Điều tiết thị trường bất động sản, các thành viên Chính phủ nói gì?

Chiều 28/10, các thành viên Chính phủ đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu xung quanh Kết quả giám sát chuyên đề 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023'.

Liên quan đến câu chuyện tiếp cận tín dụng, một số đại biểu Quốc hội đã nhận định rằng, thời điểm thị trường bất động sản sôi động trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng nên chấp nhận vay với lãi suất cao để triển khai dự án. Đây là một trong các lý do đẩy giá nhà tăng cao.

Giải trình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, vốn đầu tư vào bất động sản cần được huy động từ nhiều kênh. Các tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng về thời hạn, lãi suất cũng như đảm bảo yêu cầu an toàn thu hồi vốn… Theo quy định của pháp luật hiện hành, các tổ chức tín dụng được tự quyết định cấp tín dụng trên cơ sở thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, thời hạn, lãi suất.

Đặc biệt, theo bà Hồng, khác với các doanh nghiệp thông thường, các tổ chức tín dụng ngoài hoạt động theo mục đích kinh doanh thì còn phải đảm bảo tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, cũng như đảm bảo thu hồi vốn để chi trả cho người gửi tiền. Nếu không sẽ gây hệ lụy tới chính tổ chức tín dụng, kéo theo toàn bộ hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế.

Vì thế, ngay cả khi có dự án bất động sản khả thi và có khả năng trả nợ, ngân hàng vẫn từ chối cho vay bởi 2 nguyên do.

Lý do thứ nhất có thể là thời hạn vay của dự án không phù hợp với khả năng cân đối vốn của ngân hàng. “Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động lượng vốn ngắn hạn, trong khi nhu cầu cho vay của thị trường bất động sản lại là dài hạn” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ.

Lý do thứ hai có thể là các tổ chức tín dụng ưu tiên mục tiêu cấp bách khác để đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Trên thực tế, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tín dụng vào lĩnh vực bất động sản cũng tăng rất nhanh và trong thời gian vừa qua, tăng trưởng tín dụng của bất động sản cao hơn so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Các tổ chức tín dụng phải rất thận trọng khi cho vay mới và đặc biệt là đối với các dự án bất động sản có kỳ hạn dài. Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất quốc tế tăng rất cao nhưng mặt bằng lãi suất của Việt Nam lại kiểm soát được và lãi suất cho vay mới giảm khoảng 3% từ đầu năm 2022 đến nay.

"Khi doanh nghiệp và người dân khó khăn thì các tổ chức tín dụng cũng dành chính nguồn lực tài chính của mình để miễn, giảm lãi suất cũng như là miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp và người dân" - người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.

Về công tác đấu giá quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết tại một số địa phương, tình trạng chênh lệch rất lớn giữa giá khởi điểm và giá trúng đấu giá, có dấu hiệu đầu cơ, thổi giá.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và môi trường đã tiến hành kiểm tra, rà soát và nhận thấy có một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên.

Nguyên nhân bao gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa được công khai, minh bạch. Một số đối tượng tham gia đấu giá chủ yếu vì mục đích đầu cơ, không phải nhu cầu thực. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa chủ động tạo quỹ đất để đấu giá; Giá đất trong bảng giá đất chưa được điều chỉnh kịp thời.

Trước nhiều lo ngại của đại biểu Quốc hội về bất thường trong đấu giá đất, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu và đề xuất bổ sung một số giải pháp để tăng cường các biện pháp quản lý, chấn chỉnh công tác đấu giá đất và sẽ phối hợp với các bộ, ngành đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Bộ trưởng cho biết, Bộ cũng đã đề xuất các giải pháp bao gồm: Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều chỉnh hợp lý giá đất trong bảng giá đất; Rút ngắn thời gian nộp tiền thanh toán trúng đấu giá.

Đồng thời công khai các trường hợp trúng giá cao nhưng bỏ cọc; tăng cường biện pháp bảo đảm nguồn cung bất động sản nhà, đất ở có giá cả hợp lý; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa đáp ứng nhu cầu, kỳ vọng của công nhân, người lao động và người thu nhập thấp.

Trong đó, có nhiều vướng mắc liên quan đến quy định và thực thi pháp luật, quy hoạch đất đai, đầu tư, đấu thầu, xây dựng, tín dụng… thủ tục hành chính triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Chính sách ưu đãi chưa thực sự khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội như báo cáo giám sát và ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu.

Từ những vướng mắc khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy công tác này. Gần đây nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 34 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới. Chính phủ đã ban hành kế hoạch, đề án và nhiều chỉ đạo phát triển nhà ở xã hội.

Quốc hội đã ban hành Luật Nhà ở năm 2023 và Luật Đất đai năm 2024 và nhiều quy định pháp luật có liên quan để tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, Bộ cùng các bộ, ngành, địa phương sẽ tập trung thực hiện Chỉ thị 34 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới.

Trong đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển nhà ở xã hội, xác định phát triển nhà ở xã hội là quyết tâm chính trị, nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị; phát triển đa dạng các loại hình nhà ở xã hội để có thể mua, thuê, thuê mua nhà lưu trú, tăng tỷ lệ nhà ở xã hội cho thuê; tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến phát triển nhà ở xã hội. Thúc đẩy triển khai các dự án nhà ở xã hội tại các địa phương…

Trúc Lam

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dieu-tiet-thi-truong-bat-dong-san-cac-thanh-vien-chinh-phu-noi-gi-162679.html