Động lực chính thúc đà tăng trưởng kinh tế
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Văn Hiến nhấn mạnh, chính sách tài khóa đã hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp phát triển và tạo động lực thúc đà tăng trưởng kinh tế.

Khi giảm thuế giá trị gia tăng - người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay do được giảm giá mua hàng hóa dịch vụ. Ảnh tư liệu
PV: Là chuyên gia kinh tế, qua theo dõi của ông về quá trình vận hành chính sách tài khóa thời gian qua, ông đánh giá thế nào về việc được điều hành chính sách này hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế?

TS. Nguyễn Văn Hiến: Tôi cho rằng, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là trong giai đoạn suy thoái hoặc khi nền kinh tế cần được kích thích.
Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua được đánh giá ở mức lớn chưa từng có, những gói hỗ trợ tài chính này được ví như những liều thuốc bổ hỗ trợ kịp thời cho cộng đồng doanh nghiệp gặp vô vàn khó khăn như: đại dịch Covid, chiến tranh thương mại, bất ổn chính trị trên thế giới... nhờ đó rất nhiều doanh nghiệp đã vượt qua khó khăn, duy trì và mở rộng sản xuất kinh doanh, đời sống người lao động và an sinh xã hội luôn được đảm bảo.
Về thu ngân sách, trước những khó khăn về cân đối ngân sách, Nhà nước chủ trương triệt để quản lý nguồn thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người nộp thuế, đẩy mạnh khai thác các nguồn thu mới như thu thuế từ kinh doanh online, kinh doanh thương mại điện tử…. Nhờ tăng cường các biện pháp trên, nguồn thu ngân sách nhà nước vẫn được đảm bảo, mặc dù phải liên tục chi ra các gói hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có tiền lệ nhưng vẫn đảm bảo cân đối ngân sách, đảm bảo duy trì lành mạnh nền tài chính quốc gia, đó là thành quả rất lớn của việc điều hành chính sách tài khóa của Việt Nam.
PV: Mới đây, Quốc hội thông qua Nghị quyết tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026, trong đó, có thêm nhiều mặt hàng thiết yếu được giảm thuế. Ông nhìn nhận thế nào về chính sách này trong hỗ trợ nền kinh tế phát triển?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo tôi, rất nhiều doanh nghiệp và người dân đã rất hào hứng khi đón nhận thông tin Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng 2% từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026. Như vậy là từ năm 2022 đến nay, Quốc hội đã có 5 nghị quyết về giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% với nhiều loại hàng hóa, dịch vụ được ban hành.
Có thể khẳng định, việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% đã có tác động rất tích cực đến thị trường, góp phần kéo mặt bằng giá thị trường xuống trong bối cảnh áp lực lạm pháp liên tục gia tăng. Việc kéo mặt bằng giá hàng tiêu dùng xuống vừa có tác động tích cực đến tổng cầu của thị trường, vừa giúp hỗ trợ đời sống người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, lần giảm thuế này có một số điểm khác biệt so với các lần trước, những lần giảm thuế trước, mỗi lần chỉ có hiệu lực 6 tháng, lần này kéo dài 18 tháng, gấp 3 lần thời gian có hiệu lực so với các lần trước đây.
Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin, sản phẩm kim loại đúc sẵn và xăng dầu. Những mặt hàng này thuộc hàng tiêu dùng thường nhật của người dân, vì vậy, khi giảm thuế thì người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi ngay do được giảm giá mua hàng hóa dịch vụ.
Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng giảm thuế với nhóm nguyên liệu đầu vào của doanh nghiệp cũng sẽ giúp giảm các chi phí sản xuất, giảm được giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng tiêu thụ sản phẩm.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% cho thấy Chính phủ rất quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8% năm 2025 và ở mức 2 con số từ năm 2026. Việc giảm thuế lần này được xem là rất phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, đặc biệt khi cộng đồng doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài cũng như trong nội bộ nền kinh tế. Giảm thuế trong thời gian dài hơn cũng sẽ giúp các doanh nghiệp có đủ thời gian để định hình lại chiến lược kinh doanh nhằm tận dụng những cơ hội do chính sách mang lại.
PV: Để phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 8% trong năm nay, bên cạnh điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, theo ông, cần chú trọng những giải pháp trọng tâm nào trong thời gian tới?
TS. Nguyễn Văn Hiến: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, GDP 6 tháng đầu năm có thể tăng khoảng 7,5 - 7,6%, bám sát kịch bản đã đề ra là 7,6%. Theo quy luật hàng năm, 6 tháng cuối năm thường có tỷ lệ tăng trưởng cao hơn 6 tháng đầu năm, vì vậy, với đà tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2025 như trên, việc kinh tế Việt Nam về đích với tỷ lệ tăng trưởng cả năm 8% là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, kinh tế 6 tháng cuối năm vẫn có khá nhiều khó khăn thách thức đang chờ đợi, vì vậy cũng không nên chủ quan.
Theo tôi, để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng, bên cạnh các giải pháp về tài khóa cần triển khai đồng bộ giải pháp sau: Sớm ổn định bộ máy hành chính mới nhằm không gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Các bộ, ngành cũng cần sớm rà soát hoàn thiện các quy định pháp lý phù hợp với những chủ trương chính sách mới của Đảng và Nhà nước nhất là chính sách phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và chính sách phát triển kinh tế tư nhân thể hiện tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW mới ban hành để các chủ trương chính sách của Đảng sớm đi vào cuộc sống và phát huy tác dụng.
Trong đó, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, chủ động ứng phó với những diễn biến bất thường của thị trường thế giới, góp phần ổn định tỷ giá, kiềm chế lạm phát. Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, tháo bỏ mọi điểm nghẽn cản trở đầu tư công. Đặc biệt quan tâm giải ngân đầu tư công ở các công trình, dự án trọng điểm, dự án gần đến giai đoạn hoàn thành để các dự án này sớm đưa vào khai thác sử dụng nhằm hỗ trợ tăng trưởng.
PV: Xin cảm ơn ông!
Các công cụ của chính sách tài khóa tiếp tục được sử dụng chủ động, chặt chẽ
Trong 6 tháng đầu năm 2025, các công cụ của chính sách tài khóa tiếp tục được sử dụng một cách chủ động, chặt chẽ và linh hoạt trên cả hai giác độ là thu và chi ngân sách, kịp thời hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, kích thích tổng cầu trong nước.