Đô thị gắn liền TOD là 'chìa khóa' phát triển đô thị của TP HCM trong giai đoạn tới
Mô hình đô thị gắn với hệ thống giao thông công cộng - Transit Oriented Development (TOD) được TP HCM đặt nhiều kỳ vọng và đưa vào thí điểm bằng các nút giao của hệ thống tàu điện trên cao, Vành đai 2, Vành đai 3,..
Xu hướng phát triển đô thị gắn với TOD là mô hình được TP HCM chủ trương làm chìa khóa phát triển không gian đô thị, đồng thời hứa hẹn tạo cú hích bứt phá cho bất động sản xung quanh tuyến Metro, vành đai. Mô hình này đặc biệt phù hợp phát triển tại TP Thủ Đức vì có 8 trên tổng số 11 nhà ga trên cao thuộc tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Cùng với Metro số 1, khu vực này cũng hưởng lợi từ các dự án giao thông trọng điểm như đường vành đai 2, vành đai 3, cao tốc TP HCM – Dầu Giây – Phan Thiết, Bến Lức – Long Thành,…
Cũng nhờ đó, trong nhiều năm trở lại đây, khu vực TP Thủ Đức xuất hiện nhiều dự án căn hộ cao tầng, văn phòng dịch vụ và kéo theo sự phát triển đồng bộ của tiện ích, hạ tầng.
Một số thống kê cho thấy, từ năm 2016 đến nay, đã có hơn 30 dự án nhà ở và các trung tâm thương mại sầm uất hiện diện suốt dọc tuyến metro này. Từ đó thu hút được một lượng lớn dân cư chuyển dịch về khu vực này sinh sống cùng nhiều nhà đầu tư đón đầu sự phát triển.
Nhận định về mô hình TOD và sự gắn kết, phát triển đô thị trước đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho rằng, mô hình này đã khuyến khích doanh nghiệp bất động sản mua lại quỹ đất 2 bên đường, phát triển các dự án tầm cỡ.
Việc khai thác tốt quỹ đất 2 bên các tuyến đường mới mở hay tại các nhà ga của các tuyến Metro tạo môi trường kinh doanh minh bạch trong đấu giá, thu hút nhà đầu tư, thành phố bù đắp được khoản tiền đã bỏ ra đầu tư hạ tầng, từ đó đem tái đầu tư ở các dự án khác. Từ đây, thị trường sẽ đón nhận nhiều nguồn cung mới từ những dự án sạch về pháp lý.
Cùng với sự phát triển của đô thị gắn liền với TOD trong thời gian qua, có thể thấy đây là “chìa khóa” để phát triển mô hình đô thị theo hướng hiện đại, đồng thời làm giải tải áp lực cho khu vực trung tâm cả về quy mô dân số cũng như giao thông. Đồng thời, việc thúc đẩy mô hình đô thị gắn với TOD cũng thiết lập mặt bằng bất động sản mới, tạo thêm nhiều sản phẩm phù hợp cho người mua nhà.
Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại, việc thiếu thanh khoản cũng đang đẩy giá nhà tại các khu đô thị "ăn theo" giao thông công cộng lên cao. Đơn cử tại TP Thủ Đức, việc phát triển đô thị vẫn tập trung phần lớn tại một số khu vực như quận 9, quận 2, đoạn dọc đường Xa lộ Hà Nội,.. Trong khi đó, các khu vực còn lại lại có rất ít dự án mới được ra mắt.
Vì lý do đó, các dự án đã nắm giữ được vị trí đẹp sát các trạm dừng của Metro đều có giá bán khá cao so với mặt bằng chung. Số liệu thống kê cũng cho thấy, giá mở bán căn hộ giai đoạn 2012 - 2016 tại khu vực này tăng mạnh ở mức 150 - 200% so với các khu vực khác. Đến nay, những dự án hiện hữu nằm dọc theo tuyến cũng tăng từ 15 - 50% so với giá bán ban đầu trong vòng vài năm.