Định hình hệ sinh thái sáng tạo của Hà Nội

Sau gần 5 tháng khai trương và đưa vào hoạt động, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội mang đến những thành quả tích cực trong việc triển khai các ý tưởng sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo. Phóng viên Kinh tế & Đô thị có cuộc trao đổi với Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà về thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, thu hút, kết nối các nguồn lực sáng tạo.

-Xin ông cho biết, ý nghĩa, mục đích của việc ra đời Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội?

- Thủ đô Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh văn hóa của cả nước. Năm 2019, Hà Nội gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO trong lĩnh vực thiết kế. Trên từng bước đường chứng minh và khai mở tối đa tiềm năng phát triển trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo, Hà Nội đã có thêm các trung tâm nghệ thuật, không gian sáng tạo. Việc thành lập Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội nhằm cụ thể hóa cam kết của Hà Nội khi gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO. Theo cam kết, để trở thành Thành phố sáng tạo, Hà Nội cần sự điều phối để các không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô hoạt động hiệu quả, người dân và du khách được thụ hưởng thành quả sáng tạo đó thông qua những sự kiện, sản phẩm có giá trị đến từ đội ngũ sáng tạo.

Trung tâm được đặt trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), gồm các không gian triển lãm ngoài trời và trong nhà, mang đến cơ hội trưng bày, giới thiệu các sáng kiến và sản phẩm thiết kế sáng tạo, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động liên quan. Không gian này cũng góp phần đưa các ý tưởng sáng tạo, dự án khởi nghiệp sáng tạo đến gần hơn với sự hỗ trợ của chính quyền, các đơn vị, DN liên quan để hiện thực hóa. Đặc biệt, Trung tâm có chức năng chính là điều phối, hỗ trợ tổ chức các hoạt động sáng tạo, thúc đẩy kết nối giữa các không gian văn hóa sáng tạo tại Thủ đô và quốc tế.

-Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có những hoạt động tiêu biểu gì?

- Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội được thành lập đầu tháng 12/2024 nhưng khối lượng công việc là khá nhiều. Kể từ khi chuẩn bị đến khi thành lập và đi vào hoạt động, các kế hoạch và chương trình cụ thể đã được lên chi tiết theo từng tháng, từng quý nhằm thực hiện Kế hoạch số 97/KH-UBND ngày 11/4/2025 của UBND TP Hà Nội về việc tổ chức các hoạt động Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2025.

Cụ thể, các hoạt động điều phối, thúc đẩy sáng tạo, ươm mầm tài năng sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế: phối hợp với Hà Nội tổ chức tọa đàm "Nội thất xanh và bền vững"; phối hợp với Trường Đại học khoa học liên ngành và Nghệ thuật tổ chức các buổi tọa đàm: "Công nghiệp văn hóa với bảo tàng, thực trạng và giải pháp"… Ngoài ra, các tọa đàm liên tục được tổ chức như: "Nội thất nghỉ dưỡng Italia và những gợi mở cho thiết kế nội thất Việt"; "Nội thất Việt - hướng phát triển từ các làng nghề truyền thống"; "Xu hướng hoạt động và vận hành của nhiếp ảnh trên thế giới gần đây"...

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ với PV. Ảnh: Ngọc Tú.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ với PV. Ảnh: Ngọc Tú.

Các hoạt động trưng bày, triển lãm, workshop về các lĩnh vực của Thành phố sáng tạo cũng được tổ chức thường xuyên như triển lãm không gian sáng tạo “Không gian sống Việt: sáng tạo dựa trên nền tảng làng nghề truyền thống”; triển lãm "Sáng tạo trẻ trên chất liệu các làng nghề Phú Xuyên". Đặc biệt, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực sáng tạo cũng được triển khai như: tổ chức workshop và triển lãm tranh màu nước "Di sản Hà Nội – Sapa"; thực hiện dự án tài trợ âm thanh, xây dựng không gian Bảo tàng Hà Nội thành không gian sáng tạo gắn với âm thanh đa phương tiện, do chuyên gia nước ngoài – nhà soạn nhạc thực hiện; workshop "Gặp gỡ mùa Xuân", giao lưu văn hóa Việt Nam - Nhật Bản...

-Việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, thu hút, kết nối các nguồn lực sáng tạo được Trung tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?

- Trung tâm đã xây dựng các tiêu chí cho không gian sáng tạo, trong đó đề cao việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa trong các sản phẩm sáng tạo; xây dựng bản đồ số các không gian sáng tạo để phát triển du lịch; mở rộng những mô hình sáng tạo hiệu quả có thể mang lại giá trị về kinh tế, thương mại. Bảo tàng Hà Nội sẽ là nơi chắp cánh cho những khát vọng sáng tạo của cộng đồng.

Trung tâm đã làm việc với các nhóm sáng tạo trẻ, tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm từ các làng nghề của Hà Nội. Việc thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, thu hút, kết nối các nguồn lực sáng tạo là yếu tố tiên quyết khi Trung tâm đóng vai trò cầu nối giữa nhà sáng tạo với các tổ chức trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, chính quyền địa phương. Thông qua hội thảo, tọa đàm, triển lãm, Trung tâm hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo, tạo điều kiện chia sẻ và lan tỏa kiến thức thực tiễn đến với những nhóm cộng đồng sáng tạo. Từ đó khẳng định việc thành lập Trung tâm điều phối hoạt động sáng tạo Hà Nội là một bước đi chiến lược trong định hình hệ sinh thái sáng tạo của Hà Nội, đóng góp quan trọng vào sự phát triển văn hóa kinh tế tri thức của đất nước, đưa Việt Nam trở thành điểm sáng trong khu vực về sáng tạo, đổi mới và nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sáng tạo toàn cầu.

-Trung tâm đã có những hoạt động gì để hỗ trợ cộng đồng sáng tạo trẻ?

- Thời gian qua, Trung tâm đã kết nối với các trung tâm sáng tạo trong nước như Đà Lạt, Quảng Nam, TP Hồ Chí Minh để xây dựng mạng lưới sáng tạo mang tầm quốc gia. Ngoài ra, Trung tâm sẽ kết nối với các nước như Thái Lan, Singapore, Philippines… để tập hợp lực lượng sáng tạo trong khu vực, tổ chức những sự kiện sáng tạo mang tầm quốc tế, chẳng hạn như chuẩn bị nội dung cho Lễ hội Thiết kế sáng tạo quốc tế Hà Nội những năm tới… Trong đó, chú trọng đến cộng đồng trẻ, vốn đóng vai trò quan trọng và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực sáng tạo. Những dự án có ý tưởng mới, mang đến màu sắc tươi mới của cộng đồng trẻ đều được Trung tâm hỗ trợ tổ chức, hướng tới sự kết nối, giới thiệu các không gian sáng tạo đến với bạn bè quốc tế.

-Trong quá trình hoạt động, Trung tâm gặp khó khăn gì, thưa ông?

- Phải khẳng định, sau gần 5 năm gia nhập Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO, dù gặp nhiều khó khăn,

Hà Nội vẫn kiên định với cam kết với UNESCO. Điều đó không chỉ thể hiện trong những hội thảo, ý tưởng, kế hoạch... mà tinh thần khai mở sáng tạo đã l an tỏa trong đời sống, tạo nên thay đổi đáng kể, đặc biệt ở việc tạo dựng những không gian sáng tạo mới. Tuy hoạt động và phát triển sôi nổi là thế, các không gian sáng tạo tại Hà Nội còn gặp nhiều khó khăn do thiếu sự ổn định về địa điểm và mô hình nguồn lực.

Hà Nội đã có những thay đổi nhất định về cơ chế, chính sách khai mở cho văn hóa và công nghiệp sáng tạo, tuy nhiên sự thay đổi này cần có thời gian để hoàn thiện. Điều này cũng khiến Trung tâm gặp không ít khó khăn, đặc biệt cơ chế chính sách phối hợp chưa đồng bộ, hạn chế nguồn lực tài chính và nhân sự chuyên sâu. Vì thế, mong muốn của Trung tâm là tìm ra các giải pháp để đưa vào vận hành một cách hiệu quả nhất, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy hợp tác công – tư, hình thành cơ chế thử nghiệm chính sách sáng tạo. Đặc biệt, Trung tâm thuộc Bảo tàng Hà Nội, là một đơn vị cấp phòng nên còn gặp khó khăn trong công tác điều phối chung cho cả TP Hà Nội.

-Để hình thành hệ sinh thái sáng tạo Hà Nội, theo ông cần giải pháp đột phá nào?

- Câu chuyện về hình thành hệ sinh thái sáng tạo không phải là điều dễ dàng, điều này đòi hỏi sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, giải pháp đột phá đầu tiên là phát triển cơ chế Sandbox - mô hình thử nghiệm có kiểm soát, giới hạn về thời gian, phạm vi và đối tượng. Tại đó, những ý tưởng hoặc mô hình mới được triển khai thử dưới sự giám sát của cơ quan quản lý trước khi áp dụng rộng rãi hoặc điều chỉnh chính sách phù hợp. Thứ hai là đầu tư hạ tầng sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy hợp tác liên ngành, xác định sáng tạo là động lực phát triển đô thị.

Thứ ba là xây dựng mạng lưới các không gian sáng tạo tại Hà Nội, kết nối với các Thành phố sáng tạo trong nước và quốc tế. Cùng với đó, tổ chức các khóa tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực sáng tạo trong các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo. Thứ tư là tổ chức hoạt động, sự kiện gắn kết đội ngũ các nhà sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm, nguồn lực, kết nối các DN đồng hành, hướng đến các sản phẩm có giá trị đóng góp vào ngành công nghiệp sáng tạo của TP.

-Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thời gian tới, Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội sẽ tăng cường hợp tác quốc tế, tổ chức sự kiện sáng tạo, những hoạt động đã tổ chức thành công, hiệu quả, mang đến sự lan tỏa lớn, kết nối toàn diện giữa các không gian văn hóa sáng tạo tại Thủ đô và quốc tế. Cùng với đó, Trung tâm sẽ tập trung phát triển nền tảng số để mang đến những không gian mới, ý tưởng mới cũng như hỗ trợ các cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, hỗ trợ giáo dục sáng tạo cho công chúng, đặc biệt là giới trẻ và xây dựng chính sách phát triển công nghiệp sáng tạo.

Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà

Ngọc Tú (thực hiện)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dinh-hinh-he-sinh-thai-sang-tao-cua-ha-noi.690746.html