Dính nhiều vụ án, VEAM vẫn lãi khủng 5.600 tỉ đồng
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam VEAM tổ chức Đại hội cổ đông, đề nghị chia cổ tức 37,3%.
Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam VEAM (mã chứng khoán VEA) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên hôm nay, 20-6, vào lúc các vụ án liên quan đến sai phạm của ban lãnh đạo cũ vừa được đưa ra xét xử.
Trong bối cảnh ấy, một số cổ đông đã đề nghị Ban lãnh đạo công ty báo cáo về những ảnh hưởng tiêu cực của các vụ án, sai phạm này tới hoạt động của VEAM.
Giải trình trước yêu cầu này, lãnh đạo VEAM thừa nhận các hoạt động điều tra, truy tố các sai phạm có ảnh hưởng nhất định hoạt động sản xuất kinh doanh, tác động không nhỏ đến tâm tư tinh thần làm việc của người lao động cũng như gây lo lắng cho cổ đông.
Trong các sai phạm này, mảng liên quan đến hoạt động cho vay, dự án sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung, việc thực hiện thỏa thuận hợp tác… đã được xét xử phúc thẩm. Còn sai phạm trong hoạt động mua bán hàng và mua sắm vật tư tại nhà máy ô tô VEAM vừa được xử sơ thẩm.
Trên cơ sở bản án có hiệu lực, VEAM đang triển khai trình tự thủ tục thu hồi tài sản thất thoát và giải quyết hậu quả pháp lý liên quan.
Để khắc phục ảnh hưởng tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, công ty hỗ trợ phối hợp với cơ quan chức năng để sớm có kết luận cuối cùng về vụ việc. Chủ động phòng ngừa rủi ro tiềm ẩn như ban hành danh mục rủi ro, xây dựng chương trình khắc phục…
VEAM đã thành lập các tổ, ban chuyên trách như tổ công tác làm việc cơ quan điều tra, ban thu hồi công nợ, tổ bán đấu giá tồn kho.
Tạm gác các yếu tố rủi ro, thiệt hại từ sai phạm của ban lãnh đạo cũ thì tình hình kinh doanh năm 2022 như báo cáo của VEAM trước Đại hội cổ đông cho thấy doanh thu ở mức 533 tỉ đồng, chỉ đạt 83% so với kế hoạch; lợi nhuận gộp về bán hàng chỉ có 37 tỉ đồng.
Với chi phí bán hàng 27 tỉ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp 165 tỉ đồng, đáng lẽ công ty sẽ lỗ nặng. Nhưng nhờ khoản doanh thu từ hoạt động tài chính lên tới 5.918 tỉ đồng nên VEAM có lợi nhuận sau thuế lên tới 5.623 tỉ đồng.
Theo báo cáo tài chính, khoản doanh thu này phần lớn là cổ tức, lợi nhuận được chia từ hoạt động góp vốn vào liên doanh, đầu tư vào công ty khác, là 5.149 tỉ đồng. Ngoài ra, 11.835 tỉ đồng tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng cũng mang lại cho doanh nghiệp này 765 tỉ doanh thu tài chính.
Đấy là chưa kể hơn 1.425 tiền gửi có kỳ hạn đang nằm ở bên liên quan tới hoạt động của VEAM.
Với lợi nhuận khủng này, Hội đồng Quản trị VEAM trình Đại hội cổ đông phương án chia cổ tức tỉ lệ 37,3%. Với số lượng cổ phiếu VEA đang lưu hành, tổng giá trị cổ tức chia bằng tiền mặt lần này sẽ khoảng 4.962 tỉ đồng.
Phần lợi nhuận còn lại chưa phân phối là hơn 600 tỉ đồng được để lại nhằm tạo nguồn dự phòng để xử lý một số nội dung tài chính liên quan đến khoản hỗ trợ vốn của VEAM đối với các đơn vị thành viên sau khi cơ quan chức năng có ý kiến.
Năm 2023, Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1.187 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế là 5.694 tỉ đồng - vẫn phần nhiều từ hoạt động tài chính.
VEAM có vốn điều lệ 13.288 tỉ đồng. Công ty được cổ phần hóa năm 2016, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp, sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô-xe máy; vận chuyển hàng hóa…
Trên thị trường, mã chứng khoán VEA đang được giao dịch mở mức giá khoảng 38.000 đồng/cổ phiếu.
TAND Hà Nội vừa đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án sai phạm bán xe ô tô giá rẻ và mua vật tư qua trung gian gây thất thoát gần 80 tỉ đồng xảy ra tại Nhà máy ô tô VEAM.
Trong vụ án này, ba bị cáo gồm Trần Ngọc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên; Phạm Vũ Hải và Nguyễn Đức Toàn - cựu Giám đốc và Phó Giám đốc Nhà máy ô tô VEAM bị tuyên án là đã bán 2.387 xe ô tô tải cho 16 đại lý theo hình thức bán hàng giảm giá với giá bán và tỉ lệ giảm giá không đúng quy định.
Ngoài ra, nhóm bị cáo còn buộc các nhà cung cấp phải bán hàng qua công ty sân sau dẫn đến thiệt hại cho Nhà nước.
Nguồn PLO: https://plo.vn/dinh-nhieu-vu-an-veam-van-lai-khung-5600-ti-dong-post738710.html