Điều thiêng liêng trở về
Trong buổi lễ bàn giao kỷ vật kháng chiến do Ban chỉ đạo về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ Quân khu 4 tổ chức tại Nghệ An mới đây, các kỷ vật của cựu chiến binh Trần Minh Tuyển (Hà Tĩnh), Lê Đức Thuận (Thanh Hóa) và nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển (Quảng Bình) đã được trao lại cho chủ nhân và thân nhân gia đình liệt sĩ. Mỗi kỷ vật mang trong mình mảnh ghép một câu chuyện của người lính và ký ức về cuộc chiến tranh đã qua.
Nhận lại kỷ vật trong buổi lễ, cựu chiến binh Trần Minh Tuyển-từng phục vụ trong Đại đội Công binh 24, Trung đoàn 101, Sư đoàn 325A, Phân khu 1, Trung ương Cục miền Nam Việt Nam-xúc động ôm bức thư và cuốn sổ ghi chép của mình bị thất lạc từ năm 1970 tại chiến trường Dầu Tiếng, Bình Dương. Bao năm qua, ông cứ ngỡ chúng đã tan biến cùng những cánh rừng cháy đỏ, với những đồng đội không bao giờ trở lại. Người cựu chiến binh như gặp lại chính mình năm ấy ở tuổi đôi mươi, với niềm tin chỉ vài năm nữa miền Nam sẽ giải phóng, đất nước sẽ thống nhất. Giờ đây, kỷ vật ấy là minh chứng cho những gì ông đã trải qua, đã chiến đấu, đã mất mát... Ông Tuyển nghẹn ngào: “Tôi không nghĩ có ngày được cầm lại nó. Có những dòng tôi viết trong những đêm rừng mưa tầm tã, khi nằm co dưới tăng, khi nghĩ đến cha mẹ, người con gái ở quê. Những gì nằm trong cuốn sổ ấy là phần tuổi trẻ không thể lặp lại của tôi, là máu, là nước mắt, là bạn bè tôi”.

Cựu chiến binh Lê Đức Thuận và các đại biểu xem lại kỷ vật.
Trong số những kỷ vật được bàn giao lần này, có cuốn sổ tay của cựu chiến binh Lê Đức Thuận. Ông từng chiến đấu trong Trung đoàn 9, Sư đoàn 304 ở Quảng Trị, nơi từng là chiến trường khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cuốn sổ của ông bị thất lạc vào ngày 12-7-1970. Khi nhận lại cuốn sổ, ông Thuận chậm rãi lật từng trang, bàn tay gầy guộc run run vuốt nhẹ lên nét chữ ngày xưa, nét chữ của chính ông thời còn là một người lính trẻ. Ông ngước lên, mắt ngân ngấn: "Kỷ vật này là một phần thanh xuân, tuổi trẻ của tôi. Nó từng theo tôi suốt những năm tháng khói lửa. Tôi không nghĩ rằng có một ngày nó quay trở lại". Ông dừng lại ở một trang giấy đã nhòe mực vì nước, có lẽ từ một cơn mưa rừng Trường Sơn năm ấy. Trong cuốn sổ là những ghi chép về đơn vị, về rung động của tuổi trẻ, những người đã ngã xuống.
Khi tên liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển, quê ở tỉnh Quảng Bình (nhập ngũ tháng 3-1962, thuộc Sư đoàn 3, Quân khu 5) được xướng lên, một người đàn ông đứng lên từ hàng ghế phía dưới hội trường. Ông là Nguyễn Văn Lân, cháu trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Hiển, người thay mặt gia đình đến nhận lại cuốn nhật ký đã lưu lạc hơn nửa thế kỷ. Cầm cuốn nhật ký của cậu mình, ông Lân lặng người đi vài giây, rồi run run mở từng trang giấy cũ kỹ, ố vàng và nói: “Cậu tôi đi bộ đội khi mới đôi mươi, rồi hy sinh ở chiến trường Quảng Ngãi năm 1967. Từ đó đến nay, gia đình chưa tìm thấy mộ cậu. Bao năm nay, gia đình tôi vẫn cứ day dứt vì chưa đưa được cậu về với đất mẹ”. Ông Lân ngẩng lên, mắt vẫn còn ươn ướt nhưng ánh nhìn đầy hy vọng: “Cuốn nhật ký này như một sợi dây dẫn đường. Trong ấy có thể là manh mối để chúng tôi lần tìm lại nơi cậu tôi đã ngã xuống”.

Đại diện phía Hoa Kỳ bàn giao kỷ vật cho các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ.
Được biết, những kỷ vật trên được phát hiện thông qua Dự án "Di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá" do Trường Harvard Kennedy (Hoa Kỳ) triển khai. Dự án này được thực hiện theo Bản ghi nhớ hợp tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Có mặt trong sự kiện bàn giao kỷ vật, Giáo sư, Tiến sĩ Anthony Saich, Giám đốc Viện Rajawali Foundation cho châu Á, Trường Harvard Kennedy cho biết: "Dự án của chúng tôi nhằm nghiên cứu có hệ thống các tài liệu lưu trữ từ Hoa Kỳ và Việt Nam, với mục tiêu tìm kiếm và xác minh thông tin liệt sĩ Việt Nam. Một phần quan trọng của dự án là trao trả các kỷ vật chiến tranh cho cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ". Ông nhấn mạnh, kết quả nghiên cứu đã được gửi tới Bộ Quốc phòng hai nước, góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh giữa hai dân tộc. Đến nay, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp 33 báo cáo về thông tin liệt sĩ và đã trao trả 54 bộ kỷ vật chiến tranh, bao gồm 44 cuốn sổ tay, nhật ký (trong đó có một bản gốc do cựu binh Mỹ lưu giữ), 10 bức thư cá nhân và hơn 100 tài liệu khác như ảnh, lý lịch, chứng chỉ, bằng khen...
Từng kỷ vật nhỏ bé, từng thất lạc giữa tiếng bom rền và khói đạn nay trở về với chủ của nó. Những người lính già gặp lại chính mình trong từng con chữ, còn thân nhân liệt sĩ tìm thấy chút dịu dàng giữa mất mát, thắp lên hy vọng tìm thấy thông tin của người thân. Và rồi, từ những trang giấy cũ kỹ ấy đánh thức biết bao ký ức tưởng đã ngủ yên và sáng lên một niềm tin rằng, điều thiêng liêng sẽ luôn có cách để trở về.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/chinh-sach/dieu-thieng-lieng-tro-ve-827151