DN bảo hiểm lớn nhất Việt Nam thoái vốn nhà nước, tập đoàn ngoại chờ thâu tóm?

Hai 'ông lớn' trong ngành bảo hiểm là BVH và PVI đã thông báo kế hoạch thoái vốn nhà nước trong thời gian tới. Việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia sâu hơn vào thị trường bảo hiểm Việt Nam.

Rục rịch thoái vốn Nhà nước

Hai DN lớn nhất trong ngành bảo hiểm Việt Nam là Tập đoàn Bảo Việt (HoSE: BVH) và Công ty cổ phần PVI (HNX: PVI) mới đây đều đánh tiếng về việc thoái vốn nhà nước trong thời gian tới.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo BVH cho biết, sẽ xây dựng kế hoạch và trình cổ đông về việc giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước từ năm 2026 trở đi.

Theo ông Nguyễn Đình An, Quyền tổng giám đốc BVH, doanh nghiệp dự kiến sẽ có phần vốn chi phối của Nhà nước (65%) đến hết năm 2025, do đó việc huy động thêm nguồn lực tài chính sẽ phải phát hành cho cổ đông hiện hữu, để cổ đông góp thêm nguồn tiền.

Được biết, kế hoạch thoái vốn Nhà nước cũng từng được BVH tiết lộ ở phiên họp thường niên năm 2023. Theo đó, ban lãnh đạo BVH cho biết sẽ xem xét giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước xuống 51% bằng cách tăng tỷ lệ góp vốn của các cổ đông khác và/hoặc phát hành riêng lẻ. Bộ Tài chính vẫn sẽ là cổ đông lớn nhất của BVH.

Hiện tại, Bộ Tài chính đang nắm giữ hơn 482,5 triệu cổ phiếu BVH, tương đương 65% vốn của doanh nghiệp này. Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nắm giữ 22,1 triệu cổ phiếu BHV, tương đương gần 3% vốn.

Với PVI, thông tin từ buổi gặp mặt các nhà đầu tư, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) sẽ thoái vốn khỏi PVI trước thời điểm cuối năm 2025.

Trước đó, Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25/10/2023 về Phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam đến hết năm 2025, PVI là một trong 7 doanh nghiệp mà PVN phải thoái vốn toàn bộ.

Tại PVI, PVN đang nắm giữ hơn 81,9 triệu cổ phiếu PVI, tương đương tỷ lệ sở hữu 35%. Đáng nói, dù nắm giữ cổ phần lớn của PVI, nhưng PVN hiện không phải cổ đông lớn nhất của doanh nghiệp bảo hiểm này. HDI Global SE, một tổ chức tới từ Đức mới là cổ đông lớn nhất của PVI, với tỷ lệ sở hữu 38,89%, tương đương nắm giữ hơn 91,1 triệu cổ phiếu PVI.

Mở đường cho khối ngoại

Không chỉ tại BVH và PVI, tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ vẫn đang duy trì ở mức khá cao. Tại Tổng công ty cổ phần Bảo Minh (HoSE: BMI), SCIC đang nắm giữ hơn 61,1 triệu cổ phiếu BMI, tương đương 50,7% vốn.

Tại Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HoSE: PGI), Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) đang đại diện cho phần vốn nhà nước với tỷ lệ sở hữu 40,95%, tương đương hơn 45,5 triệu cổ phiếu PGI.

Tại Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam (UPCoM: ABI), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đại diện phần vốn Nhà nước, nắm giữ hơn 37,7 triệu cổ phiếu, tương đương 52,93% vốn. Tại Tổng Công ty Cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (HNX: VNR), SCIC nắm giữ hơn 66,9 triệu cổ phiếu, tương đương 40,36% vốn. Vốn Nhà nước tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (HoSE: BIC) hiện tại là 51,01%, do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nắm giữ.

Theo giới phân tích, việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp bảo hiểm có thể là cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường bảo hiểm trong nước với vai trò cổ đông, đối tác chiến lược.

Được biết, lĩnh vực bảo hiểm thuộc 1 trong 59 ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhưng không giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã nới room ngoại lên mức 100%, “mở toang” cửa cho khối ngoại gia tăng tỷ lệ sở hữu như PTI, PGI, BMI,…

Sự hiện diện của khối ngoại tại các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước cũng không hề mờ nhạt. Đơn cử tại BMI, Tập đoàn Tài chính Bảo hiểm AXA (Pháp) nắm giữ 16,65% vốn. Tại PVI, HDI Global SE (Đức) nắm giữ 38,89% vốn; Funderburk Lighthouse (quỹ đầu tư của Chính phủ Oman) nắm giữ 12,61% vốn. Tại BVH, Sumitomo Life (Nhật Bản) nắm giữ 22,09% vốn. Tương tự tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (MIG), ABI, PTI, BIC, VNR,… đều có cổ đông lớn là các tổ chức nước ngoài.

DB Insurance đã nâng tỷ lệ sở hữu tại AIC lên 75%

DB Insurance đã nâng tỷ lệ sở hữu tại AIC lên 75%

Mới đây nhất, vào cuối năm 2023, đầu năm 2024, DB Insurance – tập đoàn bảo hiểm đến từ Hàn Quốc đã trở thành cổ đông lớn chi phối tại 2 doanh nghiệp bảo hiểm của Việt Nam là Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Sài Gòn – Hà Nội (BSH) và Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) với tỷ lệ sở hữu 75%. Ngoài ra, DB Insurance còn là cổ đông lớn tại PTI với tỷ lệ sở hữu hơn 37%.

Theo các chuyên gia, 2 thương vụ này cho thấy ngành bảo hiểm Việt Nam vẫn còn sức hút đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 mới diễn ra của BVH, đại diện Sumitomo Life nhấn mạnh về mong muốn đồng hành cùng doanh nghiệp bảo hiểm này với vai trò đối tác chiến lược. Nếu có các cơ hội đầu tư thêm vào BVH, Sumitomo Life cho biết sẽ quan tâm và cân nhắc.

Đối tác chiến lược này đã tích cực tham gia hỗ trợ BVH về các vấn đề định phí bảo hiểm, thiết kế mạng lưới phân phối, quản lý rủi ro và công nghệ thông tin. Năm ngoái, Sumitomo Life đã cử một chuyên gia giàu kinh nghiệm trong ngành đến hỗ trợ Tổng giám đốc của BVH.

Đầu năm 2024, phái đoàn cấp cao của Tập đoàn Talanx và HDI Global SE đã tới thăm trụ sở của PVI và nhấn mạnh rằng sẽ cùng các cổ đông của doanh nghiệp bảo hiểm này hỗ trợ PVI trên mọi khía cạnh, đặc biệt là trong vấn để quản trị và quản lý rủi ro.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dn-bao-hiem-lon-nhat-viet-nam-thoai-von-nha-nuoc-tap-doan-ngoai-cho-thau-tom-d112648.html