừng phạt Myanmar?
Nhật Bản đã và đang cực lực kêu gọi quân đội Myanmar dừng hành vi bạo lực, thả các quan chức dân cử nhưng chần chừ trừng phạt kinh tế Myanmar.
Hạ viện Nhật đã ra nghị quyết lên án quân đội Myanmar chiếm quyền từ đầu tháng 6 này
"Không nên mờ mắt theo phương Tây"
Khi hàng trăm người biểu tình tụ tập bên ngoài Sứ quán Nhật Bản tại cố đô Yangon khi các cuộc biểu tình phản đối quân đội đảo chính trên toàn Myanmar lên cao trào, Đại sứ Ichiro Maruyama đã xuất hiện trước cổng tòa Đại sứ, đưa ra cảnh báo chắc nịch với chính quyền quân quản: Hãy thả lãnh đạo dân cử của Myanmar ngay lập tức!
Bình luận được đưa ra bằng tiếng Myanmar đã nhận được tràng pháo tay giòn giã từ người biểu tình ủng hộ dân chủ. Từ đó, họ hy vọng Nhật Bản sẽ có hành động mạnh mẽ gây áp lực lên quân đội Myanmar (hay còn được gọi là Tatmadaw).
Đến nay, Nhật Bản nhiều lần kêu gọi quân đội dừng hành động bạo lực, thả những người bị bắt và khôi phục dân chủ. Ngày 8/6, Hạ viện Nhật thông qua nghị quyết lên án việc quân đội Myanmar chiếm quyền.
Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn chần chừ thực hiện những động thái trừng phạt hay tạm ngừng các dự án hạ tầng quan trọng đang thực hiện tại đất nước Đông Nam Á này, Tokyo chỉ cho biết sẽ tránh thực hiện các thỏa thuận phi nhân đạo mới với chính quyền quân quản.
Tờ Japan Times dẫn lời ông Yusuke Watanabe, Tổng thư ký Hiệp hội Nhật Bản-Myanmar, một nhóm gồm nhiều chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản, đã viết một bài bình luận bày tỏ ý kiến cho rằng, Tokyo phải là cầu nối giữa Tatmadaw với Mỹ và những nước dân chủ khác thay vì chỉ "nhắm mắt đi theo chính sách phương Tây".
Ông Wantanabe là con trai của một cựu Bộ trưởng trong Nội các Nhật Bản và tự nhận mình là một số ít trong những người nước ngoài có liên lạc thường xuyên với lãnh đạo quân đội Min Aung Hliang.
Là đồng minh nhưng không đồng tình về vấn đề Myanmar
Việc Nhật Bản chần chừ không áp lệnh trừng phạt tài chính với quân đội Myanmar cho thấy chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang gặp rất nhiều khó khăn khi thuyết phục các nước đồng minh tại Châu Á có bước đi thực tế sau lời kêu gọi bảo vệ dân chủ tại Myanmar.
Riêng với Nhật Bản và Ấn Độ, hai nước đang cùng Australia tạo ra nhóm “Bộ tứ” với sự hậu thuẫn của Mỹ, việc thực hiện các biện pháp cứng rắn chống lại Tatmadaw chỉ càng tạo cơ hội để Trung Quốc tăng cường ảnh hưởng trong khu vực.
Bắc Kinh đã chặn mọi lệnh trừng phạt tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định sẽ không thay đổi chính sách với Myanmar sau cuộc đảo chính và chấp nhận chế độ hiện tại của Myanmar là hợp pháp trên trường quốc tế.
“Nhật Bản không tin vào trừng phạt”, ông Nobuhiro Aizawa, phó Giáo sư Đại học Kyushu chuyên về quan hệ quốc tế và chính trị Đông Nam Á nhận định. Theo ông, “nếu không chấp nhận nguyên tắc điều hành dân chủ, ta sẽ không thể thành công về kinh tế. Và khi không thành công về kinh tế, ta sẽ chẳng thể duy trì quyền lực”.
Về phía Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Japan Times dẫn lời một quan chức ngoại giao sở tại cho biết: “Trong cộng đồng quốc tế, chúng tôi có rất nhiều cách để liên lạc với Myanmar kể cả quân đội nước này”. “Chúng tôi hiểu, nhiều quốc gia, không riêng Nhật Bản, đang cân nhắc những cách thức tốt nhất để góp phần giải quyết tình hình hiện nay tại Myanmar”, quan chức này cho biết.
Mối quan hệ kinh tế, chính trị quá sâu sắc
“Dựa trên số tiền Nhật đã đổ vào Myanmar và thực tế Tokyo đang coi đây như một cuộc cạnh tranh địa kinh tế với Trung Quốc, có thể hiểu vì sao Tokyo vô cùng lưỡng lự khi rút khỏi đất nước Đông Nam Á này”, ông Simon Tay, Chủ tịch Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Singapore cho biết.
Mối quan hệ của Nhật Bản với Myanmar được xây dựng từ thời Thế chiến thứ II. Chính quyền Tokyo thời điểm đó đã hỗ trợ các cuộc cách mạng do ông Aung San, cha đẻ của chính trị gia, nhà hoạt động vì dân chủ Myanmar Aung San Suu Kyi, và là người thành lập quân đội Myanmar, dẫn đầu trong cuộc chiến giành độc lập.
Mặc dù, sau đó Nhật Bản đã chiếm Myanmar đến năm 1945 và ông Aung San từng có thời điểm quay sang chống lại Nhật Bản nhưng hai đất nước này vẫn duy trì quan hệ thân mật kể cả trong thời kỳ dài quân đội cầm quyền.
Khi Myanmar vươn lên cải cách kinh tế và chính trị nhanh chóng trong 1 thập kỷ qua, Nhật Bản là nước giành được nhiều dự án quan trọng, liên doanh với các doanh nghiệp công của Myanmar thành lập Sàn Chứng khoán Yangon và đặc khu kinh tế duy nhất của Myanmar.
Tính đến tháng 4 vừa qua, Nhật là nhà đầu tư nước ngoài thứ 3 sau Singapore và Trung Quốc với số vốn lên tới 2,4 tỉ USD kể từ năm tài khóa 2016-2017.
Song, từ sau khi đảo chính nổ ra vào tháng 2/2021, nhất là thời điểm các lực lượng an ninh Nhật sử dụng vũ lực đàn áp người biểu tình, các công ty Nhật trong đó có Tập đoàn Kirin, đang chịu áp lực vô cùng lớn phải rút khỏi các hoạt động đầu tư có liên quan tới quân đội.
Vài ngay sau đảo chính, hãng bia Kirin của Nhật Bản tuyên bố chấm dứt hợp tác liên doanh với Tập đoàn Kinh tế Myanmar thuộc sở hữu của quân đội Myanmar dù cách đây 6 năm họ đã đầu tư tới 560 triệu USD.
Trong thông báo được đưa ra vài ngày sau cuộc đảo chính, Kirin khẳng định, họ đang thực hiện những động thái khẩn cấp để chấm dứt quan hệ liên doanh nhưng chưa công bố khung thời gian cụ thể.
Theo Moe Thuzar, một nghiên cứu sinh tại Viện nghiên cứu ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, chính phủ Nhật Bản quan tâm tới tình hình an ninh kinh tế và nhân đạo tại Myanmar hơn là trừng phạt quân đội nước này bằng những hành động cưỡng ép.