'Đỏ mắt' tìm lao động có tay nghề

Tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương... các doanh nghiệp đã tuyển dụng lao động từ tháng 11 để chuẩn bị cao điểm sản xuất, kinh doanh cuối năm. Đáng nói là việc tuyển dụng khó khăn cho dù thời gian qua nhiều lao động thất nghiệp.

Người lao động làm hồ sơ, thủ tục trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: Thu Ngân.

Người lao động làm hồ sơ, thủ tục trợ cấp thất nghiệp ở Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM. Ảnh: Thu Ngân.

Thông tin từ Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) TPHCM, tính đến cuối tháng 11, TPHCM đã tiếp nhận hơn 153.000 hồ sơ của người lao động thất nghiệp trên địa bàn đề nghị hưởng trợ cấp, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Tại Khu chế xuất Tân Thuận (quận 7, TPHCM), từ đầu tháng 12 tới nay, Công ty Furukawa Automotive Parts Vietnam (FAPV) rao tuyển 200 lao động chính thức làm việc theo ca. Công việc là lắp ráp bộ dây điện dùng trong ô tô. Tùy vào tay nghề, thu nhập của công nhân dao động từ 8-10 triệu đồng/tháng. Để thu hút lao động, công ty còn hỗ trợ chỗ ở, xe đưa đón, cơm trưa, cơm tăng ca miễn phí…

Tuy nhiên, hiện công ty này vẫn chưa tuyển đủ số lao động cần thiết.

Nguyên nhân chính được cho là do mức lương thấp, không đủ hấp dẫn với người lao động. Mặt khác, trước đó nhiều người lao động thất nghiệp, hoặc bị giãn việc ở khối doanh nghiệp (DN) đã phải chủ động tìm công việc khác. Trong đó nhiều người chạy xe ôm công nghệ hoặc kinh doanh trực tuyến… Dù thu nhập không cao nhưng họ cũng đã quen với công việc mới, có thu nhập theo ngày hoặc tuần.

Chị Nguyễn Thị Hoàng, bán hàng qua mạng ở quận 7 cho biết, không muốn vào DN vì hàng tháng mới được nhận lương. Thêm nữa, lại phải đi làm đúng giờ, không lo được việc nhà.

Một cán bộ Sở LĐTBXH TPHCM cho biết thêm, kể từ giữa năm, khi các DN thiếu đơn hàng, phải giãn việc thì nhiều lao động đã rời thành phố trở về quê. Nhiều người ở miền Trung, nhiều người còn ở tận vùng núi phía Bắc nên dù có nhu cầu làm việc tại TPHCM thì quay lại cũng không dễ dàng.

Từ đó phát sinh nghịch lý dù số công nhân thất nghiệp trên địa bàn lớn nhưng nhiều DN không tuyển được người, không thể mở rộng sản xuất dịp Tết. Coi như lỡ một cơ hội lớn.

Nhưng, thực tế đó không chỉ diễn ra ở TPHCM mà một số tỉnh Đông Nam bộ nơi có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất cũng gặp phải. Đại diện Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, “đỏ mắt” tìm lao động cũng khó, nhất là lao động có tay nghề. Rất khó tuyển được lao động do phần lớn người mất việc thời gian qua thuộc đối tượng lao động phổ thông, tay nghề thấp nên không đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng. Trong khi đó ở một số ngành, nhà tuyển dụng tìm kiếm người lao động có trình độ, chuyên môn.

Đáng chú ý, thời gian qua có nhiều người lao động chỉ chú trọng đến hưởng trợ cấp thất nghiệp nên chưa thực sự có nhu cầu tìm kiếm việc làm mới trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Họ chấp nhận làm công việc thời vụ hoặc lao động tự do để vừa hưởng trợ cấp thất nghiệp vừa có thêm thu nhập.

Ông Trần Quốc Bảo - Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Long An cho biết, trước đây, khi Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam (quận Bình Tân, TPHCM) cắt giảm hơn 5.700 lao động (vào tháng 5/2023) thì có 40% công nhân tại DN này quê ở Long An. Do đó, tỉnh đã chủ động đến các DN trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng công nhân để kết nối, giới thiệu việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, nhiều người không nhận việc vì họ muốn được nhận khoản trợ cấp thất nghiệp (tối đa 12 tháng).

Một khảo sát của Sở LĐTBXH TPHCM cho thấy, trong tổng số 2.500 người lao động bị cắt giảm, thì hơn 50% muốn trở về quê; gần 33% không có nhu cầu tư vấn giới thiệu việc làm và học nghề; chỉ khoảng 4% có nhu cầu học nghề và tìm kiếm việc làm và cũng chỉ 12% có nhu cầu tìm việc làm…

“Người lao động dù từng bị mất việc nhưng vẫn không mặn mà quay trở lại tìm kiếm công việc mới. Đó là khó khăn không chỉ trước mắt mà có thể sẽ là lâu dài” - theo đại diện Sở LĐTBXH TPHCM.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục - Giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm TPHCM, cho rằng mức lương tuyển dụng của DN chưa đáp ứng đúng yêu cầu của người lao động, trong khi độ tuổi của người lao động lại cao, DN cũng khó sử dụng. Đó là những vấn đề cần phải nhìn nhận thấu đáo để tìm cách tháo gỡ.

Sở LĐTBXH TPHCM cho biết, để chuẩn bị cho nhu cầu sản xuất và kinh doanh dịp Tết sắp đến, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng lao động cao, với 75.500 - 81.500 lao động; nhiều nhất là nhóm lao động lĩnh vực kinh doanh - quản lý và da giày, may mặc.

Ngọc Quang

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/do-mat-tim-lao-dong-co-tay-nghe-10268788.html