Điều hành xăng dầu: Cho phép doanh nghiệp tự quyết định giá bán?

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng, giá kinh doanh xăng dầu nên giao cho các doanh nghiệp tự do xác định để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp như hiện nay mà chỉ là công cụ để điều tiết.

Giá bán ra trên thị trường đang do Nhà nước ấn định

Xăng dầu là mặt hàng đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, thị trường xăng dầu vẫn còn những tồn tại một số "nút thắt" trong cơ chế, quản lý mặt hàng này.

Vì vậy, Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu thay thế Nghị định 83/2014/NĐ-CP và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 83 đã được ban hành trước đó.

Liên quan tới vấn đề này, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính-Ngân sách Quốc hội cho rằng: Xăng dầu là một mặt hàng mang tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất.

 Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, thực chất giá bán ra trên thị trường do Nhà nước ấn định. (Ảnh: PLX)

Ông Hoàng Văn Cường cho rằng, thực chất giá bán ra trên thị trường do Nhà nước ấn định. (Ảnh: PLX)

Ví dụ, nếu như giá xăng dầu tăng thì chi phí đi lại sẽ bị ảnh hưởng và tác động ngay. Vận chuyển hàng hóa cũng làm cho chi phí tăng, tác động ngay đến đời sống người mua hàng hóa. Đầu vào của sản xuất cũng sẽ tác động tới giá thành của các doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Văn Cường, xăng dầu cũng là mặt hàng rất nhạy cảm, thường xuyên biến động. Nhạy cảm vì phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: Chính trị thế giới biến động, chiến tranh, mâu thuẫn địa chính trị xảy ra, diễn biến kinh tế thế giới, thậm chí cả vấn đề thiên tai cũng có thể ảnh hưởng đến giá dầu.

Điều đó đặt ra vấn đề là phải làm sao bình ổn điều hành giá và bình ổn điều hành giá không chỉ riêng đối với một quốc gia mà cả tầm thế giới.

Ở Việt Nam, Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực để điều hành và bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là chúng ta có 3 công cụ chủ yếu.

Công cụ đầu tiên là điều hành thông qua giá cơ sở, mặc dù xăng dầu có rất nhiều doanh nghiệp, các công ty kinh doanh của Nhà nước, kể các doanh nghiệp tư nhân nhưng giá bán ra trên thị trường phải dựa trên mức giá cơ sở và do Nhà nước điều hành, 7 ngày lại phải công bố điều chỉnh một lần. Ông Cường cho rằng, thực chất giá bán ra trên thị trường do Nhà nước ấn định.

Công cụ thứ hai Chính phủ sử dụng là công cụ về thuế, giá thế giới tăng cao cần phải giảm chi phí cho cấu thành giá, chúng ta phải giảm thuế nhập khẩu, thậm chí giảm thuế môi trường.

Công cụ thứ ba là bình ổn giá bằng việc trích lập quỹ bình ổn. Như vậy, công cụ sử dụng của chúng ta khá tổng hợp và về mặt hình thức, cơ bản sử dụng công cụ tổng hợp như nhiều quốc gia đã sử dụng.

“Việc điều hành như thế đã mang lại kết quả khá tích cực. Nhà nước có vai trò lớn trong việc điều hành giá xăng dầu. Điều đó thể hiện trong nhiều kỳ biến động lớn về giá xăng dầu trên thế giới chúng ta đã có những chính sách để không tạo ra cú sốc bất thường về giá xăng dầu”, ông Cường nói.

Nên để các doanh nghiệp quyết định giá

Tuy nhiên, việc quản lý và điều hành xăng dầu vẫn còn hạn chế, mặc dù Nhà nước kiểm soát về giá, ấn định giá nhưng giá vẫn phải theo thế giới. Theo ông Cường, nhập xăng dầu vào cao thì Việt Nam vẫn phải điều hành giá cao và khi thị trường xuống thấp mới hạ giá được.

“Chúng ta phải phụ thuộc vào biến động bất thường, thường xuyên của thế giới, trong vòng chậm nhất cũng là 7 ngày”, ông Cường nhận xét.

 Ông Hoàng Văn Cường: Phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. (Ảnh VGP)

Ông Hoàng Văn Cường: Phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. (Ảnh VGP)

Điểm thứ hai là vẫn mang tính chất mệnh lệnh hành chính của Nhà nước áp đặt cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải bán mức giá như thế này. Khi đã dùng hành chính áp đặt như thế sẽ không bảo đảm lợi ích đứng về mặt lợi nhuận do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó tính toán.

“Trong trường hợp dùng công cụ áp đặt quá mức, doanh nghiệp không còn lợi ích nữa thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ tìm biện pháp để lảng tránh. Điển hình nhất như chúng ta thấy trong thời gian vừa qua có những thời kỳ, có nơi người ta thông báo hết xăng dầu, không bán được”, ông Cường nêu.

Đối với công cụ về thuế hay sử dụng công cụ trích Quỹ bình ổn, thực chất Việt Nam dùng chính nguồn lực của ngân sách hoặc nguồn lực của người dân để tạo ra bình ổn giá chứ chúng ta chưa sử dụng công cụ sức mạnh của thị trường.

Công cụ thị trường có thể sử dụng để tạo ra bình ổn giá kể cả khi giá thế giới biến động bất thường nhưng nếu như có công cụ thị trường, các doanh nghiệp có tiềm lực vẫn có thể bán ra ở mức hợp lý với mức dự trữ tốt. Chính từ đó dẫn đến tình trạng chính sách này mang tính chất cào bằng.

Doanh nghiệp nào đầu tư kinh doanh tốt thì cũng bán giá đó, doanh nghiệp nào kinh doanh kém cũng bán giá đấy. Tức là không tạo ra sự cạnh tranh về giá bán trên thị trường.

“Nếu chúng ta để thị trường quyết định thì đương nhiên các doanh nghiệp đó sẽ cố gắng, nỗ lực làm sao tiết giảm chi phí đầu vào, thậm chí người ta có thể mua lúc rẻ và bán ra lúc đắt sẽ có giá hợp lý mà không chịu giá chung. Điều này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra tiềm lực tốt, tạo ra khả năng kinh doanh tốt. Đấy là những điều chúng ta cần phải khắc phục”, ông Cường nói.

Ông Cường cho rằng việc sửa đổi chính sách quản lý trong thời gian tới phải hướng vào mấy điểm.

Thứ nhất, Việt Nam phải hướng vào việc thay đổi cơ chế. Cơ chế quản lý hiện nay đang dùng là cơ chế quản lý hành chính Nhà nước nên chuyển sang công cụ thị trường, để thị trường điều tiết.

“Vì hiện nay chúng ta có cơ sở để dùng công cụ thị trường, không lo bị động bởi vì xăng dầu sản xuất trong nước có nguồn khá lớn (chiếm 70%), không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài và không hoàn toàn bị động. Tôi cho rằng để thị trường cạnh tranh là yếu tố bao trùm”, ông Cường cho biết.

Từ việc dựa vào công cụ thị trường như thế thì đương nhiên giá kinh doanh như thế nào cũng phải để cho các doanh nghiệp tự do xác định giá để có tính cạnh tranh. Nhà nước không nên can thiệp nhưng Nhà nước có công cụ để điều tiết.

Nếu như doanh nghiệp bán với giá phi thị trường hay trong một giai đoạn nào đó liên kết với nhau để bán với giá cao thì phải chịu sự điều tiết của Nhà nước. Ở đây có hai công cụ thuế là thuế nhập khẩu và thuế thu nhập, chúng ta có thể dùng công cụ đó để điều tiết, buộc doanh nghiệp phải nghĩ đến chuyện tăng lượng bán lên, bán với giá thấp hơn thì lợi ích nhiều hơn là chuyện khống chế lượng bán để tăng giá.

Ông Cường đưa ra quản điểm: Muốn có được công cụ thị trường để cạnh tranh thì Việt Nam phải có thị trường cạnh tranh mà muốn có thị trường cạnh tranh thì việc mua bán để thị trường quyết định, trăm người bán, vạn người mua.

Tuy nhiên, theo vị đại biểu Quốc hội, Việt Nam cũng không thể thả nổi hoàn toàn. Cơ quan quản lý nhà nước phải sử dụng các công cụ hiện đại để bình ổn giá xăng dầu. Điển hình là việc thế giới, các công ty lớn hay sử dụng các công cụ về phái sinh để bình ổn.

“Tôi cho rằng chúng ta cũng phải tiến tới việc tạo ra các cơ sở pháp lý và các điều kiện khuôn khổ cho các doanh nghiệp sử dụng công cụ phái sinh này để bình ổn. Bên cạnh đó phải có nguồn lực dự trữ quốc gia, phải có thị trường để làm sao cho mọi người có thể tham gia giao dịch tốt”, ông Cường nhấn mạnh.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dieu-hanh-xang-dau-cho-phep-doanh-nghiep-tu-quyet-dinh-gia-ban-post305552.html