Định giá đất minh bạch, công khai
Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao đã yêu cầu bỏ khung giá đất, có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Chủ trương này đã bước đầu được cụ thể hóa tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nhưng nhiều ý kiến cho rằng, vẫn cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm thực hiện định giá đất minh bạch, công khai, có cơ sở để xử lý sai phạm.
Hoàn thiện hơn nữa cơ chế xác định giá đất
Tại Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xác định sẽ bỏ khung giá đất; có cơ chế, phương pháp xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; quy định chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của cơ quan có nhiệm vụ xác định giá đất. Nghị quyết số 18 cũng xác định rành mạch trách nhiệm của Trung ương và địa phương. Theo đó, Trung ương xây dựng tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất; HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất.
Để bảo đảm chất lượng công tác định giá đất, Nghị quyết số 18 cũng quy định có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên. Cùng với đó là bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như: công khai giá đất, bắt buộc giao dịch qua các sàn giao dịch, thanh toán qua ngân hàng, không dùng tiền mặt; xử lý nghiêm các vi phạm...
Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), để thể chế hóa Nghị quyết số 18, khung giá đất của Chính phủ được bãi bỏ. Thay vào đó, dự thảo Luật quy định cụ thể nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất định giá, theo thời hạn sử dụng đất, phù hợp với giá trị thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường, bảo đảm tính độc lập về chuyên môn nghiệp vụ, trung thực, khách quan của kết quả định giá đất giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định (Điều 163).
Theo dự thảo Luật, thay vì ban hành khung giá đất định kỳ cho một giai đoạn như hiện nay, hàng năm sẽ xây dựng bảng giá đất, công bố công khai và áp dụng từ ngày 1.1 của năm. Bảng giá đất định kỳ hàng năm này được áp dụng để tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí… (Điều 164).
Trình tự xây dựng bảng giá đất, trách nhiệm của HĐND, UBND trong xây dựng bảng giá đất cũng được quy định tại dự thảo Luật nhằm giúp bảo đảm và tăng cường khả năng thi hành, tuân thủ pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; nâng cao tính độc lập của các chủ thể trong quá trình xác định giá đất cụ thể. Ngoài ra, thành phần Hội đồng thẩm định giá đất cũng được mở rộng, bên cạnh các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND, còn có đại diện HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất để bảo đảm tính độc lập khách quan trong quá trình định giá (Điều 166).
Về giá đất cụ thể, dự thảo Luật quy định phân cấp thẩm quyền cho UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Đối với khu vực đã có bảng giá đất tới từng thửa đất theo vùng giá trị đất, giá thửa đất chuẩn thì việc định giá đất cụ thể được xác định theo bảng giá đất tại thời điểm định giá (Điều 165).
Sẽ khắc phục được tình trạng “hai giá đất”
Tán thành với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ lưu ý, thị trường đất đai của nước ta hiện nay đang tồn tại cơ chế “hai giá đất”. Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Giá đất thứ hai là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. “Việc bỏ khung giá đất và thay bằng bảng giá công bố hàng năm như quy định tại dự thảo Luật sẽ góp phần khắc phục bất cập hai giá đất hiện nay; phân cấp thẩm quyền mạnh mẽ, trao quyền chủ động cho các địa phương ban hành bảng giá đất phù hợp với thị trường”, ông Đặng Hùng Võ nhận định.
Tuy nhiên, ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) lưu ý, quy định của dự thảo Luật chưa làm rõ các tiêu chí và quy trình kiểm tra, giám sát các địa phương trong việc xây dựng bảng giá đất cũng như yêu cầu về HĐND cấp tỉnh quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện giá đất mà Nghị quyết số 18-NQ/TW đặt ra. Do vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu bổ sung các nội dung này trong dự thảo Luật nhằm bảo đảm việc định giá đất công khai, minh bạch, có cơ sở để xử lý nghiêm các vi phạm.
Việc xây dựng bảng giá đất hàng năm sẽ giúp cập nhật kịp thời với biến động giá đất trên thị trường. Song, Luật Đất đai hiện hành quy định bảng giá đất được xây dựng định kỳ 5 năm một lần nên khi thay đổi sang định giá đất hàng năm có thể gây lúng túng cho các địa phương. Chỉ ra thực tế nêu trên, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa đề nghị, các bộ, ngành cần tích cực hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương chuẩn bị ngay từ khi thảo luận dự án Luật, qua đó tạo điều kiện triển khai nhịp nhàng các quy trình, thủ tục định giá đất ngay khi Luật có hiệu lực thi hành.
Việc xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường là không đơn giản và cần một loạt điều kiện đi kèm. Nghị quyết 18 cũng đã chỉ rõ những điều kiện để tiến hành được việc chuyển đổi phương thức quản lý giá đất. Ngày mai, 1.11, Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình bày trước Quốc hội. Trên cơ sở các tài liệu về dự án Luật, các đại biểu Quốc hội sẽ tập trung phân tích, đánh giá các điều khoản, kiến nghị giải pháp hoàn thiện dự thảo Luật, qua đó, góp phần tạo nền tảng, động lực để đất đai được sử dụng, quản lý một cách hiệu quả.