DN nợ thuế tại Hải quan TP.HCM 1.800 tỷ, có khoản 30 năm chưa đòi được

Theo Cục Hải quan TP. HCM, tính đến tháng 3/2024 có hơn 4.800 doanh nghiệp nợ thuế quá hạn với tổng số tiền trên 1.800 tỷ đồng.

Trong đó, có hơn 400 doanh nghiệp có số tiền nợ trên 1 tỷ đồng; có hơn 1.800 doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh hoặc ngưng hoạt động (tương ứng hơn 1.300 tỷ đồng tiền nợ); gần 200 doanh nghiệp đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (tương ứng hơn 400 tỷ đồng tiền nợ).

Hành vi vi phạm trong năm 2024 khác nhiều so với năm 2023. Nếu trong năm 2023, hành vi vi phạm chủ yếu là buôn lậu, vi phạm về kiểm soát hải quan, vi phạm sở hữu trí tuệ và hàng giả thì trong năm 2024 nhiều vụ vi phạm tập trung ở hành vi buôn lậu, buôn bán và vận chuyển hàng cấm, khai hải quan, vi phạm về thời hạn làm thủ tục hải quan. Đặc biệt, có thêm xử phạt về hành vi vi phạm về nợ, trốn thuế.

Về nợ thuế của doanh nghiệp, có những khoản nợ phát sinh từ năm 1994, 1995 của các doanh nghiệp hoạt động về loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu với số nợ lớn. Chẳng hạn, tại Chi cục Hải quan quản lý hàng đầu tư có 184 doanh nghiệp nợ thuế thuộc diện khó thu, với tổng số nợ trên 417 tỷ đồng.

Tại Chi cục Hải quan quản lý hàng gia công có 334 doanh nghiệp, với tổng số nợ trên 166 tỷ đồng… Bên cạnh đó, số nợ thuế thuộc diện khó thu phát sinh từ nghiệp vụ kiểm tra sau thông quan cũng còn khá lớn, với tổng số nợ gần 115 tỷ đồng của 67 doanh nghiệp. Thời gian qua, cơ quan hải quan áp dụng nhiều biện pháp đòi nợ thuế như trích tiền tài khoản, kê biên tài sản, ngừng sử dụng hóa đơn, tạm dừng thủ tục xuất nhập khẩu… Tuy nhiên, các giải pháp này chưa hiệu quả.

Gần đây, cơ quan hải quan áp dụng giải pháp tạm hoãn xuất nhập cảnh đối với giám đốc hoặc đại diện pháp luật của doanh nghiệp thì mang lại kết quả thu hồi nợ khá tốt. Riêng trong tháng 5/2024, các chi cục hải quan thuộc Cục Hải quan TP. HCM đã ra quyết định tạm hoãn xuất cảnh đối với 12 cá nhân là đại diện pháp luật của doanh nghiệp do nợ thuế.

Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng hóa đã không tìm hiểu chính sách mặt hàng, điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật… dẫn đến việc nhập khẩu hàng về nhưng không đáp ứng các quy định pháp luật. Nhiều doanh nghiệp còn khai báo mã số hàng hóa không đúng theo quy định làm giảm thuế số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được giảm, miễn. Có trường hợp số tiền thuế thiếu đặc biệt lớn, nếu xử phạt hành vi có thể bị xử phạt 10-20% hoặc phạt từ 1-3 lần số thuế thiếu, có thể xem xét trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật thì nếu doanh nghiệp sử dụng nguyên vật liệu, vật tư nhập khẩu vào mục đích gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì phải làm thủ tục hải quan. Tuy nhiên, có nhiều doanh nghiệp cố tình bỏ trốn, mất tích, không nộp báo cáo quyết toán tình hình sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị. Sau đó vẫn tự ý chuyển hàng hóa này tiêu thụ nội địa. Đây là hành vi vi phạm tội trốn thuế và cấu thành tội buôn lậu.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan này đã xử lý 918 vụ vi phạm, giá trị hàng hóa vi phạm ước tính 2.206 tỷ đồng, phạt tiền hơn 17 tỷ đồng.

Trần Lê

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/dn-no-thue-tai-hai-quan-tphcm-1800-ty-co-khoan-30-nam-chua-doi-duoc-d112588.html