Điều trị uốn ván như thế nào?

Uốn ván nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tổn thương não, hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp, trụy tim mạch, rối loạn thần kinh, thậm chí tử vong.

1. Nguyên tắc điều trị bệnh uốn ván

Uốn ván là một bệnh lý ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Bệnh gây ra tình trạng cứng và tê liệt ở một số mô cơ do vi khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể. Vi khuẩn Clostridium tetani xuất hiện ở mọi nơi trong môi trường sống, đặc biệt là những nơi kém vệ sinh như cống rãnh, đất cát, phân gia súc, gia cầm, dụng cụ y tế không được tiệt trùng sạch sẽ, đúng cách.

Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể con người thông qua vết thương, vết rách trên da hoặc bị nhiễm bởi ống tiêm bị nhiễm bệnh hoặc vết côn trùng cắn. Nguồn lây nhiễm phổ biến nhất là những vết thương đơn giản và thường không được chú ý như vết rách nhỏ do mảnh gỗ, dẫm phải kim loại hoặc gai...

Nhóm đối tượng có nguy cơ cao bao gồm: Những người chưa được tiêm chủng, người tiêm chích ma túy và những người bị ức chế miễn dịch.

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở.

Vi khuẩn gây bệnh uốn ván có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương hở.

Uốn ván có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như:

- Co thắt hầu họng, thanh quản gây ngạt, ngừng thở, sặc, trào ngược dịch dạ dày vào phổi.

- Ứ đọng đờm dãi do tăng tiết, không nuốt được và phản xạ ho khạc yếu.

- Suy hô hấp do cơn giật kéo dài.

- Viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn vết mở khí quản, viêm nơi tiêm truyền tĩnh mạch, nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm khuẩn huyết, viêm xoang…

- Rối loạn nước và điện giải, suy thận.

- Suy dinh dưỡng, cứng khớp, loét vùng tỳ đè, suy giảm tri giác do thiếu oxy kéo dài, đứt lưỡi do cắn phải gãy răng.

Do đó, việc điều trị uốn ván sớm là rất quan trọng. Người bệnh cần được điều trị và theo dõi tại bệnh viện.

Nguyên tắc điều trị uốn ván bao gồm:

- Đảm bảo yên tĩnh và tránh các kích thích đối với người bệnh.

- Dùng kháng sinh tiêu diệt trực khuẩn uốn ván.

- Trung hòa độc tố uốn ván còn lưu hành trong máu bằng kháng độc tố uốn ván.

- Khống chế co cứng cơ, co giật và rối loạn thần kinh thực vật.

- Duy trì chức năng sống bằng các biện pháp điều trị hỗ trợ.

2. Các thuốc dùng trong điều trị uốn ván

2.1. Kháng sinh

Tác dụng: Mặc dù độc tố là nguyên nhân chính gây uốn ván nhưng kháng sinh đã được chứng minh là làm chậm sự tiến triển của bệnh. Các thuốc kháng sinh dùng trong điều trị uốn ván nhằm tiêu diệt vi khuẩn. Tuy nhiên, phương pháp này không thể tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn uốn ván mà chỉ có tác dụng đề phòng các vi khuẩn bội nhiễm đi kèm.

Một số thuốc được sử dụng: Metronidazol, cephalosporin…

Tác dụng phụ: Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng trong điều trị uốn ván: Buồn nôn, nôn, chán ăn, đau bụng, ngứa, phát ban…

2.2. Liệu pháp huyết thanh kháng độc tố uốn ván

Tác dụng: Liệu pháp huyết thanh kháng độc tố uốn ván là phương pháp điều trị đầu tiên giúp loại bỏ độc tố tetanospasmin được giải phóng. Liệu pháp này được sử dụng để nhắm vào các độc tố chưa tấn công các mô thần kinh, giúp vô hiệu hóa độc tố trong máu và độc tố ở vết thương nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong.

Tác dụng phụ: Huyết thanh kháng độc tố uốn ván có thể gây nổi mề đay, ngứa phù, khó thở, giảm huyết áp, viêm thận, trường hợp nặng có thể bị choáng, thậm chí sốc phản vệ.

Lưu ý: Nên tiêm huyết thanh kháng độc tố trước khi điều trị vết thương. Nếu đã được tiêm huyết thanh chống uốn ván tại bệnh viện tuyến trước thì cân nhắc việc có nên tiếp tục dùng huyết thanh chống uốn ván hay không.

Việc tiêm vaccine uốn ván giúp ngăn chặn các biến chứng do bệnh gây ra.

Việc tiêm vaccine uốn ván giúp ngăn chặn các biến chứng do bệnh gây ra.

2.3. Thuốc an thần

Tác dụng: Các thuốc an thần làm chậm chức năng của hệ thần kinh, nhờ đó giúp kiểm soát co thắt cơ. Có thể dùngdiazepam, lorazepam, thiopental, cocktailytique…

Tác dụng phụ: Các thuốc này có thể gây một số tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt, mờ mắt, suy giảm khả năng nhận thức, phản xạ suy giảm, khó tập trung…

Lưu ý, nếu các thuốc trên không thể hạn chế được tình trạng co cứng, co giật, có thể phải dùng thuốc ức chế thần kinh cơ.

Ngoài ra có thể dùng thuốc trị rối loạn thần kinh thực vật như: Thuốc ức chế beta giao cảm, morphine sulfate, atropine và clonidine, gây mê sâu bằng phối hợp liều cao midazolam, thiopental, propofol và fentanyl, sufentanil.

3. Lưu ý khi trị uốn ván

- Điều quan trọng là khi có vết thương (dù lớn hay nhỏ) phải xử lý đúng cách: Rửa dưới vòi nước sạch để loại bỏ chất bẩn, làm sạch vết thương. Với những vết thương chảy máu, dính bùn đất có thể dùng oxy già để sát khiaarn, đẩy bụi bẩn ra ngoài và cầm máu.

- Tuyệt đối không tự điều trị các vết thương bằng rắc thuốc bột, đắp thuốc. Người bệnh cần được đưa đến cơ sở y tế để được điều trị đúng cách, tránh biến chứng.

- Điều trị uốn ván không thể khỏi ngay mà cần mất một thời gian nhất định. Do đó, người bệnh cần kiên trì tuân thủ thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ.

- Dùng vaccine gây miễn dịch chủ động cho bệnh nhân sau khi bệnh đã phục hồi.

- Người bệnh cần được bù nước và điện giải, đồng thời bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

- Người bệnh có thể được dùng heparin và các chất kháng đông khác để đề phòng tắc mạch phổi.

- Người bệnh cần được đảm bảo thông thoáng đường thở, hút đờm dãi, không ăn uống đường miệng để tránh sặc, co thắt thanh môn.

- Vật lý trị liệu để đề phòng cứng cơ.

- Kết hợp theo dõi chức năng của thận, bàng quang, ruột, đồng thời phòng chống chảy máu và loét đường tiêu hóa.

Tử vong do nhiễm khuẩn uốn ván.

DS. Hoàng Vân

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/dieu-tri-uon-van-nhu-the-nao-169240614103208707.htm