Đô đốc Mỹ đề xuất ưu tiên số 1 là trang bị hệ thống phòng thủ Aegis Ashore ở đảo Guam
Đô đốc Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ cho rằng, hệ thống phòng thủ Aegis Ashore cần được lắp đặt ở đảo Guam và đi vào hoạt động trong vòng 5 năm để ứng phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
“Tôi cho rằng ưu tiên số 1 và hành động quan trọng nhất mà chúng ta cần làm để thực thi nhanh chóng và đầy đủ Chiến lược quốc phòng là tích hợp hệ thống phòng không 360 độ ở đảo Guam”, ông Davidson trả lời phỏng vấn tạp chí Quốc phòng mới đây.
Theo Đô đốc Philip Davidson, Mỹ muốn duy trì ưu thế về công nghệ đi trước các đối thủ trong khu vực thì cần triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis Ashore ở đảo Guam. Đề nghị này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi chính phủ Nhật Bản hủy bỏ kế hoạch xây dựng 2 hệ thống chống tên lửa này ở Nhật Bản.
Vị chỉ huy quân đội Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương cho rằng, Aegis Ashore sẽ bổ sung cho hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) hiện đang được triển khai trên lãnh thổ Mỹ nhằm bảo vệ căn cứ không quân Andersen và căn cứ hải quân đảo Guam.
Mùa hè năm 2017, Triều Tiên từng đe dọa tên lửa của họ có tầm bắn xa 3.500km, đủ để vươn tới đảo Guam. Tuy nhiên, mối quan ngại lớn hơn nhiều là Trung Quốc. Ông Davidson cho biết, hệ thống phòng không 360 độ là cần thiết để giúp bảo vệ đảo Guam khi có động thái đe dọa từ Trung Quốc trong tương lai, cho dù đó là tên lửa đạn đạo từ đất liền, hay là tên lửa dựa trên phương tiện hàng không và hàng hải.
Chính phủ Nhật Bản cho biết, họ quyết định rút kế hoạch lắp 2 hệ thống Aegis Ashore - một ở phía Bắc ứng phó với Triều Tiên và một ở miền Nam nhằm chống lại mối đe dọa từ Trung Quốc – do vấn đề chi phí. Tuy nhiên, kế hoạch này đã gặp phải sự kháng cự mạnh mẽ từ cư dân địa phương gần các địa điểm định lắp đặt.
Đô đốc Philip Davidson đang đề nghị khoản tiền 5,2 tỷ USD trong khoảng thời gian 5 năm từ năm 2021 để triển khai hệ thống Aegis Ashore ở đảo Guam. Các nhà phân tích cho rằng, đề xuất có thể được chấp thuận vì Quốc hội Mỹ nhận thấy Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương được thiết kế để chống lại việc Trung Quốc ngày càng bành trướng trong khu vực.