Dinh dưỡng học đường, cất bước yêu thương

Làm sao để tất cả các ngôi trường đều có thể mang đến niềm hạnh phúc ăn uống từ bữa ăn học đường?

Chế độ dinh dưỡng ở nhà trẻ rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Minh họa: Naomi/unsplash

Chế độ dinh dưỡng ở nhà trẻ rất quan trọng với sự phát triển của trẻ. Minh họa: Naomi/unsplash

Thằng bé lanh lẹ, láu lỉnh nhưng gầy trơ xương sườn, ốm nhơ ốm nhách, dăm ba bữa lại dùng kháng sinh, không thì lại đi viện. Mẹ nó héo queo héo quắt, cũng trơ xương không khác gì con. Bố nó rồi bà nội, ngay cả mấy bà hàng xóm cũng buồn những lời so sánh có, dạy dỗ có, đáo để có, thị phi có… khiến người mẹ lại càng cảm thấy áp lực, chỉ vì con gầy yếu.

Nhưng dù mới được một tuổi, thằng bé đã có vẻ ngoài thân thiện, dạn dĩ, dễ gần. Gặp ai bé cũng tươi tỉnh, miệng toét ra như bông hoa. Thế nhưng, thằng bé không chịu ăn. Mỗi lần mẹ nó dỗ dành cho nó thìa cháo, hạt cơm là hai mẹ con giống như lao vào cuộc chiến. Mẹ đầm đìa mồ hôi ép con ăn. Thằng bé thì nước mắt nhạt nhòa, tiếng khóc vang một góc nhà.

Bố nó thì suốt ngày bị ám ảnh về việc bản thân không tạo ra gen trội về chiều cao. Lo sợ thằng bé không chịu ăn, thiếu chất, thiếu hụt dinh dưỡng thì trưởng thành sẽ thấp bé hơn chúng bạn. Vì thế, áp lực từ người bố tự ti lại dồn lên vai người làm mẹ.

Bà nội mỗi lần bế cháu lại chê nhẹ cân, không thấy mũm mĩm, đẫy đà như con nhà người ta. Bà chẳng nói hay nói dở, còn bảo là mẹ nó "bỏ đói, không cho con ăn".

Mang nặng đẻ đau, vậy mà người làm mẹ như mẹ thằng bé, chẳng được yên ngày nào. Gia đình lục đục đến căng thẳng, rốt cuộc cũng chỉ vì thằng bé lười ăn.

Mười bốn tháng, mẹ nó không chịu nổi áp lực từ những "lời phán bảo" xung quanh và sự quá tải trong việc chăm sóc cùng lúc hai đứa trẻ, trong đó, chị thằng bé là một đứa trẻ bệnh tật, nên quyết định cho thằng bé đi lớp.

Đối với mẹ nó, việc cho con đi lớp sớm là một lựa chọn "cực chẳng đã" và phải suy nghĩ rất lâu. Mẹ nó đã cân lên đặt xuống những được-mất, thiệt-hơn khi cho thằng bé đi học.

Trong đó, vấn đề sức khỏe, đặc biệt là bữa ăn là điều mẹ nó chú trọng. Mẹ nó đã hy vọng khi đi lớp, thằng bé sẽ được các cô đưa vào nề nếp, bữa ăn ở lớp đa dạng, phong phú, lại có nhiều bạn cùng ăn, có thể sẽ giúp thằng bé có niềm vui trong ăn uống, từ đó, cải thiện được sức khỏe thể chất. Và quan trọng hơn chính là mẹ nhẹ tinh thần, con được các cô ân cần chăm sóc.

Nhiều người khuyên bảo mẹ nó: "Thay vì cho thằng bé đi học sớm thì thuê giúp việc để người ta trông nom, đỡ đần". Nhưng mẹ nó tin rằng, ở môi trường giáo dục, dù có sớm một chút cũng vẫn đáng tin cậy và tốt hơn cho thằng bé. Thằng bé sẽ được chăm sóc dinh dưỡng một cách khoa học, hợp lý; được dạy dỗ bởi các cô đã qua đào tạo chuyên môn và có bằng cấp chính quy. Một ngôi trường được pháp luật công nhận - chắc chắn sẽ đủ uy tín và tin cậy, để mẹ nó gửi gắm thằng bé.

May sao những ngày đầu đến lớp, thằng bé hợp tác khá tốt với môi trường mới. Ngay từ buổi đầu tiên, khả năng ăn uống của thằng bé đã thay đổi hẳn. Nhận tin nhắn từ cô giáo thông báo rằng con ăn ngoan và ăn tốt. Mẹ nó mừng rơi nước mắt, như trút được gánh nặng trên vai.

Lớp của thằng bé là lớp nhà trẻ với mười hai em bé chỉ dưới 2 tuổi. Các bữa ăn học đường được soạn theo công thức dinh dưỡng khoa học và hợp lý. Một ngày, thằng bé ăn ở lớp ba bữa chính, bao gồm: bữa sáng, bữa trưa, bữa chiều và hai bữa phụ vào buổi sáng và buổi chiều trước khi tới giờ tan lớp.

Thực đơn bữa ăn học đường giúp bé tăng cân, chóng lớn.

Thằng bé đã được tạo thói quen ngồi ngay ngắn vào bàn ăn đúng khung giờ quy định. Niềm vui và sự háo hức khi phải ăn "cho bằng bạn bằng bè" chắc hẳn đã kích thích vị giác tốt hơn. Có cô giáo trợ giúp, có thực đơn chuẩn chỉnh, lại còn có các bạn quây quần, chỉ sau một tuần, thằng bé nhẹ tõm mới cách đây không lâu đã tăng được 200gr.

Chẳng những thế, buổi chiều khi về nhà, thằng bé đòi ăn thêm hoa quả, sữa mẹ. Và buổi tối kết thúc êm đẹp bằng một phần cháo hoặc một phần cơm trộn ngon miệng.

Có lẽ, mẹ nó mong chờ ngày này đã lâu. Khuôn mặt giãn ra, không còn cảnh mẹ con giằng nhau thìa cháo, miếng cơm trong vật vã khóc lóc. Mẹ nó bảo: "Nhờ bữa ăn học đường mà gia đình không còn bất hòa, vợ chồng không lời qua tiếng lại vì chuyện ăn uống của thằng con trai".

Chắc chắn, mẹ nó đã đúng. Đúng khi chọn lựa gửi gắm thằng bé đến một ngôi trường uy tín, chọn tin cậy vào sự chăm sóc của các cô, chọn theo khoa học với các bữa ăn dinh dưỡng được nghiên cứu kỹ càng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Và miệng thằng bé vẫn cười tươi như hoa, khi ở lớp lẫn lúc về nhà.

Thực đơn bữa ăn học đường giúp em bé tăng cân, chóng lớn.

Thực đơn bữa ăn học đường giúp em bé tăng cân, chóng lớn.

Thay mẹ thằng bé kể câu chuyện riêng tư về dinh dưỡng cho các em bé trong độ tuổi nhà trẻ, tôi chợt nhận ra có quá nhiều áp lực và sai lệch trong tư duy, nhận thức và cách thức bổ sung dinh dưỡng, bữa ăn cho trẻ từ những người trong gia đình.

Hiện nay, vì quan niệm trẻ em phải bụ bẫm, mũm mĩm mới tốt; rất nhiều em bé bị thừa cân béo phì; những em bé hơi thấp còi một chút sẽ bị chê bai, bị ép ăn dẫn đến cảm giác sợ hãi, không hứng thú với bữa ăn.

Thêm vào đó, cách dỗ dành cho ăn sai lầm từ rất nhiều người có thể dẫn đến nhiều hệ quả không hay. Nhiều em bé để ăn hết bát cháo phải bế đi rong khắp nơi, người làm trò, người đút cháo. Nhiều em được cho xem tivi và ăn uống thụ động. Nhiều em khác nhất quyết chỉ ăn theo sở thích…

Những vấn đề này, đã được bữa ăn học đường tại các trường lớp "cứu cánh". Không chỉ giúp trẻ có kỷ luật, có nếp ăn khoa học, bổ sung dinh dưỡng hợp lý mà còn đem lại niềm vui khi ăn uống, sự háo hức với từng món ăn.

Trên hết, bữa ăn học đường giúp cha mẹ yên tâm về sức khỏe thể chất của con. Đảm bảo con được đủ chất, khỏe mạnh và phát triển toàn diện.

Chắc hẳn, mẹ thằng bé rất biết ơn các cô và bữa ăn học đường. Còn tôi, gửi lời chia sẻ lại đây để giúp cho mọi người có cái nhìn đa chiều và tích cực hơn về bữa ăn học đường, về những nhà trẻ mở sớm dành cho các "búp măng non".

Mong rằng, không có người mẹ nào phải chịu áp lực như mẹ thằng bé trong câu chuyện tôi kể. Và tất cả các ngôi trường đều có thể mang đến niềm hạnh phúc ăn uống từ bữa ăn học đường như ngôi trường mà mẹ thằng bé đã chọn.

(Bài dự thi "Sức khỏe học đường vì chất lượng nguồn nhân lực đất nước")

Bài dự thi xin gửi về Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học:

Email: toasoan@congdankhuyenhoc.vn

Địa chỉ: Số 29/67 Đỗ Quang, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội

Đỗ Trang

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/dinh-duong-hoc-duong-cat-buoc-yeu-thuong-179240713160640991.htm