Định vị thương hiệu, thị trường cho sản phẩm Huế - Kỳ 1: Dấu ấn của người trẻ
Thuộc thế hệ 8X, 9X hay gen Z, nhưng với sự tinh nhạy, đam mê lập thân, khởi nghiệp, biết nắm bắt cơ chế thị trường… họ đã dồn tâm sức, trí tuệ để định danh thương hiệu cho nhiều sản phẩm đặc trưng xứ Huế.


Có sở thích đặc biệt với các loại dược liệu, chị Nguyễn Thị Trà My - giáo viên ở phường Thủy Phương, TX. Hương Thủy đã ấp ủ làm các sản phẩm tẩy rửa để sử dụng trong gia đình từ các loại quả, cây cỏ thiên nhiên từ nhiều năm qua. Dẫu chưa có kinh nghiệm trong ngành tinh chế mỹ phẩm, dược phẩm, nhưng chị My đã mạnh dạn chọn rẽ sang hướng đi này để phát triển kinh tế gia đình.
Thời điểm bắt đầu khởi nghiệp, chị My định hình một dự án với 100% nguồn vốn của mình. Chị đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất các sản phẩm chủ lực về chăm sóc vệ sinh cá nhân, gia đình từ dược liệu như: Dầu gội, sữa tắm, vệ sinh phụ nữ, nước rửa chén, nước lau chùi đa năng... Nhờ có nguồn gốc từ thiên nhiên, có lợi cho sức khỏe nên các sản phẩm do chị sản xuất dần được thị trường đón nhận. Mới đây, dự án của chị My tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố tổ chức đã đạt giải 3 và sản phẩm vệ sinh, mỹ phẩm mang thương hiệu Myy Nature được chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu.

Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Lộc Mai (Công ty Lộc Mai) ban đầu chỉ sản xuất thô những sản phẩm kết tinh từ trái vả thu mua từ nhiều khu vườn ở Huế. Khi nắm bắt thị trường, ông chủ Công ty Lộc Mai mạnh dạn nghiên cứu, kết hợp từ các kết quả công trình nghiên cứu, đề tài nghiên cứu khoa học trong và ngoài địa phương về công dụng của trái vả để sản xuất các sản phẩm từ vả như trà vả, rượu vang vả…
Năm 2023, từ nguồn vốn của gia đình, cùng với sự hỗ trợ từ Chương trình khuyến công địa phương, Công ty Lộc Mai đầu tư máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất để “lên đời” cho quả vả. Minh chứng rõ nhất là từ khi áp dụng máy móc, thiết bị hiện đại, môi trường làm việc của công nhân sạch sẽ, năng suất tăng lên, sản phẩm từ quả vả được vươn ra thị trường rộng hơn.
Ông Mai Quốc Bảo, Giám đốc Công ty Lộc Mai chia sẻ, hiện nay đơn vị đã sản xuất được sản phẩm vả sấy khô thăng hoa, có thể chế biến thêm món ăn chất lượng, như vả trộn tôm thịt, vả trộn chay… được thị trường nước ngoài ưa chuộng, nhất là người Việt ở Mỹ. Bình quân, mỗi kg vả sấy thăng hoa có giá từ 4-5 triệu đồng, cao gấp đôi so với công nghệ sấy thông thường.


Trăn trở nhiều về câu chuyện cây sâm Bố Chính hiện hữu ở phía tây thành phố trên vùng đồi A Lưới, chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TNHH SBC Hoàng Gia ấp ủ một dự án khởi nghiệp để tạo ra sản phẩm rượu sâm, trà sâm nhằm giải được bài toán đầu ra vùng nguyên liệu dễ trồng không chỉ ở địa phương. Tuy nhiên, theo chị Phương, với người tiêu dùng vốn quen sử dụng các sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) lớn, có thương hiệu nên thời gian đầu công ty gặp không ít khó khăn. Thị trường chỉ dừng lại ở địa phương và những khách hàng quen thuộc. Thấy rõ “điểm nghẽn”, chị và các cộng sự bắt đầu chú trọng tìm hiểu thị trường, thông qua việc mang sản phẩm giới thiệu đến các cửa hàng, siêu thị, cũng như tham gia các hội nghị, hội chợ triển lãm quốc gia để thuyết phục khách hàng về nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Cùng với hoạt động trên, chị Phương tiếp tục đầu tư công nghệ, máy móc sản xuất. Từ đó, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia định hình các dòng sản phẩm, như: Sâm khô Bố Chính cắt lát, bột sâm Bố Chính, sâm Bố Chính ngâm mật ong… Các sản phẩm này đang được các thị trường ở Hội An, TP. Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội… ưa chuộng.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thu Hiền (Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Hichagol) chọn mô hình trồng, chế biến trà atiso đỏ ở Phong An, TX. Phong Điền sau khi rời giảng đường đại học. Ban đầu, chị chỉ trồng và kết nối thị trường để cung ứng hoa tươi. Thế nhưng, khi nắm bắt nhu cầu, thị hiếu, chị Hiền thành lập doanh nghiệp, mở rộng quy mô vùng nguyên liệu và sản xuất tinh chế các sản phẩm từ hoa atiso đỏ như: mứt, trà, nước cốt atiso đỏ… Sản phẩm làm ra được đựng trong chai thủy tinh, túi thiếc tinh sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. “Hiện nay, ở TX. Phong Điền có nhiều cơ sở, hộ gia đình trồng atiso đỏ, nhưng bán sản phẩm tươi thì nguồn thu không đáng kể. Để tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và đa dạng dòng sản phẩm, tôi tiếp tục nghiên cứu thị trường, đầu tư máy móc hiện đại và tìm kiếm sự hợp tác từ các DN chuyên về thực phẩm, tiến tới sản xuất quy mô lớn, tạo chuỗi cung ứng, tăng giá trị các sản phẩm của cây atiso đỏ. Sản phẩm từ atiso đỏ của DN được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao. Sắp đến hạn đăng ký cấp lại, đơn vị bổ sung hồ sơ thủ tục để nâng hạng sao”, chị Hiền thông tin.

Hiện nay, không riêng các sản phẩm mang nét đặc trưng của người trẻ mà ở Huế có nhiều đặc sản được khách hàng nhiều nơi ưa chuộng như: Mè xửng, nem Huế, tôm chua, trà Cung đình Huế… Vậy nhưng, để mua được sản phẩm đặc trưng, đặc sản Huế đúng chuẩn về hương vị, chất lượng thì người tiêu dùng rất khó chọn lựa. Trong khi đó, nhiều cơ sở, DN địa phương dù nỗ lực mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, nhưng vẫn chưa được người tiêu dùng biết đến nhiều.
Ông Trần Huy Cường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất, thương mại và dịch vụ HCF cho rằng: Dòng sản phẩm chủ lực của công ty hiện có, như: Vả trộn tôm thịt, vả trộn, vả luộc, mắm vả, mắm vả tôm chua mang nét đặc trưng Huế. Tất cả sản phẩm đều được sản xuất, đóng gói theo quy trình HACCP (hệ thống phân tích, xác định và tổ chức kiểm soát các mối nguy trọng yếu trong quá trình sản xuất và chế biến thực phẩm), đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Để có thị trường tiêu thụ, công ty rất cần các khâu trung gian kết nối tuyên truyền, quảng bá mạnh hơn. “Không riêng sản phẩm công ty của chúng tôi, hiện rất nhiều DN trên địa bàn mong muốn được tham gia các hoạt động hợp tác xúc tiến, kết nối giữa nhà sản xuất, cung ứng với DN, hệ thống siêu thị, nhà phân phối”- ông Cường nói.

Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại YesHue (YesHue) trở thành nhà đại diện phân phối các mặt hàng đặc sản của Huế vào các trung tâm thương mại, hệ thống bán lẻ lớn địa phương. Vậy nhưng, theo kinh nghiệm từ YesHue, để trở thành nhà cung cấp đại diện cho các nhà phân phối để đưa sản phẩm vào siêu thị không phải là điều dễ dàng. "Yêu cầu lớn nhất mà các DN phải thực hiện được là luôn thay đổi các sản phẩm, sáng tạo từ chất lượng đến hình thức mẫu mã, bao bì đóng gói phù hợp, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng phải đạt chất lượng, cạnh tranh về giá, trong khi rất nhiều sản phẩm của Huế chưa đáp ứng được các yêu cầu này...", bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc YesHue nêu thực tế.
Để giúp DN quảng bá, giới thiệu các sản phẩm đặc sản Huế, gần đây, TP. Huế tổ chức nhiều hoạt động giao thương, kết nối cung-cầu, diễn đàn để DN, nhà sản xuất, nhà phân phối… trao đổi, thảo luận về các hạn chế, tiềm năng, giải pháp để tìm đầu ra cho các sản phẩm. Qua các dịp này đã hình thành kênh trao đổi trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước, DN cung ứng, cơ sở sản xuất của các địa phương với hệ thống phân phối, siêu thị, đối tác trong, ngoài nước để mở rộng thị trường...

Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Hỗ trợ doanh nghiệp TP. Huế xác định, một trong những mục tiêu để hỗ trợ, kết nối DN, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đưa sản phẩm ra thị trường lớn là đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại. Theo đó, Trung tâm đã phối hợp, kết nối, tạo điều kiện để DN đưa các sản phẩm vào các siêu thị, giới thiệu quảng bá tại nhiều hội nghị, hội thảo; giao lưu, trao đổi giới thiệu sản phẩm với các đoàn khách quốc tế đến địa phương, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để bên mua- bên bán kết nối trực tiếp, tiết giảm chi phí trung gian, đẩy mạnh lưu thông hàng hóa, góp phần hình thành các chuỗi cung ứng bền vững...