Điều khiến dầu dừa xứng danh 'nguyên liệu vàng'
Dầu dừa xứng danh 'nguyên liệu vàng' của ngành làm đẹp khi mang nhiều công dụng chăm sóc da. Thế nhưng, sử dụng không đúng cách có thể gây lợi bất cập hại.
Ngoài khả năng dưỡng ẩm mạnh mẽ, dầu dừa còn cung cấp nhiều lợi ích khác như làm dịu, kháng khuẩn... Tuy nhiên, với ai dễ gặp các vấn đề về mụn hoặc bít tắc lỗ chân lông, các chuyên gia không khuyến khích sử dụng loại dầu tự nhiên này lên da mặt, InStyle đưa tin.
Tốt nhất, hãy sử dụng dầu dừa trên cơ thể để tránh bất kỳ tác dụng phụ tiềm ẩn nào khi kết hợp loại dầu tự nhiên này vào quy trình chăm sóc da.
Lợi ích của dầu dừa
Marisa Garshick, bác sĩ da liễu được chứng nhận hội đồng tại New York và New Jersey (Mỹ), cho biết dầu dừa được sản xuất bằng cách ép phần cùi dừa tươi hoặc cùi dừa khô. Với nhiều công dụng, loại nguyên liệu này được sử dụng phổ biến từ nấu ăn, làm đẹp đến chăm sóc sức khỏe.
Tuy nhiên, không phải loại dầu dừa nào cũng giống nhau. Đối với những người sử dụng dầu dừa lên cơ thể, bác sĩ Garshick khuyên rằng hãy sử dụng dầu dừa ép lạnh, tinh khiết ở dạng lỏng để đảm bảo chất lượng.
Từ dưỡng ẩm đến chữa lành, dầu dừa mang lại nhiều lợi ích tốt cho da khi sử dụng.
“Dầu dừa là loại nguyên liệu cung cấp nhiều lợi ích. Sử dụng dầu dừa có thể mang lại hiệu quả dưỡng ẩm cho da, giảm viêm, đẩy nhanh quá trình phục hồi vết thương và kháng khuẩn”, bác sĩ Garshick cho biết.
Theo bác sĩ Deanne Mraz, đồng sáng lập của Modern Dermatology tại Westport, (bang Connecticut, Mỹ) và trợ lý giáo sư về da liễu tại Trường Y khoa Yale, những lợi ích “vàng” của dầu dừa đến từ nồng độ axit lauric cao, mang đặc tính kháng khuẩn, chống viêm cùng axit linoleic, có hiệu quả dưỡng ẩm và làm mềm da. Hai công dụng này của dầu dừa đặc biệt quan trọng.
“Đặc tính kháng khuẩn nhằm góp phần loại bỏ vi khuẩn trên bề mặt da và hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương. Ngoài ra, công dụng chống viêm và chống oxy hóa tạo điều kiện giảm tình trạng viêm ở da. Đồng thời, chúng còn hỗ trợ trung hòa các gốc tự do, nhằm giảm tổn thương do oxy hóa và căng thẳng”, bà chia sẻ.
Hơn nữa, nguyên liệu này cũng là một loại kem dưỡng tuyệt vời.
“Với tác dụng dưỡng ẩm, thông qua việc tạo một lớp bảo vệ trên bề mặt da, dầu dừa hỗ trợ rất tốt quá trình phục hồi chức năng cho hàng rào bảo vệ da”, bác sĩ Mraz nói.
Ngoài ra, dầu dừa có tác dụng tốt đối với các vấn đề da liễu, giúp hạn chế tình trạng viêm da dị ứng, bệnh chàm và vảy nến. Với những tiềm năng “vàng” của dầu dừa trong ngành làm đẹp, bác sĩ Garshick nhấn mạnh tính hứa hẹn của một số nghiên cứu, ứng dụng nguyên liệu này trong việc chữa trị bệnh viêm da dị ứng.
“Một vài nghiên cứu đã chỉ ra tính khả thi của dầu dừa trong việc điều trị bệnh viêm da dị ứng từ việc nuôi dưỡng làn da. Phương pháp này bảo vệ hàng rào bảo vệ da và hạn chế mất nước qua biểu bì", bà cho biết thêm.
Dùng dầu dừa sao cho chuẩn
Theo các chuyên gia, dầu dừa có khả năng gây mụn do làm bít tắc lỗ chân lông. Vì vậy, hầu hết loại da không thể dung nạp khi sử dụng loại dầu trên mặt.
Thay vào đó, nguyên liệu này phát huy công dụng tốt nhất khi ứng dụng vào quy trình chăm sóc da cơ thể, môi hoặc sử dụng như một chất làm sạch. Đồng thời, với các thành phần của mình, nguyên liệu này cũng được sử dụng trong quy trình chăm sóc tóc như một chất dưỡng ẩm sâu.
“Tôi thích khả năng điều trị các vùng da khô của dầu dừa nhất, đặc biệt là các vùng ở đầu gối và khuỷu tay”, bác sĩ Mraz cho biết.
Chung quan điểm, Purivisha Patel, bác sĩ da liễu tại Memphis (bang Tennessee, Mỹ), người sáng lập Visha Skin Care, nói rằng dầu dừa mang nhiều lợi ích cho da khô nhờ giàu axit béo.
Dầu này có thể được dùng để làm mềm và bảo vệ môi, cũng như làm dịu vết cháy nắng, hỗ trợ dưỡng ẩm và chống viên cho làn da cơ thể. Bác sĩ gợi ý thêm về công dụng tẩy trang của dầu dừa. Tuy nhiên, cần chú ý áp dụng phương pháp làm sạch kép để tránh gây tắc nghẽn và gia tăng mụn.
“Muốn tận dụng triệt để công dụng của dầu dừa, hãy thoa chúng lên cơ thể khi da còn ẩm, ngay sau khi tắm xong. Quy trình này sẽ hỗ trợ dưỡng ẩm, bảo vệ da và khóa ẩm”, bác sĩ Garshick chia sẻ.