Đình Tám Mái xã Xuân Thọ
Xuân Thọ ngày nay ban đầu gọi là kẻ Đom. Đầu thế kỷ XIX gọi là xã Đam Tuyền, đến cuối thế kỷ XIX (thời vua Đồng Khánh) thì gọi là xã Lạc Thủy thuộc tổng Tam Lộng, huyện Lôi Dương, phủ Thiệu Thiên, tỉnh Thanh Hóa (theo sách 'Đồng Khánh dư địa chí', tr.1149). Qua nhiều quá trình chia, tách, có thời kỳ xã thuộc huyện Thọ Xuân, sau thuộc huyện Triệu Sơn.
Xã Xuân Thọ ngày nay gồm có 3 làng: Tam Lạc, Châu Phong và Lai Vi. Trong đó, Tam Lạc là một làng lớn, chiếm hơn nửa diện tích và dân số xã. Theo sách Thanh Hóa chư thần lục và sách Lịch sử Đảng bộ xã Xuân Thọ: Tam Lạc gắn với nhiều truyền thuyết, truyện kể và được người dân truyền tai nhau từ đời này sang đời khác: Vào thế kỷ thứ X, đây là vùng đất gần với vùng đất Bình Kiều (nay là các xã Hợp Lý, Hợp Tiến, Thọ Tiến) của sứ quân Ngô Xương Xí (cháu nội của Ngô Quyền) cát cứ nhằm khôi phục vương triều Ngô. Sau khi Đinh Bộ Lĩnh đã hợp nhất được các sứ quân, đã đem quân vào thu phục sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều. Đinh Bộ Lĩnh đã chọn vùng đất trang Đam Tuyền và cho lập đàn cầu phúc tế lễ trời đất trước khi tiến quân vào vùng đất Bình Kiều (nơi lập đàn tế sau này gọi là Cồn Phúc hay Đình Phúc). Đến triều Lý, vua Lý Thái tông (1028-1054) trên đường hành quân đánh giặc có nghỉ lại trang Đam Tuyền. Đêm đó nhà vua mộng thấy có một ông lão râu tóc bạc phơ đến báo cho biết nơi cầu cúng để thần linh phù hộ. Sáng hôm sau nhà vua đến đó thấy một cái giếng, trong đó có một bộ cốt rồng và một phiến gỗ đề hai chữ “Long Quật” (hang rồng) nổi lên. Nhà vua lập đàn tế trời đất và dẫn quân ra trận, giành thắng lợi lớn. Khi trở về, ngài lệnh cho xây dựng một ngôi miếu để thờ phụng thần, đồng thời ban tặng mỹ tự “Đương cảnh thành hoàng hiển trạc linh sàng”, gia phong là “Long Quật thượng đẳng tối linh phúc thần đại vương”. Ngoài đền thờ thần “Long Quật” thì người dân nơi đây cũng xây dựng nên các công trình kiến trúc văn hóa khác như đền thờ Bà chúa, Văn chỉ thờ Khổng Tử…
Theo các tài liệu lịch sử, đình Tam Lạc được xây dựng khoảng năm 1937. Xưa kia, đây làm nơi hội họp, tế lễ của làng Tam Lạc. Sau là trụ sở của Hương Nghiệp hội xã, rồi Ủy ban kháng chiến Xuân Thọ. Vào năm 1950, Sư đoàn 304, Đại đoàn Vinh Quang, đơn vị chủ lực của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập tại đây. Năm 1952, đình Tam Lạc là nơi tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quân... Ngoài đình chính còn có gian nhà được xây nối vào phía Bắc của đình, đây là nơi để đồ: kiệu, lọng và sắc phong của các đền thờ trong làng nên được gọi là nhà sắc, chỉ đến ngày lễ hội, các đồ này mới được đưa ra để làm lễ rước kiệu, rước các vị thần từ các đền thờ trong làng như: Thần Long Quật, Bà chúa, Cao Sơn tôn thần về đình làng để làm lễ tế trong ngày hội làng vào mùng 10 tháng 2 âm lịch.
Đình Tam Lạc không chỉ lưu giữ các giá trị văn hóa mà còn là một “địa chỉ đỏ” về truyền thống lịch sử và cách mạng. Do đó, để phát huy giá trị của di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc nghệ thuật đình Tam Lạc, năm 2016, UBND xã Xuân Thọ đã tu bổ đình và khuôn viên, tạo không gian vui chơi cho người dân địa phương; khuyến khích người dân tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại sân đình và chung tay gìn giữ, bảo vệ đình Tam Lạc. Ngoài ra, đây còn là nơi lưu giữ đồ thờ tự, bát hương của các đền trong làng đã bị phá dỡ.
Đặt chân vào khuôn viên đình, chúng ta như bước chân vào không gian quen thuộc gắn liền với đời sống văn hóa người Việt xưa, đơn giản, mộc mạc mà rất gần gũi, quen thuộc. Mái đình được thiết kế theo kiểu truyền thống với hai lớp ngói, bốn góc mái vươn dài, uốn cong, bên trên đắp hình rồng uốn lượn, đầu rồng là các chóp góc của mái đình tạo nên sự mềm mại, hài hòa.
Đình có kiến trúc vuông đều 4 mặt, quay theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc, mỗi mặt rộng 15m. Đình có hai tầng, mỗi tầng 4 mái, vì vậy nó còn có tên là đình Tám Mái. Trụ đỡ bằng 36 cột gỗ lim lớn và 6 vì kèo bằng gỗ được khớp nối với nhau theo kiểu chồng rường kẻ bảy. Điểm nổi bật ở kiến trúc dạng phương đình này chính là sự quan tâm, chú trọng nhiều đến tính kết cấu hơn là những chạm khắc mang tính trang trí. “Điều đó được thể hiện thông qua việc ưu tiên cho sự chắc chắn của bộ khung, liên kết nhau giữa tầng mái trên dưới, lực tỳ đè đi theo hệ chồng rường” (Đình làng xứ Thanh, Lê Thị Thảo (chủ biên), NXB Thế giới, 2019).
Ông Trần Hữu Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Thọ, cho biết: Với đình Tám Mái, không chỉ cấp ủy, chính quyền mà bà con cũng rất quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Đình đã được công nhận là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 1991, sau nhiều năm đình được tu bổ, tôn tạo, chống xuống cấp, đầu năm 2023, đình được UBND tỉnh cấp đổi bằng xếp hạng.