Điều kiện cần và đủ để Luật Nhà giáo sớm đi vào cuộc sống

Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua là điều kiện cần. Điều kiện đủ là phải xây dựng các nghị định, thông tư hướng dẫn để Luật sớm đi vào cuộc sống.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu một số nội dung căn cốt của Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu một số nội dung căn cốt của Luật Nhà giáo.

Sáng 17/7, Bộ GD&ĐT phối hợp với UNESCO tổ chức Hội thảo tham vấn chuyên môn một số nội dung hướng dẫn thi hành Luật Nhà giáo, chính sách cho nhà giáo, lãnh đạo giáo dục và nhân sự trường học trong bối cảnh mới.

Đáp ứng mục tiêu phát triển đội ngũ nhà giáo

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho hay, ngày 16/6/2025 Quốc hội thông qua Luật Nhà giáo. Ngày 8/7, Chủ tịch nước đã công bố lệnh về Luật này.

Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được Quốc hội thông qua đáp ứng niềm mong mỏi của hơn 1 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên cả nước. Trong quá trình thực hiện, khi cần thiết luật tiếp tục được sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện tốt hơn, đáp ứng mục tiêu là phát triển đội ngũ nhà giáo - lực lượng quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo.

Cũng theo Thứ trưởng, Luật Nhà giáo được ban hành chứng tỏ cơ quan chủ trì là Bộ GD&ĐT cùng với các bộ, ngành liên quan, các chuyên gia đã chuẩn bị kỹ lưỡng trong khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, tham vấn, xây dựng và hoàn thiện luật. Vì thế, khi trình Quốc hội, Luật nhận được 451/460 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm hơn 94% tổng số đại biểu).

Quan trọng hơn, Luật Nhà giáo đáp ứng được quan điểm, mục tiêu mà Ban soạn thảo, cơ quan chủ trì đã xác định ngay từ đầu là: phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới.

Chia sẻ về quá trình xây dựng Luật, Thứ trưởng cho biết, ban đầu dự định ban hành Luật theo hướng khá chi tiết. Sau quá trình thẩm định của các cơ quan, thì quan điểm là xây dựng luật khung, luật ống.

Tức là chỉ quy định những điều khoản thuộc thẩm quyền của Quốc hội, còn những nội dung thuộc thẩm quyền của Thủ tướng, các bộ ngành liên quan sẽ do Thủ tướng, Chính phủ quy định. Vì thế, việc biên soạn các điều, khoản trong Luật ngắn gọn hơn.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Cần văn bản hướng dẫn thiết thực

Thứ trưởng nhấn mạnh, Luật Nhà giáo được ban hành là điều kiện quan trọng, căn cứ pháp lý cao nhất để triển khai. Đây cũng là những điều kiện cần, còn điều kiện đủ là phải ban hành, hướng dẫn, các văn bản dưới luật. Quá trình này, đòi hỏi công sức, trí tuệ, sự khảo sát, nghiên cứu, đánh giá một cách khoa học, thực tiễn và bài bản.

Chiều nay (17/7) Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức tổng kết quá trình thi hành Luật Nhà giáo, trong đó sẽ đánh giá quá trình này rồi rút ra được những bài học kinh nghiệm, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng thông tin.

Tuy nhiên, việc áp dụng, vận dụng những kinh nghiệm của quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật nói chung, xây dựng Luật Nhà giáo nói riêng thì chúng ta cũng có thể áp dụng vào xây dựng các văn bản dưới luật. Đây là quan trọng và thiết thực.

Từ nay đến 1/1/2026, Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành, đồng thời các quy định đó phải đồng bộ thực hiện. Theo đó, từ nay đến hết năm phải cùng lúc nghiên cứu và ban hành 3 Nghị định và 12 Thông tư hướng dẫn thi hành Luật.

Đây là những văn bản quan trọng, khó và phức tạp vì vẫn quy định những nội dung cụ thể mà trong luật đã có, quy định những nội dung cụ thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành. Đặc biệt, các văn bản này tác động tới con người, với hơn 1 đội ngũ nhà giáo và tác động tới các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Vì thế, đòi hỏi những người xây dựng các văn bản hướng dẫn này vẫn phải tiếp cận trên cơ sở bám sát và đầy đủ những căn cứ về pháp lý, quan điểm chính trị, khoa học, thực tiễn với tinh thần trách nhiệm cao nhất, làm việc khoa học, thực tiễn nhất.

Trên hết là đòi hỏi tinh thần cầu thị, lắng nghe nhất. Dù là thông tư hay nghị định, thì vẫn phải đáp ứng được quan điểm cao nhất là: phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng được đội ngũ nhà giáo đảm bảo về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu về chất lượng.

Qua đó, đáp ứng những yêu cầu mới của đất nước, xây dựng những thế hệ học sinh đủ năng lực, đủ tầm để bước vào kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của đất nước.

Với những khó khăn, phức tạp, thách thức, yêu cầu cao trong một quỹ thời gian eo hẹp nên đòi hỏi chúng ta phải có cách làm khoa học. Theo Thứ trưởng, một trong những cách làm là tổ chức những hội nghị, hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia trong nước, ngoài nước, lắng nghe, tổng hợp ý kiến và bám sát vào quan điểm của Luật.

 Hội thảo được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Hội thảo được tổ chức trực tiếp, kết hợp trực tuyến.

Thứ trưởng đề nghị, đề nghị các đại biểu tham dự hội thảo tập trung thời gian, trí tuệ, lắng nghe trao đổi, thảo luận những vấn đề cốt lõi nhất. Sau hội thảo này, chúng ta “bắt tay” vào xây dựng những văn bản hướng dẫn Luật Nhà giáo.

Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý Nhà nước cấp Trung ương chủ trì biên soạn, vì thế mỗi nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà trường, sở GD&ĐT đều có trách nhiệm, tâm huyết, tinh thần, thái độ, trí tuệ, góp công, góp sức để xây dựng các văn bản này, để khi áp dụng vào cuộc sống đảm bảo thực thi, thực tiễn, không chồng chéo, không mâu thuẫn, đáp ứng yêu cầu về luật.

 Các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo tham dự hội thảo.

Các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ nhà giáo tham dự hội thảo.

Chia sẻ về công việc trước mắt và quan trọng, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng trao đổi, các chuyên gia, tổ chức quốc tế tiếp tục phát huy những thành quả đã đạt được, tham gia góp ý kiến trao đổi, phản biện để có những nghị định, thông tư đảm bảo chất lượng. Làm sao để khi các văn bản này được ban hành thì việc thực hiện Luật Nhà giáo thực sự đi vào cuộc sống, đáp ứng được những mục tiêu mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước mong muốn và đặc biệt là toàn ngành Giáo dục mong chờ với những giá trị, nội dung cốt lõi.

Minh Phong. Ảnh: Duy Mạnh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dieu-kien-can-va-du-de-luat-nha-giao-som-di-vao-cuoc-song-post740192.html