Định hình và khai thác tài sản trí tuệ du lịch địa phương

HNN - Việc nhận diện, xây dựng và bảo hộ các tài sản trí tuệ (TSTT) của du lịch Huế đang mở ra cơ hội để hình thành các sản phẩm đặc thù, tạo dấu ấn khác biệt. Hoạt động này cũng đồng thời góp phần bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch địa phương hợp lý trước xu thế đổi mới sáng tạo và chuyển dịch kinh tế bền vững.

 Khai thác tài sản trí tuệ du lịch địa phương từ các nghề truyền thống sẽ là hướng đi bền vững cho du lịch Huế

Khai thác tài sản trí tuệ du lịch địa phương từ các nghề truyền thống sẽ là hướng đi bền vững cho du lịch Huế

Khai thác tiềm năng du lịch Huế

Huế được xem là nơi sở hữu hệ sinh thái văn hóa, tự nhiên phong phú bậc nhất cả nước. Không chỉ có Quần thể di tích Cố đô được UNESCO công nhận, Huế còn hội tụ hơn 500 lễ hội lớn nhỏ, gần 1.700 món ăn cung đình, dân gian đặc sắc, cùng hàng chục làng nghề truyền thống, như: tranh làng Sình, hoa giấy Thanh Tiên, đúc đồng Phường Đúc (cũ, nay thuộc P. Thuận Hóa), dệt zèng A Lưới, bún Vân Cù… Đó là nguồn tài nguyên trí tuệ quý giá đang chờ được khai thác theo hướng chuyên nghiệp.

Theo bà Trần Thị Thùy Yên, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN), thời gian qua, thành phố luôn đồng hành cùng các địa phương trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho nhiều sản phẩm đặc trưng gắn với du lịch. Một số sản phẩm đã được bảo hộ như mè xửng Thiên Hương, tinh dầu tràm Lộc Thủy, nón lá Mỹ Lam, thanh trà Huế... Nhiều nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý đã bước đầu phát huy hiệu quả trong việc quảng bá hình ảnh sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ và gia tăng giá trị thương hiệu địa phương.

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chủ tịch FiNNO Group từng có ý kiến, nhiều sản phẩm du lịch của Huế dù rất đặc sắc, được các startup vận dụng để khởi nghiệp sáng tạo, nhưng thực sự sản phẩm vẫn chưa được khai thác dưới góc độ sở hữu trí tuệ nên vẫn vô danh trên thị trường. Nếu được đăng ký bảo hộ, xây dựng thương hiệu rõ ràng, những sản phẩm này sẽ gia tăng giá trị.

Trong các kỳ Festival Huế và Festival nghề truyền thống Huế, du khách không chỉ chiêm ngưỡng nghệ thuật cung đình hay tham quan các di sản, mà còn được tiếp xúc với các sản phẩm gắn liền với tài sản trí tuệ cộng đồng.

Tại các hội thảo liên quan, các nhà quản lý trong ngành du lịch, KHCN đều cùng quan điểm khi cho rằng, những tài sản trí tuệ mang tính cộng đồng như kỹ thuật chế tác tranh dân gian, phương pháp dệt thủ công, công thức ẩm thực cổ truyền, tái hiện cuộc sống mưu sinh của ngư dân vùng đầm phá… ở Huế nếu được bảo hộ tốt sẽ không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn trở thành nguồn lực để phát triển kinh tế du lịch bền vững, hướng tới mô hình "du lịch gắn với bản quyền".

Phát huy tài sản trí tuệ cộng đồng

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ đang trở thành một công cụ quan trọng trong phát triển các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch. Du lịch có thể khai thác TSTT ở rất nhiều khía cạnh, từ chỉ dẫn địa lý nông sản phục vụ ẩm thực đến bản quyền thiết kế không gian lưu trú, quyền tác giả của lễ hội, nhãn hiệu dịch vụ du lịch..., hay thậm chí là bí quyết chế biến món ăn địa phương. Vấn đề là chúng ta phải nhận diện đúng và khai thác đúng.

Một sản phẩm du lịch hay một địa điểm du lịch muốn phát triển, trước hết, cần phải được thị trường biết đến. Để giữ chân du khách, sản phẩm du lịch cần được sự tín nhiệm từ danh tiếng, chất lượng thực sự và cộng đồng làm nên sản phẩm. Thực tế, nhiều tour du lịch ở Huế hiện nay đang sử dụng sản phẩm trí tuệ của cộng đồng, đơn cử như các chương trình trải nghiệm tại các làng nghề: Bún Vân Cù, đan lát Bao La, dệt zèng A Lưới, làng gốm Phước Tích, hoa giấy Thanh Tiên... Tuy nhiên, chủ sở hữu vẫn chưa được hưởng lợi thỏa đáng. Cục Sở hữu trí tuệ cảnh báo nếu không có cơ chế phân chia lợi ích minh bạch, lâu dài, các cộng đồng có thể rút khỏi chuỗi giá trị du lịch, ảnh hưởng đến cả việc bảo tồn lẫn phát triển sản phẩm.

Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, để khai thác hiệu quả các TSTT cho phát triển du lịch, cần có chiến lược đồng bộ từ cấp địa phương đến Trung ương. Cụ thể, cần thiết lập cơ chế bảo hộ hợp lý; liên kết vùng, xây dựng nhãn hiệu liên kết; tăng cường truyền thông và xúc tiến quảng bá gắn với TSTT; đào tạo nguồn nhân lực TSTT trong du lịch; xã hội hóa và minh bạch hóa lợi ích. Nhất là trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ giữa các tỉnh, thành về điểm đến, du lịch Huế cần xây dựng nét đặc trưng riêng để thu hút du khách, đồng thời là cách thức bảo vệ và khai thác nguồn tài nguyên du lịch địa phương hợp lý.

Du lịch phát triển quá mức có thể tạo ra áp lực với các tài sản văn hóa. Vì nếu không được bảo hộ và quản lý bài bản, các giá trị TSTT rất dễ bị thương mại hóa hoặc mai một. Chỉ khi cộng đồng là chủ thể được tôn trọng, có quyền và lợi ích trong việc bảo hộ và khai thác TSTT, thì các TSTT mới thực sự trở thành nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

Thời gian qua, việc quản lý, bảo tồn các tài nguyên du lịch được thực hiện thông qua nhiều cơ quan quản lý nhà nước mà thiếu một cơ chế phối hợp đồng bộ. Vì vậy, cùng với việc sắp xếp, tổ chức lại địa giới hành chính và vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp, sắp tới, đây cũng là vấn đề cần được xem xét, tính toán để các TSTT du lịch địa phương không chịu cảnh "cha chung không ai khóc" hay bị khai thác bừa bãi, xuống cấp, làm mất yếu tố bản sắc riêng có.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/du-lich/dinh-hinh-va-khai-thac-tai-san-tri-tue-du-lich-dia-phuong-155399.html