Một thời để nhớ: Nhớ mãi mùa hôi cá và người anh trai nhỏ bé vững chãi của tôi

Bươn bả khắp nơi để xoay ra tiền ra gạo cho má, cho em có cái ăn cái học, anh Hai tui gầy sắt, nhỏ hoài, làm như vóc dáng mãi ở lại tuổi 15, không bao giờ cao lên được nữa.

Có những tuổi thơ cơ cực theo năm tháng trở thành một vết sẹo mờ trong ký ức. Để nhớ lại vẫn thấy hơi nhói đau, tủi thân, bùi ngùi. Nhưng đồng thời, nhớ lại để thấy mình một thời nghị lực, mạnh mẽ, và được bao bọc bởi tình yêu và sự chăm lo của những người thân yêu. Một "vết sẹo" mà sau hai mươi năm, ta vẫn vô cùng trân quý; như một bài viết hay, sau hai mươi năm đọc lại thấy mắt vẫn rưng rưng.

BẮT CÁ HÔI

Hè năm tui sắp lên lớp bảy, cha tui mất. Má suy nghĩ buồn rầu, riết rồi đâm bịnh. Bé út Tí Nị mới biết đi lẫm chẫm, cứ khóc ré kêu đói bụng. Là con gái giữa, tui chỉ biết thở dài. Chỉ có anh Hai 15 tuổi là cứng rắn. Sáng sớm, anh len vào trong xóm xem ai kêu gì làm nấy. Từ nhổ cỏ, lợp ngói cho tới bắc lại cầu khỉ, chẳng có việc gì anh Hai chê.

Tui cũng bắt chước anh Hai bươn đi kiếm việc, được mướn vô mấy chân nạo dừa, phơi bánh tráng sữa. Gặp mùa lúa, anh em tui cắt lúa thuê, đốt rạ. Có việc đều đều là có tiền mua thuốc cho má, lo thêm sữa, thêm cháo cho út Tí Nị, và dành dụm để vô năm học sắm sửa sách vở...

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Một hôm, đang nhổ cỏ, tui nghe bà Sáu chủ vườn nói chiều tát đìa. Tui khấp khởi mừng thầm. Tát đìa, hay có lươn, cá lóc, cá trê và cả cá rô rúc dưới đáy sình. Nếu lanh tay, cũng có vài ký cá đồng đem bán.

Máy bơm nổ rầm rầm, khi đáy đìa nước còn sâm sấp, tui và tụi con trai xóm nhảy ào xuống, mạnh đứa nào đứa nấy chụp cá. Mà cá nhiều lắm, có con lóc bông đầu vồ lớn hơn nắm đấm. Thấy ham quá, tui ra sức quơ quào, vồ chụp. Đúng khi tay tui chụp dính thì một bàn tay cũng nắm phía đuôi con cá. Giằng qua giằng lại, cái ngạch cá nhọn bỗng xỉa ra, đâm trúng tay tôi. Tôi rú lên, bưng tay khóc hu hu. Thằng nhóc đang giành cá với tui ngoác miệng la lớn: "Úi chao, nhỏ Bé Ba bị cá chém đứt tay rồi!".

Từ mé bên kia bờ đìa, một dáng người sất sải lội về phía tui. Mặt và lưng dính đầy sình sắp khô, đen thui, người ấy quát: "Mày con gái, nhào xuống đìa làm chi, hả?" Anh Hai! Anh Hai cũng đi bắt cá hôi, việc xưa nay chỉ con nít mới làm.

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Anh Hai đưa tui ra trạm xá lau rửa vết thương và băng tay. Xong, anh Hai bắt tui về nhà luôn. Tui hậm hực: "Anh Hai làm được thì Bé Ba cũng làm được chớ..." Anh Hai cắt ngang: "Từ rày, mày ở nhà lo học. Tao cấm mày xớ rớ đi kiếm việc bên ngoài! Chuyện kiếm gạo để tao lo!" Xong, anh Hai quay lưng chạy một nước, về lại phía cái đìa vang vang tiếng máy bơm và tiếng đám trẻ cãi cọ tranh giành cá nhỏ cá to.

Không nói xuông, anh Hai còn dặn dò các nhà trong xóm không mướn tui làm nữa. Tui đành loanh quanh trong nhà lo lắng cho má, chăm sóc cho nhỏ Tí Nị. Mấy khi tui than rảnh rỗi, anh Hai hừ mũi: "Bộ mày không biết lấy sách tập ra mà học chắc. Rảnh quá há!". Có đêm, đốt đèn học bài, chờ cửa anh Hai, tui ngủ gục trên bàn. Bươn bả khắp nơi để xoay ra tiền ra gạo cho má, cho em có cái ăn cái học, anh Hai tui gầy sắt, nhỏ hoài, làm như vóc dáng mãi ở lại tuổi 15, không bao giờ cao lên được nữa.

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Ảnh minh họa: Phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh.

Năm nay tui sắp lên lớp 12 rồi, nhỏ Tí Nị cũng đã vô lớp một. Nhờ tiền dành dụm của anh Hai, má tui có một sạp hàng khô trước nhà. Tháng sáu, anh hai sẽ lấy vợ. Chị dâu tui là con gái bà Sáu có cái đìa cá ngày nào. Tui ủi sẵn cho anh bộ quần tây áo sơ-mi chú rể, mùi vải mới thơm phức. Bỗng dưng, mùi tanh tanh của sình, của cá tỏa ra từ anh Hai cái bữa anh em đi hôi cá, anh dắt tui lên trạm xá băng tay lại quay về, nồng đậm. Chỉ nhớ thế thôi mà nước mắt tui đã rớt lã chã trên tấm áo mới.

Bài viết được đăng trong chuyên mục “Gia đình thân yêu”, báo Hoa Học Trò số 602, phát hành ngày 13/6/2005.

Bài viết được đăng trong chuyên mục “Gia đình thân yêu”, báo Hoa Học Trò số 602, phát hành ngày 13/6/2005.

NGUYỄN THI

Nguồn HHT: https://hoahoctro.tienphong.vn/mot-thoi-de-nho-nho-mai-mua-hoi-ca-va-nguoi-anh-trai-nho-be-vung-chai-cua-toi-post1618173.tpo