Định vị nhà báo 'số' trong kỷ nguyên AI

Trong kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI) bùng nổ hiện nay đã đặt ra câu hỏi cấp thiết về tương lai của nghề báo. Thực tế, công nghệ AI sẽ khó thay thế hoàn toàn người làm báo nhưng đòi hỏi người làm báo cần định vị vai trò để đồng hành, phát triển cùng công nghệ số.

Tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” với sự tham dự của các diễn giả và 300 sinh viên báo chí. Ảnh: Mộc Miên

Tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” với sự tham dự của các diễn giả và 300 sinh viên báo chí. Ảnh: Mộc Miên

Chủ động thích ứng với chuyển đổi số

Trước bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội chứng kiến không ít những thay đổi trong tiếp cận và truyền tải thông tin báo chí. Những tin tức thời sự được truyền tải đang dần bị AI thay thế khi công nghệ AI cho phép thu thập, xử lý dữ liệu và cập nhật thông tin nhanh chóng. Nếu người làm báo vẫn giữ cách tiếp cận làm nghề cũ sẽ khó tránh khỏi bị lỗi “nhịp” so với công nghệ số phát triển mạnh mẽ hiện nay.

Vừa qua, tọa đàm “Nhà báo là ai? Báo chí đi về đâu khi AI sáng tạo nội dung ngày càng giỏi?” do Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp cùng Câu lạc bộ Cafe Số (CFS) tổ chức, với sự tham gia của các diễn giả GS Nguyễn Đức An (Đại học Bournemouth, Anh quốc), TS Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông - SJC), ông Nguyễn Quang Đồng (Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông - IPS) đã luận bàn về cơ hội và thách thức của báo chí trong thời đại AI bùng nổ.

Theo ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông, qua đợt khảo sát 170 tòa soạn tại Việt Nam năm 2024, có 85% lãnh đạo các tòa soạn đã chủ động ứng dụng công nghệ như Google Analytics để nắm bắt thông tin độc giả, song chỉ có khoảng 35% phóng viên thực sự sử dụng các công cụ này trong hoạt động tác nghiệp hàng ngày. Chính sự chậm trễ trong thích nghi là yếu tố khiến người làm báo có thể bị loại khỏi cuộc cạnh tranh thông tin số.

Đồng tình với quan điểm này, TS Phan Văn Kiền, Viện trưởng Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông cho rằng, AI không làm biến mất nghề báo, nhưng sẽ làm rõ ai thực sự đang làm nghề. Đồng thời, việc người làm báo đồng hành cùng AI không phải là để giảm tải công việc, để thích ứng với dòng chảy thông tin liên tục thay đổi.

TS Phan Văn Kiền,Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quá trình đào tạo. Ảnh: Mộc Miên

TS Phan Văn Kiền,Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ quan điểm về ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong quá trình đào tạo. Ảnh: Mộc Miên

TS Phan Văn Kiền chia sẻ, hiện nay Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông không chỉ đào tạo sinh viên học báo ra để làm báo. Trong chương trình đào tạo, đơn vị liên tục bổ sung các kỹ năng để làm nội dung nói chung chứ không chỉ để làm báo. “Chúng tôi cũng tổ chức các lớp học về AI cho sinh viên và các lớp học này luôn được cập nhật liên tục theo sự phát triển của AI” - TS Phan Văn Kiền nhấn mạnh.

Do đó, trước sự bùng nổ của trí tuệ nhân tạo (AI), vấn đề không phải là nhà báo lo sợ AI sẽ thay thế mình, phải xác định rõ mỗi người làm báo cần làm gì để không thể bị thay thế. Việc luôn cập nhật, trau dồi kiến thức và kỹ năng mới là yếu tố then chốt để nhà báo duy trì vị thế của mình.

Một sinh viên cao học tại Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông chia sẻ, ban đầu khi mới tiếp cận AI, bạn cảm thấy lo lắng khi chứng kiến AI xử lý công việc còn tốt hơn bản thân mình. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu sâu thì nhận ra AI vẫn có những điểm yếu. Con người với khả năng phân tích và đánh giá toàn diện hoàn toàn có thể làm tốt hơn AI. Điều quan trọng là chúng ta không được sợ AI, không ngừng học hỏi và liên tục bổ sung kiến thức về AI để tận dụng điểm mạnh và tìm ra điểm yếu của công nghệ này.

Nữ sinh Vũ Thị Hải Anh, sinh viên năm thứ 2, ngành Quan hệ công chúng, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông bày tỏ, người làm báo chí truyền thông không chỉ là người đưa tin, mà phải là người cảm thấy những điều người khác bỏ qua và kể lại bằng sự khách quan, chân thực.

"Nếu ai cũng có thể trở thành nhà sáng tạo nội dung, thì chúng ta - những người học báo chí truyền thông càng cần phải là người làm chủ công nghệ, làm chủ trí tuệ nhân tạo và quan trọng nhất, làm chủ chính mình. Bởi lẽ, báo chí truyền thông ngày nay không chỉ cần làm tốt chức năng nhiệm vụ đưa tin tức đến độc giả mà còn phải nêu lên những điều chưa ai thấy, định hướng và khơi mở giá trị cho cộng đồng”- nữ sinh Vũ Thị Hải Anh chia sẻ.

AI giúp nhà báo nâng cao chất lượng nội dung

AI mang đến cơ hội lớn cho nghề báo, giúp người làm báo giảm bớt gánh nặng từ những nhiệm vụ lặp đi lặp lại như xử lý dữ liệu, kiểm tra thông tin nhanh, hay nhận dạng thông tin. Nhà báo có thể tập trung hơn vào việc sáng tạo nội dung, cung cấp thông tin sâu sắc và giá trị hơn. Đây chính là lợi thế mà nhà báo cần phát huy để giữ vững vị thế trong bối cảnh AI ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Dễ nhận thấy, AI cũng đặt ra nhiều thách thức, cạnh tranh hiện nay không còn ở tốc độ cập nhật tin tức, mà chuyển sang chất lượng thông tin. Nhà báo phải trở thành người “giải nghĩa tin”, đưa ra những phân tích, đánh giá sâu sắc mà AI chưa thể đạt được. Điều này đòi hỏi người làm báo phải không ngừng nâng cao tư duy phản biện, kỹ năng phân tích và sự nhạy bén xã hội.

Trong tương lai gần, người làm báo cần nhận thức rõ ràng, câu chuyện không phải AI thay thế hay không, mà chúng ta biết khai thác và kiểm soát AI hiệu quả hay không. Sự kết hợp giữa con người và AI sẽ tạo nên môi trường báo chí tiến bộ, đáp ứng nhu cầu cao của xã hội. Đó là hướng đi bền vững mà các các phóng viên trẻ cần quyết tâm theo đuổi.

GS Nguyễn Đức An - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông về khoa học, sức khỏe và dữ liệu (ĐH Bournemouth, Anh) đưa ra những phân tích về việc AI có thể xử lý dữ liệu và thông tin quy mô lớn, với tốc độ chóng mặt, nhưng thiếu khả năng tư duy theo bối cảnh như các phóng viên. Chưa kể, thiếu khả năng phán xét thông tin, thậm chí mang tới rủi ro các định kiến xã hội, cung cấp thông tin chưa kiểm chứng.

GS Nguyễn Đức An (Đại học Bournemouth, Anh quốc). Ảnh: Mộc Miên

GS Nguyễn Đức An (Đại học Bournemouth, Anh quốc). Ảnh: Mộc Miên

“AI không thể có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, trong tòa án, hay cuộc họp. AI cũng không thể đến thăm một gia đình đang đau buồn hay nhìn vào mắt ai đó và ngờ rằng họ đang nói dối…” - GS Nguyễn Đức An dẫn chứng.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông Nguyễn Quang Đồng, dù AI mang đến những công cụ mạnh mẽ và hiệu quả, nhà báo vẫn đóng vai trò then chốt trong việc xác minh thông tin, đảm bảo tính chính xác và đạo đức của nội dung. AI có thể tạo ra văn bản, hình ảnh, nhưng không thể thay thế khả năng tư duy phản biện, sự nhạy bén với các vấn đề xã hội và khả năng kể chuyện hấp dẫn mang đậm dấu ấn cá nhân của nhà báo.

Thông qua tọa đàm, các diễn giả cũng bày tỏ việc xác định quyền sở hữu trí tuệ đối với những tác phẩm có sự tham gia của AI, cũng như việc bảo vệ nội dung báo chí truyền thống khỏi nguy cơ bị sao chép và sử dụng trái phép bởi các hệ thống AI, là một thách thức lớn cần được các cơ quan quản lý và giới truyền thông quan tâm.

Hiện nay, trong quy trình xây dựng tác phẩm báo chí, rất nhiều phóng viên, nhà báo sử dụng công nghệ AI trong việc trích dẫn, đọc lời bình cho thể loại video, giúp tiết kiệm thời gian, mang đến nội dung nhanh chóng, hấp dẫn. Tuy nhiên, những người làm báo cũng cần trau dồi kỹ năng để kiểm soát các sản phẩm do công cụ AI tạo ra nếu sử dụng trong quá trình tác nghiệp.

Trí Đức

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dinh-vi-nha-bao-so-trong-ky-nguyen-ai-415639.html