Điều gì xảy ra với gan khi ăn quá nhiều đường?
Quá nhiều đường có thể gây hại cho sức khỏe. Điều này thường liên quan đến bệnh tiểu đường hoặc bệnh tim... Thế nhưng, lượng đường dư thừa trong chế độ ăn uống cũng gây tổn hại cho sức khỏe gan…
1. Tác hại của việc ăn quá nhiều đường đối với sức khỏe gan
Hệ thống sinh hóa trong cơ thể con người giúp trao đổi protein, tinh bột, chất béo và có thể biến protein thành chất béo. Bất cứ thực phẩm nào chúng ta ăn, nếu quá nhiều, sẽ được tích trữ dưới dạng chất béo.
Đường và các loại tinh bột (carbohydrate) được cơ thể phân hủy thành glucose. Một tỷ lệ nhỏ glucose này được cơ thể sử dụng, và phần lớn được chuyển hóa thành chất béo. Ở những người không tập thể dục và có lối sống ít vận động, tỷ lệ béo phì sẽ cao hơn. Tiêu thụ quá nhiều đường có thể dẫn đến tăng cân và béo phì, nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các cơ quan nội tạng như gan. Đây là nguyên nhân gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.
Tiêu thụ đường kích hoạt giải phóng dopamine, loại hormone mang lại cảm giác dễ chịu. Những người đang vật lộn với căng thẳng hoặc trầm cảm có thể thèm đồ ngọt. Tuy nhiên, hầu hết những thực phẩm chứa đường này sẽ được tích trữ dưới dạng chất béo, cuối cùng gây hại cho gan. Chu kỳ không lành mạnh này có thể dẫn đến bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan (sẹo) và thậm chí là ung thư.
Bên cạnh đó, vi khuẩn tốt trong ruột là cần thiết - không chỉ giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru mà còn cho sức khỏe nói chung. Quá nhiều ngọt trong chế độ ăn sẽ ảnh hưởng đến môi trường sống của các vi khuẩn đường ruột này. Sự thay đổi ở vi khuẩn đường ruột cũng gây ra rối loạn chuyển hóa và tổn thương gan. Các gốc tự do gây ung thư gan cũng có liên quan đến việc tiêu thụ quá nhiều đường.
2. Trái cây có gây gan nhiễm mỡ không?
Phân tử đường trong trái cây tồn tại ở dạng fructose. Lượng đường này ở mỗi loại trái cây là khác nhau, cao hơn ở những loại trái cây mọng nước như nho, cam, dưa hấu… và giảm các loại trái cây nhiều thịt như ổi, táo...
Mặc dù trái cây thường được coi là tốt cho sức khỏe nhưng việc tiêu thụ quá nhiều, chúng sẽ chuyển hóa đường fructose thành chất béo trong gan, gây ra gan nhiễm mỡ.
3. Vị ngọt tiềm ẩn trong thực phẩm đóng gói có đáng ngại?
Nhiều người đang cắt giảm lượng đường tiêu thụ vì lý do sức khỏe, thì ngành công nghiệp thực phẩm đã tìm ra một cách khác để mang đến cho người tiêu dùng món hấp dẫn vị giác hơn, âm thầm thay thế đường trong nhiều loại thực phẩm đóng gói bằng sucralose, stevia, allulose, erythritol và nhiều loại chất làm ngọt nhân tạo và chất thay thế đường khác.
Chất làm ngọt ít calo và không calo đã được sử dụng trong nước ngọt dành cho người ăn kiêng trong nhiều thập kỷ… nhưng hiện nay các công ty thực phẩm đang bổ sung chúng vào ngày càng nhiều thực phẩm đóng gói, trong đó có nhiều loại có thể khiến bạn ngạc nhiên. Chúng bao gồm bánh mì, sữa chua, bột yến mạch, bánh nướng xốp, súp đóng hộp, nước sốt salad, gia vị và thanh đồ ăn nhẹ…
Các chất thay thế đường có thể được tìm thấy trong danh sách thành phần trên bao bì thực phẩm, thường có những cái tên mà nhiều người tiêu dùng không nhận ra, như adventame, neotame và acesulfame kali. Thực phẩm tuyên bố "không có chất làm ngọt nhân tạo" thường được làm ngọt bằng stevia và các chất thay thế đường "tự nhiên" khác.
Số lượng các sản phẩm thực phẩm chứa chất thay thế đường có hàm lượng calo thấp hoặc không có calo đã tăng lên trong những năm gần đây, mang tới mục đích thay thế đường giúp mọi người kiểm soát cân nặng và giảm lượng đường bổ sung, nhưng các nghiên cứu cho thấy đường giả cũng có thể có tác dụng không mong muốn đối với đường ruột và sức khỏe trao đổi chất của cơ thể, thậm chí còn thúc đẩy cảm giác thèm ăn và kháng insulin, tiền thân của bệnh tiểu đường loại 2...
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mọi người hạn chế ăn các chất thay thế đường vì chúng có khả năng gây ra những tác động lâu dài "không mong muốn", bao gồm cả những tác động bất lợi đối với sức khỏe đường ruột và trao đổi chất.
4. Giải pháp giúp gan khỏe mạnh
Ngoài việc tránh xa đường, đây là 10 điều bạn có thể làm để có một lá gan khỏe mạnh:
- Tập thể dục thường xuyên và có lối sống năng động: Tập thể dục nhịp điệu thường xuyên là chìa khóa để phòng ngừa bệnh gan nhiễm mỡ.
- Hạn chế uống rượu: Đặc biệt là những người mắc các hội chứng chuyển hóa như tiểu đường, tăng huyết áp, cholesterol cao… vì cả hai bệnh này kết hợp với nhau có thể làm tăng tổn thương gan.
- Ăn một chế độ ăn uống cân bằng: Ăn ít thực phẩm béo và nhiều chất xơ. Chế độ ăn nên bao gồm ít carbohydrate, nhiều chất xơ… nên tránh đồ ngọt và thịt đỏ…
- Theo dõi trọng lượng cơ thể:Nguy cơ mắc bệnh gan sẽ ít hơn nhiều nếu bạn duy trì chỉ số BMI lý tưởng.
- Tránh dùng thảo dược bổ sung và các phương pháp điều trị truyền thống: Đặc biệt là những loại không có giấy phép sử dụng thuốc, vì hầu hết chúng được bán dưới dạng "thực phẩm bổ sung".
- Tiêm vaccine phòng viêm gan B
- Thực hành tình dục an toàn:Virus HBV và HCV lây truyền qua máu và dịch cơ thể có thể gây xơ gan và ung thư gan.
- Tầm soát bệnh gan từ tuổi 40.
- Tránh xa các loại thuốc giảm cân và các bài thuốc thần kỳ phản khoa học được lan truyền trên mạng xã hội.
Không cần phải tránh tất cả các món ăn có đường, miễn là chúng ta có một chế độ ăn uống cân bằng lành mạnh.
Tác dụng xấu tiềm ẩn của đường tự do có thể được giảm bớt bằng cách dùng chúng cùng với các thực phẩm bổ dưỡng. Ví dụ, hãy kết hợp chúng với chất béo, protein và chất xơ lành mạnh để giảm thiểu sự tăng đột biến của lượng đường trong máu; hãy thưởng thức một vài miếng sô-cô-la với một nắm nhỏ các loại hạt. Điều này bổ sung thêm protein và chất béo lành mạnh để giảm lượng đường huyết tổng thể (ảnh hưởng đến lượng đường trong máu). Nếu bạn yêu thích nước cam, hãy đảm bảo uống 150ml mỗi ngày và thưởng thức nó với bữa sáng lành mạnh, chẳng hạn như trứng trên bánh mì nướng nguyên hạt, để có những lợi ích tương tự.
Mời bạn đọc xem tiếp video: