Điều trị đa mô thức: Biến bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối xuống giai đoạn sớm

Bằng cách điều trị đa mô thức kết hợp liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch trước phẫu thuật, các bác sĩ đã giúp bệnh nhân ung thư thận giai đoạn cuối đã xâm lấn gan, di căn phổi cải thiện sức khỏe ngoạn mục.

Từ ung thư giai đoạn cuối xuống giai đoạn sớm

Hiện nay, hội chẩn trong điều trị đa mô thức là quy trình tiêu chuẩn trong chẩn đoán và điều trị ung thư, đã được chứng minh giúp cải thiện kết quả điều trị và mang lại chất lượng cuộc sống tốt nhất cho người bệnh.

BSCK2 Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Bình Dân kiểm tra lại tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau khi điều trị đa mô thức - Ảnh: BVCC

BSCK2 Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Bình Dân kiểm tra lại tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau khi điều trị đa mô thức - Ảnh: BVCC

Tại Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) đã áp dụng quy trình này trên nhiều người bệnh ung thư hiệu quả với sự tham gia của đa chuyên khoa bao gồm: Ngoại tiết niệu, Nội thận, Ung bướu, Lồng ngực - Mạch máu, Gây mê Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh, Nội tim mạch. Quy trình hội chẩn và điều trị đa mô thức đòi hỏi đa chuyên khoa với trình độ chuyên môn cao.

Mới đây nhất, bệnh nhân D.T.Đ. (56 tuổi, ngụ tại TP.HCM) bị một khối ung thư thận giai đoạn 4, có đường kính lên đến hơn 11cm, xâm lấn các cơ quan xung quanh và di căn phổi, nguy cơ tử vong cao.

Các bác sĩ Khoa ung bướu đã hội chẩn cùng bác sĩ tiết niệu để đưa ra phác đồ điều trị đa mô thức cho người bệnh.

BSCK2 Nguyễn Phúc Nguyên, Trưởng khoa Ung bướu, cho biết các bác sĩ đánh giá khối bướu rất lớn (kích thước 112mm x 100mm) chiếm gần hết nhu mô thận phải, xâm lấn nhu mô gan, ung thư di căn phổi, phẫu thuật lúc này không thể đạt mục tiêu triệt căn.

Do đó, người bệnh được điều trị theo phác đồ kết hợp liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch với mục tiêu giảm kích thước bướu, tăng khả năng phẫu thuật cắt bướu nguyên phát và kiểm soát các nốt di căn.

“Sau 4 tháng điều trị, khối bướu thận của bệnh nhân đã giảm kích thước đáng kể. Qua kết quả chụp MSCT có cản quang ngực, bụng theo dõi mỗi 3 tháng, các bác sĩ nhận thấy đường kính bướu đã giảm dần từ gần 12cm, còn 8cm rồi 7cm. Bên cạnh đó, các tổn thương ở phổi và một số tổn thương cơ quan lân cận của thận đã biến mất hoàn toàn. Sau đó, bệnh nhân được phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối bướu”, bác sĩ Nguyên cho biết.

TS-BS Phạm Phú Phát - Trưởng khoa Niệu A (người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.), cho biết hiện khối bướu thận của bệnh nhân đã gom nhỏ lại gần một nửa so với trước điều trị bằng liệu pháp miễn dịch và trúng đích, các nốt di căn phổi cũng biến mất.

“Nếu chỉ nhìn trên hình ảnh học ngay trước lúc phẫu thuật mà không biết về tiền căn của người bệnh, chúng tôi có thể đánh giá đây là một bướu ở giai đoạn T1 (ung thư thận giai đoạn sớm), thậm chí có thể nghĩ đến việc cắt bán phần, để bảo tồn chức năng thận”, bác sĩ Phát nói.

Như vậy, nhờ phác đồ điều trị kết hợp trên, bệnh nhân đã “hạ giai đoạn” từ ung thư giai cuối xuống giai đoạn sớm, tạo điều kiện thuận lợi cho phẫu thuật.

“Sau 4 giờ phẫu thuật người bệnh không phải truyền máu và hồi phục nhanh chóng sau đó. Bệnh nhân được rút ống dẫn lưu ở ngày thứ 3 và xuất viện vào ngày hậu phẫu thứ 5”, bác sĩ Phát cho biết thêm.

Giảm nguy cơ tử vong lên đến 70%

Theo bác sĩ Nguyên, ung thư thận vốn không đáp ứng với các hóa chất điều trị thông thường. May mắn là hiện nay phác đồ phối hợp liệu pháp trúng đích và liệu pháp miễn dịch, được áp dụng tại Bệnh viện Bình Dân từ năm 2023, mang lại kết quả điều trị rất khả quan cho bệnh nhân ung thư thận. Tỷ lệ đáp ứng của phác đồ này giúp giảm nguy cơ bệnh tiến triển và tử vong có thể lên đến hơn 70%.

Theo kết quả của tác giả Robert Motzer năm 2021 trong một nghiên cứu đa trung tâm có đối chứng ngẫu nhiên trên 1.069 bệnh nhân ung thư thận tiến triển. Báo cáo loạt ca mới nhất của Bệnh viện Bình Dân về điều trị toàn thân ung thư thận cũng cho thấy kết quả tương tự.

Phân tích của bác sĩ Nguyễn Phúc Nguyên cũng cho thấy phác đồ phối hợp thuốc trúng đích và thuốc miễn dịch trong điều trị ung thư thận có tỷ lệ kiểm soát bệnh cao, lên đến gần 90%. Do đó, bệnh nhân thường ăn ngon, ngủ ngon và thậm chí tăng cân trong quá trình điều trị.

Bác sĩ Nguyên khẳng định phác đồ điều trị đa mô thức với các thuốc mới, kết hợp với phẫu thuật thành công, mang lại hy vọng sống rất lớn cho bệnh nhân.

Để phát hiện sớm và phòng ngừa ung thư thận, bác sĩ Nguyên khuyến cáo những người có yếu tố nguy cơ cao đối với bướu thận nên đi tầm soát sức khỏe mỗi năm ít nhất một lần. Cụ thể, những người có tiền sử gia đình mắc ung thư thận; những người mắc hội chứng di truyền liên quan đến ung thư thận như bệnh Von Hippel-Lindau, hội chứng Birt-Hogg-Dubé, ung thư biểu mô tế bào thận nhú di truyền; những người mắc bệnh thận giai đoạn cuối, hoặc chạy thận nhân tạo dài hạn; những người đã từng được chẩn đoán ung thư thận, hoặc một số loại ung thư nhất định như ung thư bàng quang, nhất là người hút thuốc lá; những người tiếp xúc lâu dài với các chất độc như trichloroethylene, hoặc cadmium, người hút thuốc lá nhiều; người tiểu máu, đau hông lưng dai dẳng, giảm cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi, thiếu máu hoặc sờ thấy khối cứng vùng bụng.

Đối với những người có nguy cơ cao, nội dung sàng lọc có thể bao gồm siêu âm bụng, trong trường hợp có chỉ định có thể chụp CT hoặc MRI bụng, xét nghiệm nước tiểu để tìm tế bào máu hoặc các tế bào lạ, xét nghiệm di truyền nếu có tiền căn gia đình mắc ung thư thận.

Hồ Quang

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/dieu-tri-da-mo-thuc-bien-benh-nhan-ung-thu-giai-doan-cuoi-xuong-giai-doan-som-229500.html