Siết chặt quản lý dữ liệu khách hàng mua bán online
Thời gian qua, thêm nhiều nạn nhân bị các đối tượng giả mạo người giao hàng (shipper) lừa đảo. Những thủ đoạn dù không mới nhưng vẫn khiến nhiều người sập bẫy.

Người dân cần cảnh giác trước chiêu trò mạo danh shipper giao hàng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh: T.L
Cụ thể, các đối tượng lừa đảo thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng vào những khung giờ nạn nhân thường không có nhà, gửi thông tin chuyển khoản đề nghị thanh toán.
Sau đó, thông báo chưa nhận được tiền, lừa nạn nhân tiếp tục chuyển tiền hoặc gửi tin nhắn thông báo nạn nhân đã đăng ký 1 gói dịch vụ nào đấy, với mức phí từ 2-10 triệu đồng/tháng và hướng dẫn nạn nhân tiếp tục chuyển tiền để hủy gói dịch vụ... để chiếm đoạt.
Đối tượng lừa đảo giả danh shipper đến giao hàng (bên trong hầu hết là hàng giả, hàng rẻ tiền hoặc không có giá trị), đề nghị thanh toán trước hoặc thanh toán khi giao hàng nhưng không cho kiểm tra hàng hóa.
Các đối tượng lừa đảo tiếp cận với các kênh livestream bán hàng, tiếp cận với những khách hàng đặt mua hàng online, đề nghị xác thực đơn hàng tại các trang web giả mạo hoặc yêu cầu tải app theo dõi giao hàng để chiếm quyền kiểm soát điện thoại, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Các đối tượng gọi điện giả danh shipper giao hàng để thu thập thông tin cá nhân của người dân, sử dụng cho các phương thức, thủ đoạn lừa đảo khác.
Để tránh bị “sập bẫy”, mỗi người dân cần luôn kiểm tra kỹ đơn hàng, xác nhận với người gửi trước khi thanh toán; nếu không đặt hàng, từ chối nhận và không thanh toán; yêu cầu được kiểm tra hàng trước khi thanh toán. Nếu shipper từ chối, hãy liên hệ ngay với người bán hoặc tổng đài của đơn vị vận chuyển.
Chỉ thanh toán khi hàng đó đúng do mình đặt, kiểm tra hàng đảm bảo chất lượng, nên thanh toán trực tiếp với bên bán hoặc thông qua các sàn thương mại số. Kiểm tra kỹ thông tin tài khoản trước khi chuyển tiền. Không quét mã QR từ nguồn không rõ ràng. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho người lạ hay các đối tượng mạo danh shipper (các shipper chân chính luôn có thông tin của khách hàng trên đơn hàng).
Điều khiến nhiều người dân bức xúc trước vấn nạn các đối tượng lừa đảo thu thập, mua bán dữ liệu những người thường xuyên mua hàng online, sau đó giả danh shipper gọi điện thoại thông báo giao hàng. Đây là hồi chuông cảnh báo về tình trạng đánh cắp dữ liệu người dùng. Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cần triển khai các biện pháp để phòng tránh những rủi ro liên quan đến “lộ lọt” thông tin cá nhân, bảo vệ cơ sở dữ liệu người dùng dịch vụ.
Thiết nghĩ, đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, cần thực hiện nghiêm việc tuyệt đối không được tiết lộ thông tin sử dụng dịch vụ bưu chính như họ tên, số điện thoại, địa chỉ người nhận, người gửi; quán triệt, phổ biến đến các bộ phận và người lao động trong doanh nghiệp các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh trong cung ứng dịch vụ bưu chính, bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Cùng với đó, các doanh nghiệp bưu chính cũng phải chủ động xây dựng các giải pháp để bảo vệ thông tin người sử dụng dịch vụ, hệ thống thông tin như định danh cuộc gọi của nhân viên bưu chính, mã hóa thông tin trên các bưu gửi; tuyên truyền để người sử dụng biết được các kênh thông tin, nền tảng số chính thống của doanh nghiệp.