'Dở khóc, dở cười' vì thuế: Lỗi do đâu?
Nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất là một trong những nghĩa vụ mà người sử dụng đất cần thực hiện trong quá trình sử dụng đất. Tuy nhiên, ngay tại Thủ đô Hà Nội, không ít trường hợp lại đang 'dở khóc dở cười' vì những bất cập trong việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp này.
Như Báo điện tử VOV đã phản ánh, vừa qua, hàng loạt người dân tại Hà Nội bỗng dưng nhận được thông báo nợ quá hạn tiền thuế sử dụng đất, thậm chí còn bị phạt vì nợ quá hạn. Sau khi bài viết đăng tải đã nhận được rất nhiều phản hồi của người dân về những bức xúc trong quá trình nộp thuế này.
Nạn nhân chất độc da cam vẫn bị “đè” ra thu thuế
Ông Nguyễn Tiến Chung, ở phố Nguyễn Ngọc Nai, phường Khương Mai, Quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cho biết, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất, thửa đất của ông có diện tích sử dụng là 68m2. Ông là bộ đội Trường Sơn, sau đó được xác định mắc bệnh hiểm nghèo liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học với tỷ lệ tổn thương cơ thể 71%.
Từ 1/8/2018, ông được hưởng chế độ nạn nhân chất độc hóa học. Theo quy định tại khoản 5 Điều 10 Thông tư 153/2011/TT-BTC hướng dẫn về thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, ông Chung thuộc diện được miễn thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Do đó, sau khi có quyết định được hưởng chế độ nạn nhân chất độc hóa học, ông đã nộp đầy đủ hồ sơ lên UBND phường Khương Mai để được hưởng chế độ miễn thuế này.
Tuy nhiên, đến kỳ thu thuế đất phi nông nghiệp năm 2019, ông Chung vẫn nhận được thông báo nộp thuế đất phi nông nghiệp với số tiền hơn 92.000 đồng.
“Tôi có hỏi tổ thu thuế tại sao trước đây tôi nộp 980.000 đồng/năm, đã tách sổ chưa mà sao giờ thu như thế này nhưng bộ phận thu thuế nói chúng cháu cũng chỉ thu hộ thôi chứ cũng không biết”, ông Chung kể lại.
Đến năm 2020, bộ phận thu thuế của phường Khương Mai cho biết, trường hợp của ông Chung được miễn thuế 100%. Từ 2020-2022, ông Chung không phải nộp thuế. Tuy nhiên, mới đây, ông Chung lại nhận được giấy thông báo nộp thuế với số tiền là 532.740 đồng và 24.452 đồng tiền chậm nộp thuế.
“Nộp thuế cho nhà nước là trách nhiệm của người dân, là công dân tôi không muốn nợ thuế của nhà nước nên có thông báo nộp thuế thì tôi vẫn nộp, nhưng tôi rất bức xúc, số tiền này không nhiều nhưng nhà nước ưu đãi, cho hưởng chế độ mà bên thuế lại không cho hưởng”, ông Chung nói.
Ông Chung chia sẻ thêm, 6 năm nay, tháng nào ông cũng ra phường để nhận chế độ nạn nhân chất độc hóa học. Các đoàn thể của phường, tổ dân phố, chế độ quà tết, ngày Thương binh, tiền chế độ da cam… phường làm rất đầy đủ, chỉ có mỗi chế độ nhà nước cho hưởng về thuế thì có văn bản đầy đủ nhưng ông vẫn không được hưởng.
“Một vài năm tôi không nói nhưng tôi đã được hưởng chế độ 6 năm nay. Tôi có lên Chi cục thuế quận hỏi thì Chi cục thuế quận bảo trường hợp của tôi phải để phường có văn bản gửi lên. Tôi làm rất đúng quy trình, lấy ý kiến của Tổ trưởng tổ dân phố rồi mang lên phường, lên phường vướng mắc giải quyết không thông lại bảo lên Quận, lên Quận lại bảo về phường. Tôi gần 80 tuổi, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đi lại về việc này đến 5-6 lần, chỉ có phường với quận, 1 đoạn đường thôi nhưng cảm giác đoạn đường quá dài, người dân phải đi mãi vẫn không giải quyết được”, ông Chung bức xúc.
Người muốn nộp thuế…cũng không cho nộp
Khác với trường hợp của ông Chung, trường hợp của ông Nguyễn Ngọc Q., ngụ tại tổ 5 phường Long Biên, Quận Long Biên, TP. Hà Nội lại “dở khóc dở cười” theo một kiểu khác. Ông Q. cho biết, gia đình ông đã chuyển về địa chỉ hiện tại hơn 7 năm và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và nhà ở gắn liền với đất đứng tên ông. 7 năm qua, năm nào khi tổ dân phố thông báo nộp tiền sử dụng đất phi nông nghiệp, ông Q. cũng chủ động đến để nộp thuế, tuy nhiên, đến điểm nộp thuế ông mới biết, ông không hề có tên trong danh sách nộp thuế đất.
“Không phải chỉ riêng trường hợp nhà tôi mà có nhiều nhà trong tổ 5 Phường Long Biên cũng trong trường hợp như vậy, thấy thông báo thu tiền thuế đất thì đúng ngày, giờ ra Nhà văn hóa để nộp tiền nhưng ra lại không có tên trong danh sách nộp thuế. Chính bác đi thu tiền thuế đất cũng bị như vậy. Mọi người cũng không biết làm như thế nào. Vì năm nào tổ dân phố cũng ghi nhận và làm danh sách báo cáo lên cấp trên nhưng năm sau lại như thế, 7-8 năm nay vẫn không có tên trong danh sách thu tiền thuế đất”, ông Q. nói.
Ông Q. băn khoăn, không hiểu là danh sách thống kê không tới được cơ quan thuế Quận Long Biên, hay đã tới nhưng họ không làm nên mới có tình trạng nhiều gia đình hàng năm cứ gọi ra Nhà văn hóa nộp thuế đất, nhưng ra lại về vì không có tên? Và liệu 1 ngày nào đó, ông có bị gán cho là “nợ thuế” hay không?!
“Tiền thuế đất không đáng bao nhiêu nhưng điểm “buồn cười” ở đây là tại sao khi người ta có đất, có sổ đỏ, tại sao hệ thống lại không vào danh sách? Mà nếu không vào danh sách, bị lỡ thì cũng chỉ 1-2 lần thôi chứ 8 năm nay vẫn thế. Không hiểu là họ quản lý kiểu gì? Cần có đổi mới như thế nào chứ như thế này người dân muốn nộp thuế cũng khó quá”, ông Q. than thở.
Trách nhiệm thuộc về đâu?
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VOV về những bất cập trong việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp thời gian vừa qua, GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, nếu có thông báo nộp thuế mà người dân không nộp thì trách nhiệm thuộc về người nộp thuế, còn nếu trường hợp người dân đã làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đăng ký qua cơ quan thuế mà vẫn không nhận được thông báo nộp tiền thuế đất thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý nhà nước.
“Những trường hợp được miễn thuế và đã làm giấy đề nghị miễn thuế gửi cho cơ quan thuế thì cơ quan thuế phải xử lý trường hợp đó. Nếu cơ quan thuế không xử lý, không trả lời thì trách nhiệm là của cơ quan thuế chứ không thể phạt người ta được”, GS.TS Hoàng Văn Cường chỉ rõ.
Lý giải nguyên nhân của những bất cập này, ông Cường cho rằng, hạn chế chính hiện nay là chính chưa liên thông được cơ sở dữ liệu giữa các cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
“Khi cơ sở dữ liệu chưa liên thông thì việc cơ quan thuế chuyển sang thu thuế điện tử cũng không phát huy được tác dụng, thậm chí còn ách tắc giấy tờ. Phải có sự đồng bộ cả 2 bên, chia sẻ thông tin dữ liệu giữa cơ quan tài nguyên môi trường và cơ quan thuế. Đặc biệt, không có chuyện mua bán trao tay, nếu mua bán trao tay người ta không nộp thuế thì thông tin không được cập nhật; còn khi đã mua bán, đăng ký qua cơ quan thuế, cơ quan thuế cập nhật thông tin dữ liệu luôn thì sẽ không có tình trạng đã mua bán, đăng ký rồi mà người chủ cũ vẫn nhận thông báo thuế hoặc nhiều năm không nhận được thông báo nộp thuế”, ông Cường cho biết thêm.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, những bất cập trong việc thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp không chỉ gây khó cho người dân mà còn gây thất thoát về nguồn thu cho ngân sách nhà nước thời gian qua. Nhất là khi hiện nay, việc kê khai nộp thuế khá đơn giản, thậm chí có thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính về đất đai thông qua Cổng dịch vụ công, bằng hình thức trực tuyến.
“Tất cả các xã, phường đều có danh sách, bản đồ địa chính của xã, phường mình, không có lý do gì người sở hữu đất đai, sinh sống trên phường mình mà bộ phận địa chính lại không biết. Tuy nhiên, giữa địa chính phường và Chi cục thuế các quận không có sự liên thông nên mới có tình trạng nhiều người đứng tên quyền sử dụng đất nhưng vẫn không nhận được thông báo nộp thuế. Rõ ràng là địa chính phường và bộ phận thu thuế cơ sở ‘có vấn đề’”, ông Thịnh thẳng thắn.
Có thể thấy, người được hưởng chế độ chất độc da cam, người không có danh sách nộp thuế đều có ý kiến phản ánh đến cán bộ công chức phường và cán bộ thuế, nhưng nhiều năm qua, việc thu thuế thừa, thu "thiếu" vẫn diễn ra. Trong khi đó, các chi cục thuế áp dụng việc phạt nộp chậm thuế cũng diễn ra một cách tùy tiện, nhiều người dân phải nộp phạt nhưng không hiểu vì sao bị phạt. Liệu đây có phải là sự thiếu trách nhiệm của cán bộ thuế với người dân? Việc liên thông dữ liệu, phối hợp giữa các đơn vị của ngành Thuế và các ngành chính quyền có liên quan được thực hiện ra sao, Tổng Cục thuế, Cục thuế Hà Nội sẽ xử lý việc này như thế nào VOV.VN sẽ tiếp tục đề cập ở bài sau.
Trước đó, ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam để ngành thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống thuế. Theo đó, công tác quản lý thuế được hiện đại hóa toàn diện dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng ngành thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả.
Khẳng định phương châm “Lấy người dân và DN làm trung tâm để phục vụ”, 1 trong 10 sự kiện nổi bật của ngành Thuế năm 2022 là số hóa toàn diện công tác quản lý, giảm thiểu thủ tục hành chính thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế, từng bước chuyển đổi số một cách toàn diện. Tại lễ trao Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022, Tổng cục Thuế được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đối số xuất sắc”.
Bài viết liên quan cùng chủ đề: “Bất cập trong thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”:
Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/do-khoc-do-cuoi-vi-thue-loi-do-dau-post1041541.vov