Trí tuệ nhân tạo và khát vọng Việt trong thời đại số

Từ câu hỏi 'xu thế hay bắt buộc?', cộng đồng doanh nghiệp Việt đang chủ động chinh phục AI như một chìa khóa chiến lược cho phát triển bền vững.

Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh vừa tổ chức thành công chương trình Nghệ Tĩnh Meeting 2025 với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo – Xu thế hay bắt buộc?”. Sự kiện thu hút sự tham gia của nhiều doanh nhân và chuyên gia, cùng nhau thảo luận về vai trò và tác động của trí tuệ nhân tạo (AI) trong sự phát triển doanh nghiệp và nền kinh tế số.

Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch CenGroup cho rằng AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch CenGroup cho rằng AI giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí.

Tọa đàm mở đầu bằng một câu hỏi then chốt: Liệu AI chỉ đơn thuần là một xu hướng công nghệ phát triển tự nhiên, hay đã trở thành một yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp có thể tồn tại và vươn lên trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu? Các diễn giả đều thống nhất rằng AI hiện không còn là một lựa chọn mang tính chiến lược mà đã trở thành điều kiện tiên quyết, là động lực cốt lõi giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả vận hành, tối ưu quy trình và tạo ra giá trị mới.

Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Thanh Hưng, Chủ tịch CenGroup và nhà sáng lập nền tảng AIChot.vn cho biết: “AI không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và chi phí, mà còn mang đến khả năng cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng. Tại CenGroup, chúng tôi sử dụng AI để phân tích dữ liệu thị trường, dự đoán xu hướng bất động sản và hỗ trợ tư vấn chính xác cho khách hàng. AIChot.vn là minh chứng rõ ràng rằng công nghệ có thể giúp khách hàng tìm được sản phẩm phù hợp chỉ trong vài giây. Trong kỷ nguyên số, nếu doanh nghiệp không ứng dụng AI, họ sẽ sớm bị bỏ lại phía sau.”

 Ông Nguyễn Công Thủy, CEO JobTest chia sẻ tại sự kiện

Ông Nguyễn Công Thủy, CEO JobTest chia sẻ tại sự kiện

Ở lĩnh vực nhân sự, ông Nguyễn Công Thủy, CEO JobTest nhấn mạnh tầm quan trọng của AI trong việc nâng cao chất lượng tuyển dụng và quản trị nhân tài. Ông Thủy chia sẻ: “AI đang thay đổi cách chúng ta tuyển dụng và phát triển nhân tài. JobTest sử dụng các thuật toán AI để đánh giá năng lực ứng viên một cách khách quan, giảm thiểu sai sót do yếu tố con người. Chẳng hạn, hệ thống của chúng tôi có thể phân tích hàng nghìn hồ sơ trong thời gian ngắn, từ đó đề xuất những ứng viên phù hợp nhất với yêu cầu của doanh nghiệp.” Ông Thủy cũng nhấn mạnh rằng AI không thay thế con người, mà hỗ trợ con người làm việc hiệu quả hơn, đặc biệt trong việc xây dựng chiến lược nhân sự dài hạn.

Một góc nhìn đáng chú ý đến từ ông Trần Văn Chín, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Công nghệ Arobid, đơn vị phát triển EcoHub - nền tảng thương mại điện tử B2B “xanh” đầu tiên tại Việt Nam. Ông Chín chia sẻ rằng EcoHub được xây dựng trên nguyên lý “hội nhập trước - chuẩn hóa trước - hành động trước”, với AI là công nghệ trung tâm giúp tối ưu chuỗi cung ứng trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, giao thông xanh và vật liệu bền vững. AI cho phép hệ thống phân tích dữ liệu lớn, dự đoán nhu cầu thị trường và giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Ông khẳng định, AI là công cụ không thể thiếu nếu Việt Nam muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch HUBA và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại sự kiện.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch HUBA và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại sự kiện.

Từ thực tế ngành sản xuất, ông Mai Quốc Bình, Chủ tịch Công ty Thế Giới Giấy chia sẻ về việc doanh nghiệp đã tích hợp AI vào các khâu sản xuất và dự báo thị trường. Thông qua các thuật toán phân tích dữ liệu tiêu dùng và lịch sử bán hàng, công ty có thể ước lượng chính xác nhu cầu, từ đó lên kế hoạch sản xuất phù hợp, giảm lãng phí nguyên liệu và nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo ông Bình, trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc ứng dụng AI sẽ là yếu tố quyết định để doanh nghiệp giữ vững vị thế trên thị trường.

Ông Phan Đình Tuệ, Phó Chủ tịch HUBA và Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh tại TP. Hồ Chí Minh, cho biết: “TP. Hồ Chí Minh đang tiên phong trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ cao. HUBA và Hội Doanh nghiệp Nghệ Tĩnh cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp trong việc tiếp cận AI, từ đào tạo nhân lực đến kết nối với các đối tác công nghệ.” Đồng thời, ông kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và các viện nghiên cứu nhằm kiến tạo một hệ sinh thái AI bền vững, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Các diễn giả chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện.

Bên cạnh những lợi ích to lớn, các diễn giả cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức trong việc triển khai AI, bao gồm chi phí đầu tư ban đầu cao, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng và những vấn đề liên quan đến bảo mật dữ liệu cũng như đạo đức công nghệ. Tuy nhiên, tất cả đều tin rằng đây là những trở ngại có thể vượt qua nếu các doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và nhận được sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý.

Tọa đàm khép lại bằng những thông điệp rõ ràng và quyết liệt. Ông Phạm Thanh Hưng khẳng định: “AI không còn là một lựa chọn, mà là một phần tất yếu của tương lai. Doanh nghiệp nào chậm trễ trong việc ứng dụng sẽ tự đánh mất cơ hội tồn tại.” Trong khi đó, ông Trần Văn Chín nhấn mạnh rằng Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm AI của khu vực nếu có sự đầu tư bài bản và quyết tâm từ cả chính phủ lẫn cộng đồng doanh nghiệp.

Chương trình “Trí tuệ nhân tạo – Xu thế hay bắt buộc?” đã mang đến một bức tranh toàn diện về vai trò của AI trong các lĩnh vực kinh doanh hiện đại. Những chia sẻ sâu sắc từ các doanh nhân tiêu biểu không chỉ mở ra hướng đi thực tiễn cho doanh nghiệp, mà còn truyền cảm hứng mạnh mẽ về một Việt Nam số hóa, hiện đại và bền vững.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tri-tue-nhan-tao-va-khat-vong-viet-trong-thoi-dai-so-409568.html