Định hình quan hệ song phương giai đoạn mới

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã bắt đầu chuyến thăm kéo dài hai ngày tới Washington, Mỹ để tiến hành các cuộc hội đàm quan trọng với Tổng thống Donald Trump. Thương mại, thuế quan cũng như nhiều nội dung quan trọng về quan hệ song phương trong giai đoạn mới sẽ là trọng tâm trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo.

Duy trì mối quan hệ ổn định

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã trở thành một trong những nguyên thủ nước ngoài đầu tiên thăm Nhà Trắng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri nhấn mạnh rằng, chuyến thăm sớm này phản ánh mối quan hệ gần gũi được duy trì giữa Thủ tướng Modi với các nhà lãnh đạo Mỹ trong hơn 1 thập kỷ vừa qua. Ông Modi cũng đã xây dựng được mối quan hệ cá nhân hữu hảo với Tổng thống Trump trong giai đoạn nhiệm kỳ đầu, và đây là lợi thế để Ấn Độ tự tin duy trì mối quan hệ song phương ổn định với chính quyền Trump hiện tại, bất chấp những biến động phức tạp hiện nay.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ trong cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ, tháng 2.2020

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ trong cuộc gặp ở New Delhi, Ấn Độ, tháng 2.2020

Dù vậy, Ấn Độ cũng đang có nhiều nỗi lo lắng, bắt nguồn từ lời đe dọa đánh thuế trả đũa với các đối tác thương mại của Mỹ mà ông Donald Trump đưa ra kể từ khi trở lại Nhà Trắng. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump, các ưu tiên về cân bằng thương mại và kiểm soát nhập cư có thể ảnh hưởng lớn đến cách Mỹ định hình quan hệ với Ấn Độ. Hơn nữa, chuyến thăm diễn ra vào thời điểm Tổng thống Donald Trump đang tìm cách xem xét lại nhiều khuôn khổ toàn cầu hiện có, các mối quan hệ thương mại và cả sự tham gia của Mỹ vào các cuộc xung đột thế giới. Nhiều vấn đề trong số này có ảnh hưởng trực tiếp đến Ấn Độ. Do đó, giới quan sát đang chờ đợi xem Ấn Độ sẽ điều hướng những thay đổi này như thế nào để duy trì mối quan hệ bền chặt với Mỹ.

Việc giữ mối quan hệ song phương ổn định và nằm trong quỹ đạo là nhiệm vụ quan trọng vào thời điểm này của chính quyền Thủ tướng Narendra Modi. Chuyến thăm này cho thấy, Ấn Độ có sự chủ động về đối thoại và các phương án tháo gỡ những nút thắt tồn tại trong quan hệ song phương, để tiếp tục bồi đắp thêm mối quan hệ hai nước trong tương lai.

Tránh nguy cơ chiến tranh thương mại

Các chuyên gia nhận định, thương mại và thuế quan là những vấn đề quan trọng mà chính quyền Modi cần khéo léo giải quyết với chính quyền mới. Chuyến công du này của lãnh đạo Ấn Độ là cơ hội bàn thảo với chính quyền Trump 2.0 các phương án để tránh xảy ra đối đầu về thương mại và thuế quan giữa hai nước; đồng thời vẫn tiếp tục xu hướng hợp tác ngày càng thân thiết, gần gũi của đôi bên. Bên cạnh nỗ lực củng cố mối quan hệ cá nhân đã được xây dựng từ nhiệm kỳ trước của ông Trump, Thủ tướng Ấn Độ Modi sẽ mang tới những ý tưởng hợp tác mới để cân bằng lại cán cân thương mại song phương, cũng như xóa đi ấn tượng rằng Ấn Độ đang áp thuế với hàng hóa Mỹ quá cao.

Dù có mối quan hệ tốt, nhưng trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích thặng dư thương mại của Ấn Độ với Mỹ, coi New Delhi là “vua thuế quan” và áp thuế với thép và nhôm nhập khẩu từ quốc gia này. Ông chủ Nhà Trắng cũng xóa bỏ nhiều điều khoản trong Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), vốn tạo điều kiện để nhiều mặt hàng của Ấn Độ như sản phẩm dệt may, da giày nhập khẩu vào thị trường Mỹ và không phải chịu thuế.

Mỹ được xem là điểm đến lớn nhất của Ấn Độ đối với hàng hóa xuất khẩu, chiếm hơn 18 phần trăm giá trị. Ấn Độ đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 77,5 tỷ USD sang Mỹ trong năm 2023 - 2024, cao hơn giá trị tích lũy của hàng hóa xuất khẩu sang ba điểm đến lớn tiếp theo. Ấn Độ hiện đang hưởng thặng dư thương mại với Mỹ và ông Trump muốn quốc gia tỷ dân này phải mua nhiều hơn cũng như áp dụng mức thuế thấp hơn đối với hàng hóa của Mỹ.

Trong động thái nhượng bộ, Ấn Độ đang xem xét cắt giảm thuế nhập khẩu đối với ít nhất 10 lĩnh vực, bao gồm thiết bị điện tử, y tế, phẫu thuật cùng một số loại hóa chất, nhằm tăng cường nhập khẩu từ Mỹ. Những nhượng bộ này phù hợp với kế hoạch phát triển sản xuất trong nước của New Delhi.

Các mặt hàng có thể được giảm thuế bao gồm ăng-ten chảo vệ tinh và bột gỗ, những sản phẩm mà Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu từ Mỹ hoặc có tiềm năng mua nhiều hơn. Ngoài ra, trong cuộc gặp với ông Trump, Thủ tướng Modi cũng sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận thương mại nhỏ, mở đường cho các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng hơn.

Trước đó, ông Trump đã áp thuế 10% lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến Bắc Kinh đáp trả bằng việc đánh thuế lên năng lượng Mỹ. Viễn cảnh này khiến Ấn Độ lo ngại về một cuộc chiến thuế quan leo thang có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này. Các cuộc đàm phán về nhượng bộ thuế quan diễn ra sau khi Ấn Độ giảm mức thuế nhập khẩu trung bình từ 13% xuống 11% đối với một số mặt hàng trong ngân sách thường niên. Bên cạnh đó, nước này cũng cắt giảm thuế đối với xe máy phân khối lớn và xe hơi hạng sang, đồng thời đánh giá lại các khoản phụ phí áp dụng với hơn 30 mặt hàng, bao gồm ô tô hạng sang và pin năng lượng mặt trời.

Một quan chức chính phủ cho biết, những nỗ lực này cho thấy New Delhi muốn tránh một cuộc chiến thương mại với Washington, giống như căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay.

Thúc đẩy hợp tác về năng lượng và quốc phòng

Hơn nữa, theo chương trình dự kiến, hợp tác về năng lượng hạt nhân và thương mại năng lượng song phương cũng là trọng tâm của các cuộc gặp. Từ các lò phản ứng mô-đun nhỏ đến các hợp đồng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), các cuộc thảo luận có thể mở đường cho sự hợp tác Ấn Mỹ sâu sắc hơn trong lĩnh vực năng lượng.

Ấn Độ đang tăng cường tiềm lực năng lượng hạt nhân như một phần trong chiến lược phi carbon hóa hỗn hợp năng lượng của mình. Theo Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ Hardeep Singh Puri, năng lượng hạt nhân đặc biệt là các lò phản ứng nhỏ và mô-đun, sẽ là chủ đề chính trong các cuộc thảo luận của ông Modi với ông Trump. Ngoài ra, Ấn Độ cũng tìm kiếm các hợp đồng mua khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ, cũng như cân nhắc việc mua cổ phần tại các nhà cung cấp LNG tại nước này, thông qua đó đầu tư chiến lược vào các cơ sở hạ tầng LNG của Mỹ.

Trong khi đó, hợp tác quốc phòng đã nổi lên như một công cụ quan trọng của quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Mỹ trong những năm gần đây và đã dẫn đến nhiều hợp đồng mua sắm lớn từ Mỹ, bao gồm trực thăng Chinook, máy bay không người lái vũ trang, lựu pháo M-777... Theo đó, trong cuộc hội đàm lần này, ông Trump được cho là sẽ nhắc tới lời đề nghị của Mỹ về việc bán máy bay chiến đấu F-35 cho Ấn Độ. Tuy nhiên, vào thời điểm này, Ấn Độ đang tăng cường lực lượng không quân bằng máy bay phản lực Rafale của Pháp. Mặc dù F-35 có khả năng tàng hình tiên tiến, nhưng việc tích hợp nó vào đội bay đa dạng của Ấn Độ sẽ đặt ra những thách thức về mặt hậu cần vì Ấn Độ đã vận hành máy bay Sukhoi của Nga và Rafale của Pháp.

Các chuyên gia nhận định, Ấn Độ sẽ phải cân bằng cẩn thận lời đề nghị này với các cam kết hiện có của Ấn Độ đối với Pháp, bảo đảm rằng các quyết định mua sắm quốc phòng phù hợp với nhu cầu về khả năng tự chủ chiến lược và khả năng tương tác lâu dài của Ấn Độ. Ngoài ra, hai nước dự kiến sẽ thảo luận về các cuộc tập trận chung tăng cường, các thỏa thuận chia sẻ công nghệ và mua sắm thiết bị quốc phòng tiên tiến của Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh gần đây đã có cuộc trao đổi với người đồng cấp Mỹ, Bộ trưởng Pete Hegseth, củng cố động lực trong hợp tác chiến lược.

Chuyến thăm của Thủ tướng Modi là một tín hiệu rõ ràng về tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Mỹ, mang đến cơ hội để củng cố các cơ chế hiện có và khám phá các lĩnh vực hợp tác mới.

Châu Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dinh-hinh-quan-he-song-phuong-giai-doan-moi-post404467.html