Định hướng nào cho thị trường chứng khoán trong thời gian tới?
Bà Tạ Thanh Bình-Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nêu những định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 - Vietnam Investment Forum 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow” vừa được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh. Diễn đàn quy tụ nhiều khách mời là chuyên gia cao cấp, CIO, CEO, CFO đến từ các quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết, công ty công nghệ cung cấp dữ liệu, cố vấn tài chính từ các ngân hàng, công ty chứng khoán, đơn vị tư vấn kiểm toán và nhà đầu tư chuyên nghiệp trên thị trường chứng khoán.
Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nêu ra những định hướng của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán trong thời gian sắp tới.
Cụ thể, 6 định hướng sắp tới gồm: Nâng hạng thị trường; tuyên truyền chính sách vĩ mô; đẩy nhanh đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán; tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ; nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát.
Theo đó, về nâng hạng thị trường, hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã trực tiếp làm việc với các thị trường quốc tế và làm việc với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm như FTSE Russell, MSCI. Tuy vậy, việc nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam cũng gặp hai khó khăn lớn đó là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch đối với các nhà đầu tư và rào cản liên quan đến sở hữu nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam. Để giải quyết vấn đề đó, không chỉ có Bộ Tài chính hay Ủy ban Chứng khoán Nhà nước làm được. Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã chuẩn bị một số giải pháp kỹ thuật trước mắt để giảm bớt, nới lỏng dù chưa nói đến câu chuyện giải quyết triệt để vấn đề này. Ngoài ra, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm việc với các ngân hàng lưu ký, các công ty chứng khoán, đặc biệt là trình bày giải pháp kỹ thuật này với FTSE Russell và họ cũng đánh giá rất cao việc áp dụng giải pháp này của Việt Nam. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang nỗ lực hết sức để triển khai sớm các giải pháp này, thông qua việc ngay lập tức sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng các giải pháp này trên thực tế.
Cũng theo bà Tạ Thanh Bình, hiện nay thị trường chứng khoán biến động do nhiều nguyên nhân khách quan, trong đó việc các nhà đầu tư bị hoang mang trước nhiều thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường. Vì thế, trong thời gian tới, giải pháp tuyên truyền về chính sách kinh tế vĩ mô sẽ được các cơ quan quản lý đẩy mạnh. Thậm chí, cần xử lý nghiêm một số vụ việc tung tin đồn, tin xấu nhằm trục lợi, gây bất ổn trên thị trường để tạo sự răn đe. Điều đó sẽ hạn chế nhiều tác động về tâm lý do tin đồn, tin giả mạo gây rối loạn trên thị trường chứng khoán
Ngoài ra, vấn đề đa dạng hóa các sản phẩm trên thị trường chứng khoán cũng được quan tâm. Theo đó, trong tháng 7/2023, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phối hợp với các Sở Giao dịch Chứng khoán và Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán đưa vào vận hành thị trường giao dịch thứ cấp đối với trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đối với thị trường phái sinh, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa mới họp và thống nhất triển khai hợp đồng tương lai đối với chỉ số VN100, việc đa dạng hóa các sản phẩm này sẽ giảm bớt tác động của rổ VN30, dự kiến sẽ thử nghiệm với các thành viên và triển khai trong quý I/2024.
Cùng với đó, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra đối với hoạt động huy động, sử dụng vốn của các tổ chức phát hành; tăng cường kiểm tra chất lượng báo cáo tài chính và hoạt động kiểm toán của các đơn vị kiểm toán, kiểm toán viên; phối hợp chặt chẽ với Hội kiểm toán viên hành nghề trong đào tạo, đánh giá chất lượng báo cáo tài chính và giám sát, xử lý vi phạm đối với công ty kiểm toán, kiểm toán viên. Từ đó, giúp nâng cao chất lượng hàng hóa khi phát hành chứng khoán ra công chúng.
Cũng theo bà Tạ Thanh Bình, hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án liên quan thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Điểm nhấn quan trọng là tăng cường phát triển các quỹ đầu tư chứng khoán nhằm cân đối giữa nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư cá nhân. Bởi theo thống kê hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân đang chiếm tỷ trọng lớn và áp đảo trên thị trường, điều này sẽ gây ra nhiều hệ lụy.
Cuối cùng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nâng cao vai trò và trách nhiệm của các tuyến giám sát, trong đó phát huy vai trò của tuyến giám sát thứ nhất là các công ty chứng khoán, ví dụ như kiểm soát việc công bố thông tin của người nội bộ trước khi đặt lệnh. Hiện, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã yêu cầu các công ty chứng khoán đưa ra giải pháp kỹ thuật để giám sát việc này, từ đó ngăn chặn sớm các hành vi vi phạm pháp luật của người nội bộ không công bố thông tin trước khi giao dịch, gây hệ lụy lớn cho thị trường chứng khoán.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 - Vietnam Investment Forum 2024 với chủ đề “Theo dấu Dòng tiền – Tracking the Cash flow” được diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng đang có những gam màu sáng tối đan xen.
Trong Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2024 các khách mời đã tập trung thảo luận chi tiết về các vấn đề mà nhà đầu tư đang quan tâm bao gồm: Định hướng phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025; kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế tác động đến dòng vốn vào thị trường chứng khoán quý IV/2023 và năm 2024; nâng cao hiệu quả đầu tư nhờ ứng dụng công nghệ mới và cơ hội đầu tư năm 2024.
Sự kiện do trang thông tin điện tử tổng hợp VietnamBiz (http://vietnambiz.vn) phối hợp với Câu lạc bộ Giám đốc Tài chính Việt Nam (CFO Việt Nam) tổ chức.