Điều gì thực sự đã xảy ra với Yuri Gagarin, người đàn ông đầu tiên bay vào vũ trụ?

Ngày 12/4/1961, tàu vũ trụ Phương Đông 1 mang theo nhà du hành vũ trụ Yuri Alekseyevich Gagarin, 27 tuổi, được phóng lên vũ trụ từ một sân bay quốc tế ở Liên Xô và Gagarin đã hoàn thành quỹ đạo bay 108 phút vòng quanh Trái Đất, trở thành người đàn ông đầu tiên bay vào vũ trụ.

Nhà du hành vũ trụ Gagarin. Ảnh: History

Nhà du hành vũ trụ Gagarin. Ảnh: History

Sau khi bay một vòng quanh Trái Đất hết 1 giờ 48 phút, tàu vũ trụ Phương Đông 1 đã hạ cánh an toàn xuống một cánh đồng bên bờ sông Vonga. Thành công này không chỉ là niềm tự hào của Liên bang Xô Viết khi đó, mà còn là bước đột phá trong quá trình chinh phục không gian của nhân loại, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử khoa học thế giới - Kỷ nguyên con người chinh phục vũ trụ.

Tuy nhiên, 7 năm sau khi trở thành người đầu tiên bay vào không gian, nhà du hành vũ trụ Liên Xô Yuri Gagarin đã chết trong một vụ tai nạn máy bay trong một hoàn cảnh bí ẩn.

Trở thành người đàn ông đầu tiên bay vào không gian

Là con trai của một người thợ mộc, Yuri Alekseyevich Gagarin, sinh năm 1934, tại làng Klushino ở Smolensk (Nga). Năm 16 tuổi, ông chuyển đến Moscow để học nghề thợ đúc trong một xưởng kim loại, nhưng sau đó chuyển đến một trường kỹ thuật ở Saratov. Ở đó, Gagarin tham gia một câu lạc bộ bay và lần đầu tiên ông được bay trên bầu trời. Ông tốt nghiệp trường sĩ quan Không quân Liên Xô năm 1957 và bắt đầu phục vụ với tư cách phi công chiến đấu. Cùng năm đó, ông kết hôn với vợ mình tên là Valentina, họ có hai cô con gái.

Nhà du hành vũ trụ Gagarin trong không gian. Ảnh: Getty

Nhà du hành vũ trụ Gagarin trong không gian. Ảnh: Getty

Năm 1960, Gagarin được chọn cùng với 19 ứng cử viên khác cho chương trình không gian của Liên Xô. Chương trình đã sàng lọc các nhà du hành vũ trụ xuống còn 2 người - Gagarin và một đồng nghiệp của ông, Gherman Titov. Họ là những người lọt vào vòng chung kết để thực hiện chuyến bay đầu tiên của chương trình vào vũ trụ. Cuối cùng Gagarin đã được lựa chọn cho chuyến bay này.

Và, vào lúc 9:07 sáng ngày 12/4/1961, khi tàu vũ trụ Vostok 1 của Gagarin cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur, ông đã thốt ra câu cảm thán mang tính biểu tượng rằng: “Poyekhali!” (Tạm dịch: “Đi thôi!”).

Anh hùng Liên Xô

Sau chuyến bay lịch sử đó, Gagarin ngay lập tức trở thành người nổi tiếng trong ngành vũ trụ Liên Xô nói riêng và trên toàn thế giới nói chung. Gagarin được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Liên Xô và cũng được Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng lao động Việt Nam và nhiều huân chương, huy chương, danh hiệu công dân danh dự của các thành phố tại các quốc gia ở châu Âu, châu Á, châu Phi và châu Mỹ. Ông cũng đã tới thăm nhiều quốc gia trên thế giới với tư cách sứ giả của hòa bình và hữu nghị. Các đài tưởng niệm ông cũng đã được dựng lên trên khắp Liên Xô và các đường phố được đổi tên để vinh danh ông.

Đoàn xe hộ tống Gagarin khi ông trở về Moscow, ngày 14/4/1961. Ảnh: Tass

Đoàn xe hộ tống Gagarin khi ông trở về Moscow, ngày 14/4/1961. Ảnh: Tass

Đặc biệt, chiến thắng này như một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ lúc bấy giờ bởi quốc gia đã lên kế hoạch cho chuyến bay vào vũ trụ đầu tiên vào tháng 5/1961. Còn đối với Liên Xô, cuộc chinh phục không gian này là bằng chứng khẳng định sức mạnh vĩ đại của chủ nghĩa cộng sản đối với chủ nghĩa tư bản. Tuy nhiên, đối với những người làm việc trong chương trình Vostok và trước đó là Sputnik (đã phóng vệ tinh đầu tiên vào không gian năm 1957), thành công này chủ yếu nhờ vào tài năng xuất chúng của một người tên là Sergei Pavlovich Korolev. Trong quá khứ gây nhiều tranh cãi của mình, nhà thiết kế trưởng Korolev không được biết đến ở phương Tây và đối với tất cả trừ những người trong cuộc ở Liên Xô cho đến khi ông qua đời vào năm 1966.

Kết thúc bi thảm của một anh hùng

Ngày 27/3/1968, Gagarin đã thiệt mạng khi chiếc máy bay chiến đấu MiG-15 hai chỗ ngồi mà ông đang bay cùng Vladimir Seryogin bị rơi bên ngoài một thị trấn nhỏ gần Moscow trong một chuyến bay huấn luyện như thường lệ.

Ngày sau đó, một cuộc điều tra chính thức về vụ tai nạn đã kết luận rằng Gagarin đã đổi hướng để tránh một vật thể lạ - chẳng hạn như một con chim hoặc quả bóng bay khiến máy bay rơi vào tình trạng xoáy đuôi và kết thúc bằng việc nó đâm xuống đất.

Ảnh: History

Ảnh: History

Nhưng nhiều chuyên gia hàng không coi kết luận này là không hợp lý, và những tin đồn vẫn tiếp tục xoay quanh vụ tai nạn. Một số người cho rằng Gagarin có thể đã uống rượu, hoặc ông và Seryogin có thể đã bị phân tâm khi chụp ảnh từ cửa sổ máy bay. Những người khác cho rằng van điều áp cabin có thể đã bị hỏng, khiến cả hai phi công đều bị thiếu oxy. Và nhiều giả thuyết kỳ lạ hơn cũng đã được đưa ra sau đó.

Sự thật được giải mã

Bạn của Gagarin và cũng là nhà du hành vũ trụ người Nga, Alexei Leonov, đã có mặt tại khu vực vào ngày xảy ra vụ tai nạn và phục vụ (cùng với Gherman Titov) trong ban điều tra vụ tai nạn. Năm 2013, Leonov đã thông báo trên mạng Russia Today TV rằng có một báo cáo khác về vụ tai nạn mà gần đây đã được giải mật, theo đó xác nhận câu chuyện có thật rằng: Có một chiếc máy bay thứ hai đang được bay thử nghiệm vào ngày hôm đó, đó là một chiếc máy bay phản lực Su-15, đã bay nhầm xuống thấp hơn nhiều so với độ cao dự kiến là 33.000 feet, thay vì đi qua gần nơi máy bay của Gagarin đã bay, khoảng 2.000 feet. Một chiếc máy bay lớn như vậy có thể đã cán lên một chiếc nhỏ hơn (như MiG-15) nếu hai chiếc máy bay đến quá gần nhau.

Sau khi chạy nhiều mô phỏng máy tính khác nhau, báo cáo kết luận rằng lời giải thích khả thi duy nhất cho vụ tai nạn là chiếc Su-15 đã bay quá gần với máy bay của Gagarin vào ngày hôm đó, khiến MiG-15 bị lật và buộc nó lao thẳng xuống mặt đất theo hình xoắn ốc.

Khi được hỏi tại sao bản báo cáo vẫn được phân loại trong thời gian dài như vậy, Leonov trả lời: “Tôi đoán rằng một trong những lý do để che đậy sự thật là đã có một sai sót xảy ra rất gần với Moscow”. Leonov đồng ý không tiết lộ danh tính phi công bay thử nghiệm Su-15, lúc đó đã 80 tuổi.

Ngày nay, ở Nga, ngày 12/4 còn được gọi là Ngày du hành vũ trụ (Cosmonautics Day). Trong một buổi họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc vào năm 2011, ngày này được tuyên bố là “Ngày của chuyến bay của con người trong không gian” (Day of Human Space Flight). Năm 2011, con gái của Yuri Gagarin chia sẻ về cuộc sống riêng của cha cô với Andrea Rose của Hội đồng Anh như sau: “Sau chuyến bay đầu tiên, cha tôi vẫn muốn quay lại vũ trụ. Cha tôi muốn tiếp tục công việc của mình như là một phi công hoặc một phi hành gia”.

Ông Yuri Gagarin và vợ Valentina cùng con gái. Ảnh: Sputnik

Ông Yuri Gagarin và vợ Valentina cùng con gái. Ảnh: Sputnik

Đúng như nhận xét của Sarah Pruitt, tác giả của Breaking History: Vanished! (Lyons Press, 2017), người thường ghi lại một số vụ mất tích nổi tiếng nhất trong lịch sử, nói rằng: “Gagarin vẫn là một hình ảnh quan trọng trên toàn cầu vì thành quả và cách truyền cảm hứng của ông ấy, cuộc đời của con một người thợ mộc đã trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất của thế kỷ 20. Cựu phi hành gia đã không sống đủ lâu để chứng kiến hàng trăm người khác đã theo bước chân của ông để thám hiểm không gian. Gagarin, một người chồng và là người cha của hai người con, đã hy sinh trong một tai nạn máy bay vào năm 1968 khi mới 34 tuổi”.

Hương Giang (tổng hợp)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/dieu-gi-thuc-su-da-xay-ra-voi-yuri-gagarin-nguoi-dan-ong-dau-tien-bay-vao-vu-tru/26963.htm