Dinh dưỡng, vận động và chánh niệm - chìa khóa vàng cho trái tim khỏe mạnh
Áp lực công việc, chế độ ăn uống thay đổi, lối sống ít vận động và những chỉ số sức khỏe dễ bị bỏ qua đang âm thầm tác động đến sức khỏe chúng ta.
Khi nói về sức khỏe tim mạch, chúng ta vẫn hình dung về những người lớn tuổi có vẻ ngoài không khỏe mạnh. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy rằng trong cộng đồng người châu Á, các vấn đề liên quan đến tim mạch đang phát triển ở độ tuổi trẻ hơn, đôi khi âm thầm và thậm chí xuất hiện ở những người có vẻ khỏe mạnh.

Áp lực công việc trong cuộc sống hiện đại, chế độ ăn uống thay đổi, căng thẳng gia tăng và lối sống ít vận động đang âm thầm tác động đến sức khỏe tổng thể của chúng ta, đặc biệt là sức khỏe tim mạch.
Hiểu được cách hệ thống tim mạch hoạt động là bước đầu tiên tuyệt vời hướng đến sức khỏe tim mạch tốt hơn. Trái tim con người tuy nhỏ (khoảng bằng nắm tay của bạn) nhưng lại là cơ bắp phi thường cung cấp năng lượng cho toàn bộ cơ thể. Với mỗi nhịp đập, nó đưa máu giàu ôxy đến mọi cơ quan, mô và tế bào, đồng thời loại bỏ chất thải như carbon dioxide khỏi cơ thể bạn.
Dưới đây là 5 điều bạn nên biết để bảo vệ và tăng cường sức khỏe tim mạch.

Cần chế độ ăn uống lành mạnh để trái tim khỏe.
Duy trì chế độ ăn lành mạnh cho trái tim khỏe
Chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch bao gồm việc thực hiện một số thay đổi có ý thức mỗi ngày; và những phương pháp đơn giản sau đây có thể giúp ích:
- Ưu tiên thực phẩm toàn phần, bao gồm kết hợp trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt để bổ sung vitamin, khoáng chất, chất dinh dưỡng thực vật, chất xơ hàng ngày, hỗ trợ sức khỏe tim mạch của bạn.
- Chọn chất béo lành mạnh: Cố gắng tiêu thụ nhiều loại dầu tốt cho sức khỏe tim mạch như dầu ô liu, dầu hạt lanh, dầu đậu phộng, dầu từ quả bơ, dầu óc chó. Cá béo (cá hồi, cá thu và cá ngừ), hạt lanh, óc chó, hạt bí ngô và đậu nành chứa đầy axit béo omega-3, có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe về tim mạch. Tránh chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa.
- Hạn chế đường và muối: Béo phì và tiểu đường là những yếu tố nguy cơ đáng kể đối với bệnh tim, và tiêu thụ nhiều đường là nguyên nhân chính gây ra cả hai vấn đề này. Thận trọng khi sử dụng muối trong chế độ ăn uống của bạn cũng là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa huyết áp cao - tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Sự kết hợp đúng đắn giữa các loại gia vị và thảo mộc trong nấu ăn có thể giúp giảm nhu cầu thêm muối vào thức ăn.
Những thay đổi nhỏ có tác động mạnh mẽ
Các hoạt động thể chất như tập thể dục có thể giúp thư giãn và mở rộng mạch máu, tăng cường lưu lượng máu qua cơ thể, nuôi dưỡng tim. Đặc biệt, hoạt động thể chất giúp cơ thể sản xuất nitric oxide - một phân tử thiết yếu cho chức năng tim mạch tối ưu. Hãy cố gắng dành ít nhất 30 phút hoạt động thể chất cường độ vừa phải như đi bộ, chạy, đạp xe hoặc bơi lội mỗi ngày, hoặc dành thời gian đi bộ ngắn trong ngày làm việc bận rộn.
Ngủ đủ giấc là điều rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Khi trưởng thành, chúng ta cần 7-9 giờ để cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi!

Theo dõi các dấu hiệu sức khỏe là một trong những cách thông minh nhất để bảo vệ trái tim của bạn.
Cắt giảm vì trái tim khỏe mạnh hơn
Hút thuốc là một trong những nguyên nhân chính gây bệnh tim mạch vì nó có thể làm hỏng lớp lót của động mạch và tích tụ chất béo, làm hẹp động mạch. Việc hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ của bạn lên tới 30%. Thuốc lá điện tử cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, vì vậy những người dùng thuốc lá điện tử với mục đích cai thuốc lá thông thường cần phải cân nhắc lại.
Tin tốt là việc cai thuốc lá có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Việc lạm dụng thức uống có cồn tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch của bạn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao và béo phì. Trong các bối cảnh giao tiếp xã hội, những mẹo đơn giản như uống nước lọc giữa các lần uống bia rượu, dùng đồ uống không cồn ít calo, đồ uống không đường hay đổi cốc nhỏ hơn có thể giúp cắt giảm chất cồn.
Căng thẳng là điều không thể tránh khỏi, quan trọng là cách bạn xử lý nó
Các nghiên cứu cho thấy căng thẳng làm tăng nguy cơ bệnh tim vì nó ảnh hưởng đến huyết áp và mức cholesterol. Tình trạng căng thẳng mãn tính cũng có thể dẫn đến những thói quen không lành mạnh như ăn quá nhiều, hút thuốc và làm tăng hormone căng thẳng như cortisol, do đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Theo dõi các chỉ số quan trọng
Theo dõi các dấu hiệu sức khỏe là một trong những cách thông minh nhất để bảo vệ trái tim của bạn. Việc kiểm tra sức khỏe thường xuyên rất quan trọng. Kiểm tra sức khỏe hàng năm, bạn sẽ có thể ngăn những điều bất ngờ không mong muốn.. Hãy kiểm tra huyết áp, cholesterol và lượng đường trong máu.
Các thiết bị công nghệ như đồng hồ thông minh và máy theo dõi sức khỏe có thể là đồng minh mạnh mẽ giúp theo dõi các thông số trong thời gian thực như nhịp tim, huyết áp, lượng đường trong máu, thời gian hoạt động, chất lượng giấc ngủ. Các dữ liệu này sau đó có thể được chuyên gia chăm sóc sức khỏe sử dụng để phân tích và theo dõi sức khỏe tim mạch, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.
Vậy nên hãy thực hiện bước đầu tiên ngay hôm nay! Cho dù là điều chỉnh chế độ ăn, tốc độ hay cách tiếp cận, ngay cả thay đổi nhỏ nhất ngày hôm nay cũng có thể dẫn đến tương lai khỏe mạnh hơn.