Điều tra về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái
Một cuộc điều tra để đưa ra 'bức tranh' toàn cảnh về tình trạng bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam sẽ được tiến hành, những số liệu thu thập được sẽ trở thành căn cứ để xây dựng chính sách phòng ngừa.
Một cuộc điều tra để đưa ra bức tranh toàn cảnh về tình trạng bạo lực với phụ nữ ở Việt Nam sẽ được Tổng Cục Thống kê tiến hành để có các số liệu cho việc phân tích, tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của bạo lực đối với phụ nữ nhằm tìm ra giải pháp giảm thiểu thực trạng này.
Thông tin này được đưa ra tại hội thảo khởi động điều tra quốc gia lần hai về “Sức khỏe phụ nữ và Kinh nghiệm sống” do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổng Cục Dân số (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tổ chức ngày 25/1 tại Hà Nội.
Cuộc điều tra lần thứ 2 về bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái có tên gọi “Sức khỏe phụ nữ và kinh nghiệm cuộc sống” sẽ do Tổng Cục Thống kê thực hiện từ tháng 3/2018. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội là cơ quan điều phối các hoạt động điều tra và thực hiện công bố số liệu điều tra vào năm 2019 đồng thời vận động đưa các số liệu điều tra vào việc xây dựng các chương trình và chính sách quốc gia về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam.
Theo kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ lần thứ nhất thực hiệm năm 2010 của Tổng Cục thống kê, 58% phụ nữ đã từng kết hôn trong độ tuổi từ 18-60 đã bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Thế nhưng, 87% nạn nhân bạo lực gia đình không tìm kiếm sự hỗ trợ từ dịch vụ công. Nghiên cứu đã cho thấy bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam là một vấn đề đáng báo động.
Các số liệu chỉ phản ánh tình trạng bạo lực đối với phụ nữ trong phạm vi gia đình. Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc đạt được các chỉ tiêu về bình đẳng giới. Các khuôn khổ pháp lý quốc gia về bình đẳng giới cho phụ nữ cũng đã được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn cao và chưa được giải quyết một cách hiệu quả.
Hiện nay, bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái không chỉ diễn ra trong gia đình mà hiện diện ở bất cứ nơi nào như nơi làm việc, trường học, nơi công cộng. Nhu cầu được cập nhật số liệu ở phạm vi rộng hơn của các cơ quan chức năng để làm tốt công tác tham mưu xây dựng chính sách, pháp luật là cần thiết.
Ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, để xây dựng được một chính sách đúng, hiệu quả thì không thể thiếu những số liệu, thông tin làm bằng chứng cho việc định hướng hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, giải pháp... một cách thuyết phục và khoa học.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam hy vọng cuộc điều tra này sẽ cung cấp các số liệu cập nhật và đánh giá tác động của các nỗ lực về phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong vòng 10 năm qua.
“Chúng ta hãy cùng nhau cộng tác để hướng tới một xã hội Việt Nam mà không còn phụ nữ nào, dù ở bất cứu đâu, phải sống trong sợ hãi và tất cả phụ nữ đều được đối xử một cách công bằng và tôn trọng nhân phẩm,” bà Astrid Bant nhấn mạnh.
Nghiên cứu này sẽ giúp cung cấp các số liệu cập nhật để có thể đo lường sự thay đổi, xác định các khoảng trống và thách thức trong công tác phòng chống bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái trong vòng 10 năm qua./.
Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái. (Nguồn: VNEWS)