Định hướng cho doanh nghiệp xuất khẩu khi đơn hàng ngày càng 'eo hẹp'

Chiều ngày 8/5, Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức tọa đàm: 'Đầu tư và thương mại quốc tế trong thế giới đầy biến động - Doanh nghiệp cần làm gì?' thu hút sự quan tâm của các chuyên gia kinh tế, đại diện các hiệp hội ngành hàng...

Doanh nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, rủi ro trên thương trường quốc tế

Tại cuộc tọa đàm, các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp đều có chung nhận định, tình hình kinh tế thế giới đã và đang ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Việt Nam và hoạt động của doanh nghiệp (DN), khi xuất khẩu khó khăn, các đơn hàng giảm mạnh từ đầu năm 2023 đến nay.

Các ý kiến cho rằng, các đơn hàng giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Hải Linh

Các ý kiến cho rằng, các đơn hàng giảm mạnh từ đầu năm đến nay. Ảnh: Hải Linh

Nhiều DN cho biết, hiện đang có nhiều thách thức như nhu cầu đang giảm nhanh, khó đoán định đầu ra, số lượng, cùng đó là tình hình lạm phát toàn cầu dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao… Việc huy động vốn của doanh nghiệp đang gặp khó, từ tín dụng đến trái phiếu DN… sẽ là những tác động không nhỏ đến kinh tế đất nước và cộng đồng DN.

Trước biến động của kinh tế thế giới, để tiếp tục phát triển, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các DN cần đa dạng hóa thị trường để vượt khó khăn.

Để đối phó với nhu cầu đang giảm nhanh, các DN phải chuyển hướng không thể phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, cần phải đa dạng hóa thêm các thị trường mới.

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nêu thực tế, ngành dệt may đang đứng trước thách thức, đó là lượng hàng hóa tồn kho lớn, sức mua giảm… Do đó, để đối phó với tình hình này, các DN dệt may đã phải chuyển hướng, không thể phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, cần phải đa dạng hóa thêm các thị trường mới.

“DN dệt may đang phải tìm ra những phân khúc thị trường riêng, đặc biệt là thị trường của các nước khu vực Mỹ Latinh và châu Phi, đã có sự tăng trưởng rất nhanh đó là thị trường Trung Đông. Yêu cầu đặt ra cho DN lúc này là việc đa dạng hóa thị trường là mục tiêu mà DN phải tính đến và phải đi” - ông Giang nêu thực tế.

Cũng theo ông Vũ Đức Giang, DN Việt Nam đã và đang gặp nhiều rủi ro là phương thức thanh toán và hàng rào kỹ thuật. Thứ nhất, trong bối cảnh thị trường khó khăn, các đối tác quốc tế luôn gây áp lực, không còn đàm phán bình đẳng, thậm chí họ cũng không sử dụng phương thức thanh toán an toàn như L/C, mà yêu cầu thanh toán bằng chuyển tiền thanh toán với độ trễ từ 30-60 ngày, thậm chí đòi thanh toán chậm lên tới 90 ngày, tạo ra rủi ro cực lớn.

Khó khăn thứ hai là các thị trường thường dựng lên các hàng rào kỹ thuật một cách bất ngờ, ngay khi thấy lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam tăng đột biến. Cùng với đó, các đối tác tại thị trường phát triển như EU luôn đòi hỏi những yêu cầu khắt khe, kể cả khi DN Việt Nam chưa thể áp dụng do pháp luật chưa quy định thì các đối tác nước ngoài vẫn cắt đơn hàng…

Phát huy nội lực và vai trò của trọng tài quốc tế Việt Nam

Tại tọa đàm các DN đều nhận định sự cần thiết trong việc hỗ trợ các vấn đề về tư vấn pháp lý, tăng cường kỹ năng phòng ngừa và giải quyết tranh chấp có hiệu quả.

Đáp lại mong muốn của DN, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC cam kết, VIAC đồng hành với các hiệp hội ngành hàng vì sự phát triển bền vững của DN Việt Nam. Trong đó, ưu tiên các vấn đề về hỗ trợ trợ pháp lý, tham gia giải quyết các khiếu nại, tranh chấp trong thực hiện hợp đồng nhằm bảo vệ quyền lợi của DN Việt Nam; phối hợp thực hiện phản biện, góp ý kiến về pháp luật; phối hợp hợp tổ chức các hội thảo, tọa đàm, tập huấn trao đổi kinh nghiệm; xử lý rủi ro, tranh chấp về hợp đồng…

Ông Phan Hữu Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Linh

Ông Phan Hữu Thắng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Linh

Đứng trước khó khăn của DN hiện nay, ông Phan Hữu Thắng - nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, trước bối cảnh nhiều biến động và tiềm ẩn nguy cơ thách thức của kinh tế thế giới nói chung, các DN cần tìm hiểu rõ các thuận lợi, khó khăn để có kế hoạch, chiến lược cụ thể là cần thiết. Đầu tư có trách nhiệm với xã hội trên nguyên tắc hỗ trợ giữa các bên liên quan, bình đẳng và cùng chia sẻ lợi ích.

"Bên cạnh việc tìm ra giải pháp vượt qua các thách thức hiện nay về vốn, tài chính, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, cần chuyên sâu và nâng chất lượng sản phẩm… Để hợp tác được với nước ngoài, cần chuẩn bị sẵn các dự án cụ thể, để mời gọi hợp tác đầu tư. Nếu chưa có các dự án cụ thể, cần nâng cấp các sản phẩm hiện có của mình để có thể cung cấp tham gia được vào chuỗi sản xuất toàn cầu của các DN có vốn FDI..." - ông Thắng nêu giải pháp.

Đứng ở góc độ DN, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho hay, trong bối cảnh hội nhập, bên cạnh việc nâng cao năng lực quản trị thì DN cần nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp. Trong đó, DN cần lưu ý đến vai trò của các hiệp hội DN, để cùng với chức năng hỗ trợ DN trong việc tìm kiếm và mở rộng thị trường, phát triển kinh doanh thì hiệp hội sẽ trở thành đầu mối để tập hợp những khó khăn vướng mắc của DN, tham gia vào việc tư vấn chính sách, pháp luật và hỗ trợ giải quyết các tranh chấp, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các DN, hội viên.

Đồng quan điểm nêu trên, ông Vũ Đức Giang nhấn mạnh đến vai trò của các trọng tài thương mại, vai trò của VIAC. Ông Giang đề nghị, VIAC cần chủ động hơn trong hỗ trợ DN phòng ngừa rủi ro pháp lý khi gặp vụ việc tranh chấp quốc tế. Theo đó, VIAC cần đẩy mạnh hỗ trợ, tham gia cùng DN ngay từ khi DN đặt bút ký hợp đồng với đối tác, cho đến khâu thanh toán cũng như thông tin kịp thời về những thay đổi tại các thị trường quốc tế.

Tại tọa đàm, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VIAC đã ký kết thỏa thuận hợp tác giữa VIAC và 19 hiệp hội ngành hàng và hiệp hội địa phương tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc; trong đó bao gồm: Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Khởi nghiệp quốc gia, Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam…

Song Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dinh-huong-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-khi-don-hang-ngay-cang-eo-hep-127371.html