Định hướng thu hút FDI năm 2025 của Bắc Giang

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh, năm 2025, tỉnh phấn đấu thu hút vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Sản xuất thiết bị điện tử tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Nguồn: TTXVN)

Sản xuất thiết bị điện tử tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Giang. (Nguồn: TTXVN)

Để đạt được mục tiêu trên, năm nay, Bắc Giang định hướng thu hút đầu tư lĩnh vực công nghiệp là phát triển công nghiệp hướng tới mô hình “hệ sinh thái công nghiệp”, gắn kết khu công nghiệp với khu đô thị, dịch vụ có kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp; đồng thời, thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi xanh, năng lượng xanh có giá trị gia tăng lớn, công nghệ sạch và sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu; đặc biệt là các dự án trong ngành công nghiệp bán dẫn có giá trị gia tăng cao, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, Bắc Giang thu hút đầu tư phát triển ngành dịch vụ đồng bộ, hiện đại, có sức cạnh tranh và chất lượng cao, trong đó trọng tâm là dịch vụ thương mại tại đô thị và xung quanh các khu công nghiệp, dịch vụ vận tải, logistics, dịch vụ tài chính ngân hàng, du lịch (trọng tâm là du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí), dịch vụ kinh tế ban đêm, dịch vụ thể thao, văn hóa, y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và dạy nghề chất lượng cao. Từng bước đưa Bắc Giang trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, vận tải, kho bãi, logistics, thương mại, tài chính, vui chơi giải trí, trung tâm y tế, giáo dục và dạy nghề chất lượng cao của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Bắc Giang thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực chế biến, bảo quản, tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm sản chủ lực của tỉnh như: vải thiều, rau chế biến, gà, lợn, gỗ,... theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, nông nghiệp hữu cơ; phát triển sản phẩm OCOP mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế sản xuất của từng địa phương. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu, liên kết với các tập đoàn, tổng công ty, các thành phố lớn, các sàn thương mại điện tử, xây dựng các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho nông dân.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh, năm 2025, Bắc Giang tập trung thu hút FDI có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; giảm sự phụ thuộc vào các thị trường nhiều rủi ro và tiềm ẩn xảy ra tranh chấp; ưu tiên việc kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; thu hút đầu tư xanh, công nghệ cao, công nghệ phụ trợ, phương pháp quản lý, quản trị tiên tiến, tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác xúc tiến đầu tư và quản lý nhà nước đối với hoạt động xúc tiến đầu tư.

Cùng với đó, Bắc Giang xây dựng các chương trình kết nối doanh nghiệp địa phương với các chuỗi cung ứng của doanh nghiệp nước ngoài nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, giữ chân nhà đầu tư, tạo đột phá để thu hút các dự án mới. Chủ động tiếp cận, vận động linh hoạt qua các kênh khác nhau như: các cá nhân có ảnh hưởng lớn, nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, công ty tư vấn có uy tín, quỹ đầu tư và cá nhân có tầm ảnh hưởng để thu hút các tập đoàn lớn mang các dự án có chất lượng vào Bắc Giang...

Người đứng đầu các địa phương ở tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan trực thuộc, giao đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm xác định dự án thu hút đầu tư trọng tâm, trọng điểm tại địa phương: cung cấp thông tin chi tiết về hiện trạng đất đai, công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, giá đất cho thuê, hạ tầng đồng bộ (điện, nước, hạ tầng giao thông vận tải, viễn thông, logistics...); chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư đang hoạt động trên địa bàn; rà soát phát hiện các vấn đề bất cập và đề xuất bổ sung hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến quản lý xúc tiến thu hút đầu tư; phát huy hiệu quả các kênh tiếp nhận thông tin nhà đầu tư; trao đổi cung cấp thông tin, khảo sát thực địa và tiếp đón các nhà đầu tư…

Năm 2024, thu hút đầu tư của tỉnh Bắc Giang đạt kết quả khả quan với nhiều dự án đầu tư trong nước có quy mô lớn được chấp thuận, nhất là dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp và các dự án FDI mở rộng. Điều này càng khẳng định hơn nữa Bắc Giang là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư.

Tính đến hết 31/12/2024, toàn tỉnh đã thu hút được trên 2,23 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi; trong đó cấp mới 29 dự án DDI (vốn đầu tư trong nước) với số vốn đăng ký trên 20.070 tỷ đồng và 73 dự án FDI với số vốn đăng ký trên 507 triệu USD; điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án đầu tư trong nước với vốn bổ sung đạt trên 2.790 tỷ đồng và 74 dự án FDI với vốn tăng thêm là trên 782 triệu USD.

Tính riêng thu hút đầu tư FDI, Bắc Giang xếp thứ 11 cả nước. Các dự án FDI tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất, gia công các sản phẩm linh kiện điện tử, may mặc, logistics.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dinh-huong-thu-hut-fdi-nam-2025-cua-bac-giang-303224.html