Điều kiện mua nhà ở xã hội được nới lỏng, người dân lại lo về giá
Từ ngày 1/8/2024, Luật Nhà ở năm 2023 chính thức có hiệu lực, với nhiều thay đổi về điều kiện mua nhà ở xã hội như: bỏ điều kiện về cư trú, nới điều kiện về thu nhập. Điều này sẽ đem đến nhiều cơ hội tiếp cận nhà ở xã hội hơn cho người dân. Tuy nhiên, giá bán cũng là yếu tố tác động không nhỏ đến giấc mơ an cư của người có thu nhập thấp, đặc biệt là trong bối cảnh giá nhà ở xã hội có xu hướng tăng.
Điều kiện cư trú được xóa bỏ
Trước đây, Luật Nhà ở năm 2014 quy định người mua nhà ở xã hội phải có đăng ký thường trú hoặc đăng ký tạm trú từ 1 năm trở lên tại tỉnh, thành phố nơi có nhà ở xã hội. Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, khi Luật Nhà ở năm 2023 có hiệu lực thì điều kiện cư trú khi mua nhà ở xã hội sẽ chính thức được bãi bỏ.
Cụ thể, Điều 78 Luật Nhà ở 2023 quy định về điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. Trong đó, điều kiện về nhà ở đó là công dân phải chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đó, chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở dưới mọi hình thức tại tỉnh, thành phố nơi có dự án nhà ở xã hội đó hoặc sở hữu nhà ở nhưng diện tích bình quân đầu người thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu...
Việc xóa bỏ điều kiện về cư trú được cho là đem đến nhiều cơ hội hơn cho người có nhu cầu mua nhà ở xã hội bởi lẽ trước đây, điều kiện này đã khiến rất nhiều người bị hạn chế trong tiếp cận nhà ở xã hội.
Anh Nguyễn Văn Đãng (41 tuổi, quê quán tại tỉnh Thái Bình) là một trong những trường hợp từng phải từ bỏ ý định mua nhà ở xã hội vì không vượt qua được điều kiện về cư trú. Anh Đãng cho biết, đầu năm 2022, khi có thông tin về Dự án nhà ở xã hội NHS Trung Văn (đường Tố Hữu, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), qua rà soát các điều kiện để mua nhà thuộc dự án này, vợ chồng anh đã quyết định làm hồ sơ đăng ký mua 1 căn hộ.
Mọi thứ đều suôn sẻ cho đến khâu xác minh cư trú. Anh Đãng được yêu cầu phải nộp bản sao công chứng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của căn nhà nơi anh đang thuê trọ và Giấy xác nhận thường trú ở địa phương nơi anh đang sinh sống.
"Về điều kiện thường trú tại địa phương 1 năm trở lên, tôi không đáp ứng được. Tôi có đề nghị chủ trọ cho đăng ký thường trú nhờ nhưng họ từ chối nên gia đình tôi đành phải gác lại ước mơ mua nhà", anh Đãng chia sẻ.
Chính vì thế, khi biết Luật Nhà ở năm 2023 gỡ bỏ điều kiện về cư trú, anh Đãng cho rằng đây là một cơ hội tốt với những người ở địa phương khác đến Hà Nội lập nghiệp như anh.
Nới điều kiện về thu nhập
Nghị định số 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được ban hành ngày 29/7/2024, cũng nới điều kiện về thu nhập với người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.
Trước đó, một trong các điều kiện để hưởng chính sách về nhà ở xã hội là mọi thành viên trong gia đình có thu nhập phải thuộc diện thường xuyên không phải nộp thuế thu nhập cá nhân (không quá 11 triệu đồng/tháng).
Tuy nhiên, từ ngày 1/8/2024, người lao động có thu nhập hằng tháng thực nhận không quá 15 triệu đồng sẽ được thuê, mua nhà ở xã hội, tương đương tăng thêm 4 triệu đồng so với trước đây. Với trường hợp đã kết hôn, điều kiện thuê, mua loại nhà này là vợ chồng có thu nhập tối đa 30 triệu đồng/tháng.
Thời gian xác định thu nhập là trong 1 năm liền kề, tính từ lúc nộp hồ sơ đăng ký. Tiêu chí này cũng đơn giản hơn khi thời gian xét thu nhập trước đây là 3 năm. Đáng chú ý, mức thu nhập này chỉ cần cơ quan nơi người đó công tác xác nhận mà không cần phải ra cơ quan thuế.
Anh Vi Văn Di (36 tuổi, quê quán tỉnh Lạng Sơn) từng bị loại hồ sơ khi đăng ký mua nhà ở xã hội thuộc dự án NT Home (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) năm 2019. Theo anh Di, việc siết chặt điều kiện về thu nhập của đối tượng được mua nhà ở xã hội đến mức không phải nộp thuế thu nhập cá nhân như trước đó được đánh giá là chưa phù hợp.
"Với mức thu nhập dưới 11 triệu đồng/tháng, sống tại thành phố lớn, người lao động chưa chắc đủ khả năng nuôi bản thân, gia đình, thậm chí không có tích lũy. Trong khi đó, để mua được nhà, người mua buộc phải có tích lũy tài sản. Ngoài ra, không thể loại trừ trường hợp người mua phải vay vốn ngân hàng, dẫn đến mất một khoản để chi trả tiền lãi và tiền gốc", anh Di nhấn mạnh.
Việc nới điều kiện về thu nhập từ ngày 1/8/2024, theo anh Di, sẽ giúp người dân dễ tiếp cận hơn với loại hình nhà ở xã hội.
Nới điều kiện nhưng giá cần phù hợp
Anh Di cho biết thêm, thời điểm cách đây khoảng 5 năm, giá nhà ở xã hội dao động ở mức dưới 15 triệu đồng/m2. Mức giá này được đánh giá là phù hợp với thu nhập của người mua. "Vài năm trở lại đây, giá nhà ở xã hội tăng, có dự án lên đến hơn 20 triệu đồng/m2. Đây là mức giá mà những người lao động phổ thông như chúng tôi rất khó để tiếp cận", anh Di chia sẻ.
Vậy nên, anh Di mong muốn, cùng với việc nới lỏng các quy định thuê, mua nhà ở xã hội, người dân cần được hỗ trợ về lãi suất vay ngân hàng. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần tính đến việc tăng các dự án nhà ở xã hội để đáp ứng nguồn cung.
Đánh giá về những điểm mới trong quy định về nhà ở xã hội, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, cho rằng, việc quy định điều kiện về tiêu chí thu nhập đối với người mua nhà ở xã hội là cần thiết, nếu không sẽ không xác định được đối tượng ưu tiên và tạo kẽ hở để trục lợi chính sách.
Với việc cơ quan quản lý nhà nước nới rộng một số điều kiện dành cho người thu nhập thấp, theo ông Điệp, không chỉ tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận tốt hơn với chính sách nhà ở mà còn giúp các chủ đầu tư mở rộng khách hàng, từ đó có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội mới được xây dựng.