Độ lì kinh ngạc của vi khuẩn: Nhịn đói 1.000 ngày vẫn 'khỏe re'
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PNAS cho thấy, vi khuẩn có thể sống mà không cần thức ăn trong 1.000 ngày.
Sử dụng 100 loại vi khuẩn khác nhau, các nhà nghiên cứu tới từ Đại học Indiana theo dõi sự phát triển và tồn tại của chúng theo thời gian.
Điều này cho phép họ lập mô hình và xác định vi khuẩn có thể sống sót trong bao lâu. Một số vi khuẩn trong quần thể chết từ sớm. Các vi khuẩn còn lại ăn các tế bào chết này.
Sau đó, tốc độ chết của vi khuẩn chậm lại khi chúng thích nghi với điều kiện năng lượng thấp. Nhóm nghiên cứu kết luận trong hơn 1.000 ngày, chọn lọc tự nhiên đã thúc đẩy các chiến lược sinh tồn sáng tạo của vi khuẩn.
Nghiên cứu cho thấy nhiều loài vi khuẩn có thể tồn tại trong điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều so với dự đoán của các nhà khoa học. Nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu lý do tại sao các bệnh nhiễm khuẩn thường khó chữa và cung cấp thêm thông tin về cách một số mầm bệnh có thể chống chịu các loại thuốc như thuốc kháng sinh.
"Dự đoán trên vượt xa những gì có thể đo lường, nhưng con số này phù hợp với tuổi của vi khuẩn sống thu được từ những vật chất cổ xưa như hổ phách, tinh thể halit, tầng đất đóng băng vĩnh cửu và trầm tích dưới đáy những đại dương sâu nhất", Giáo sư Jay T. Lennon - thành viên nhóm nghiên cứu cho hay.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/do-li-kinh-ngac-cua-vi-khuan-nhin-doi-1-000-ngay-van-khoe-re-ar645659.html