Điều hành chi ngân sách linh hoạt, đảm bảo nguồn lực cho cải cách, phát triển

Trước yêu cầu đảm bảo cân đối ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng, Bộ Tài chính đã điều hành chi ngân sách theo hướng linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả. Các khoản chi không cần thiết được chủ động rà soát, cắt giảm, ưu tiên đáp ứng kịp thời nguồn lực cho cải cách tiền lương, chuyển đổi số, đầu tư công... góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế từ 8% trở lên.

Bộ Tài chính điều hành chi ngân sách theo hướng linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: internet

Bộ Tài chính điều hành chi ngân sách theo hướng linh hoạt, tiết kiệm và hiệu quả. Ảnh: internet

Đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm

Cùng với điều hành thu ngân sách hiệu quả, Bộ Tài chính đã chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách chặt chẽ, hiệu quả, trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định. Một trong những điểm nhấn quan trọng là việc tiết kiệm triệt để chi thường xuyên, đặc biệt là phần tăng thêm so với năm 2024 để tạo nguồn cho cải cách tiền lương.

Cụ thể, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiết kiệm ít nhất 10% chi thường xuyên tăng thêm trong dự toán năm 2025 và tiếp tục tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên trong 7 tháng cuối năm. Khoản tiết kiệm dự kiến khoảng 7.200 tỷ đồng sẽ được sử dụng để đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về tiết kiệm chi thường xuyên, đồng thời đề xuất cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cấp thiết. Các khoản dự toán chi thường xuyên đã được giao đầu năm nhưng đến hết ngày 30/6/2025 chưa phân bổ cũng sẽ bị thu hồi, trừ các lĩnh vực ưu tiên như quốc phòng, an ninh, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, xây dựng pháp luật và sắp xếp tổ chức bộ máy.

Việc bố trí và tăng cường nguồn lực cho đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh nhằm thực hiện các Kết luận, Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị và Quốc hội về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bộ Tài chính cũng chỉ đạo rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP đạt từ 8% trở lên trong năm 2025.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, lũy kế chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 1.102,1 nghìn tỷ đồng, bằng 43,2% dự toán, tăng 38,5% so cùng kỳ. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt 268,1 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% dự toán Quốc hội quyết định, tăng 42,3% so cùng kỳ; tỷ lệ giải ngân ước đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Con số này cao hơn cùng kỳ năm 2024 khi giải ngân đạt khoảng 28,2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Ngân sách nhà nước tiếp tục đảm bảo các khoản chi cho cải cách bộ máy hành chính, chi trả chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức khi sắp xếp tổ chức, cũng như các nhiệm vụ quan trọng như quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, dịch bệnh và bảo đảm an sinh xã hội.

Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, chi thường xuyên ước đạt 776 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán, đảm bảo hoạt động của bộ máy nhà nước, quốc phòng, an ninh, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nước, chi trả kịp thời các chế độ, chính sách cho các đối tượng khi sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội.

Đặc biệt, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng khoảng 7,9 nghìn tỷ đồng, bổ sung cho các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và hỗ trợ các địa phương thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã thực hiện xuất cấp 10,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Tận dụng dư địa bội chi ngân sách nhà nước, nợ công

Để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ cấp bách, vừa qua, Bộ Tài chính đã trình Quốc hội một số đề xuất quan trọng như: Bổ sung dự toán ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách tiền lương theo Nghị định 178/2024/NĐ-CP (đã sửa đổi tại Nghị định 67/2025/NĐ-CP); chuyển nguồn chi thường xuyên chưa phân bổ năm 2024 sang 2025 để thực hiện miễn học phí và các nhiệm vụ phát sinh do sắp xếp tổ chức bộ máy; đồng thời đảm bảo mức chi tối thiểu 3% tổng ngân sách nhà nước cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, theo tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Trong quá trình thực hiện chủ trương sắp xếp lại đơn vị hành chính, Bộ Tài chính cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn cụ thể liên quan đến xử lý ngân sách, tài sản công và tài chính các cấp. Đồng thời, Bộ cũng đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc xác định lại dự toán thu – chi ngân sách địa phương năm 2025 sau khi hoàn tất việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Tại Nghị quyết số 192/2025/QH15 ngày 19/02/2025 về bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên, Quốc hội đã quyết nghị cho phép trường hợp cần thiết điều chỉnh bội chi ngân sách nhà nước lên mức khoảng 4-4,5% GDP để huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của Quốc gia có thể đến ngưỡng hoặc vượt ngưỡng cảnh báo khoảng 5% GDP.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch, trả nợ công năm 2025 và Chương trình quản lý nợ công 03 năm giai đoạn 2025-2027. Bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ chính quyền địa phương được tăng cường quản lý, kiểm soát chủ động, linh hoạt và hiệu quả; tận dụng dư địa bội chi ngân sách nhà nước và nợ công để huy động thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp cơ cấu lại danh mục nợ công theo hướng an toàn, bền vững.

Theo Bộ Tài chính, chi trả nợ lãi lũy kế 6 tháng ước đạt 55,7 nghìn tỷ đồng, bằng 50,4% dự toán. Công tác trả nợ được thực hiện đầy đủ, đúng hạn theo cam kết, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo, đáp ứng các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước theo dự toán. Đến hết ngày 30/6/2025, đã thực hiện phát hành 201,4 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 9,8 năm, lãi suất bình quân 2,92%/năm đảm bảo nguồn chi trả kịp thời nợ gốc các khoản vay đến hạn của ngân sách trung ương và góp phần định hướng lãi suất thị trường.

Trần Huyền

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/dieu-hanh-chi-ngan-sach-linh-hoat-dam-bao-nguon-luc-cho-cai-cach-phat-trien.html