Đô thị nén - hướng phát triển mới
Bắc Giang có diện tích khá lớn, dân số đông, là cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Hà Nội, lấy phát triển công nghiệp là một trong ba trụ cột của nền kinh tế, gắn với phát triển đô thị đồng bộ, hiện đại. Do đó, tỉnh đặc biệt quan tâm đến công tác quy hoạch và phát triển đô thị, mục tiêu đưa các đô thị trở thành trung tâm tăng trưởng kinh tế của khu vực và vùng lân cận.
Hệ thống đô thị mở rộng
Bắc Giang có diện tích tự nhiên hơn 89,5 nghìn ha, dân số khoảng 2 triệu người, mật độ dân số 463 người/km², gấp 1,5 lần mật độ dân số bình quân của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 17 đô thị các loại, trong đó, 16 đô thị có quyết định công nhận loại đô thị, gồm 1 đô thị loại II (thành phố Bắc Giang); 5 đô thị loại IV (thị xã Việt Yên; thị xã Chũ; huyện Hiệp Hòa; thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam; thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) và 10 thị trấn là đô thị loại V. Riêng thị trấn An Châu, huyện Sơn Động chưa có quyết định phân loại.

Nhiều tòa chung cư cao tầng được xây dựng tại thành phố Bắc Giang. Ảnh: Hoàng Tuấn.
Do đặc thù điều kiện tự nhiên và địa hình nên mạng lưới đô thị của tỉnh tập trung phần lớn ở thành phố Bắc Giang, thị xã Việt Yên, huyện Hiệp Hòa và Lạng Giang. Đối chiếu với tiêu chuẩn của đơn vị hành chính đô thị (tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội), các đô thị của tỉnh có diện tích tương đối nhỏ, mới có thành phố Bắc Giang bảo đảm tiêu chuẩn về quy mô diện tích để nâng cấp lên đô thị loại I (sau khi sáp nhập với huyện Yên Dũng).
Hiện toàn tỉnh có 17 đô thị các loại, trong đó 16 đô thị có quyết định công nhận loại đô thị, gồm 1 đô thị loại II (thành phố Bắc Giang); 5 đô thị loại IV (thị xã Việt Yên; thị xã Chũ; huyện Hiệp Hòa; thị trấn Đồi Ngô, huyện Lục Nam; thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang) và 10 thị trấn là đô thị loại V. Riêng thị trấn An Châu, huyện Sơn Động chưa có quyết định phân loại.
Trước thực trạng đó, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp thúc đẩy phát triển đô thị. Nhờ đó, nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển đô thị được nâng lên. Không gian đô thị được mở rộng, dân số tăng, đời sống Nhân dân từng bước nâng cao. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng đồng bộ. Kiến trúc, cảnh quan cải thiện rõ rệt và ngày càng hiện đại, hài hòa với thiên nhiên.
Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung đô thị đạt 100%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết xây dựng thành phố Bắc Giang và thị xã Việt Yên cùng đạt khoảng 85%, các đô thị còn lại đạt khoảng 43%. Hơn ba năm qua, tỉnh đã thu hút 151 dự án khu đô thị, khu dân cư với tổng diện tích đất khoảng 2,2 nghìn ha, tổng vốn đầu tư khoảng 33 nghìn tỷ đồng. Qua đó đóng góp không nhỏ vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng tỷ lệ dân số đô thị từ 21,7% (năm 2021) lên 57,13% (năm 2024), vượt 24,73% so với mục tiêu đề ra.
Định hướng phát triển đô thị mới
Bắc Giang hiện có 37 trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung tâm và cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 16 khu công nghiệp, 55 cụm công nghiệp. Mục tiêu đến năm 2030, toàn tỉnh có tổng số 29 khu công nghiệp, 63 cụm công nghiệp cùng nhiều dự án trung tâm thương mại, bệnh viện, nhà ở xã hội khác. Bắc Giang đã và sẽ thu hút thêm hàng trăm nghìn lao động, sinh viên đến làm việc, học tập, sinh sống. Tỉnh cũng được quy hoạch trở thành trung tâm kinh tế, chính trị vùng Đông Bắc, cửa ngõ Thủ đô Hà Nội. Do đó, nhu cầu phát triển nhà ở (khu đô thị, khu dân cư), trường học, hệ thống y tế, thương mại, dịch vụ rất lớn.

Phối cảnh Khu đô thị sinh thái Vân Hà (thị xã Việt Yên).
Theo đánh giá của Sở Xây dựng, bên cạnh kết quả đạt được, quy hoạch phát triển đô thị của tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế như: Tỷ lệ dân số đô thị tăng nhưng còn thấp so với bình quân toàn quốc. Thành phố Bắc Giang là đô thị tỉnh lỵ với vai trò là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh nhưng quy mô dân số chỉ đạt tiêu chí đô thị loại II, chưa đáp ứng tiêu chí đô thị loại I (từ 500 nghìn người trở lên). Phát triển đô thị trên địa bàn còn dàn trải, một số khu dân cư có quy mô đầu tư nhỏ lẻ. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung chưa đồng bộ, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Khắc phục hạn chế trên, qua rà soát cho thấy, thị xã Việt Yên đang bứt phá trong quy hoạch và phát triển hạ tầng đô thị. Tại buổi làm việc với đoàn công tác của tỉnh mới đây, đồng chí Nguyễn Đại Lượng, Chủ tịch UBND thị xã Việt Yên đề xuất tỉnh cho thị xã quy hoạch xây dựng các đô thị nén trên địa bàn và nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh.
Đô thị nén là khái niệm khá mới mẻ tại Việt Nam song nhiều nước trên thế giới như Hàn Quốc, Singapore,… đã thực hiện từ nhiều năm qua. Đô thị này được hiểu là nơi có mật độ định cư cao, diện tích nhỏ nên chủ yếu phát triển về chiều cao và không gian phía trên, có ranh giới rõ ràng với các khu vực xung quanh và đầy đủ dịch vụ.
Theo kiến trúc sư Vương Phan Liên Trang, Phó Tổng Giám đốc EnCity Urban Solutions (Giải pháp đô thị EnCity), đô thị nén có nhiều ưu điểm như: Tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; ít sử dụng xe hơi, chú trọng giao thông công cộng, khuyến khích đi bộ và xe đạp; mật độ cao, hệ số sử dụng hạ tầng cao, sử dụng đất đa dạng công năng, nhiều lựa chọn dịch vụ, có thể có các dịch vụ giá rẻ hơn nhờ tính tập trung và hiệu quả; kiến trúc linh hoạt, không gian đa dạng, các tòa nhà cao tầng được quy hoạch bài bản.
Với những ưu điểm của đô thị nén và căn cứ vào tình hình thực tế, ngày 9/4 vừa qua, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện định hướng mới về phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh phát triển một số khu đô thị nén, các khu đô thị hạ tầng đồng bộ gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; ưu tiên phát triển các đô thị theo hướng sinh thái, thông minh, hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ logistics, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế thương mại, kinh tế đêm,...
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Sở đang rà soát, đánh giá cụ thể các nội dung tham mưu, đề xuất thực hiện, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật và phù hợp với định hướng mới về phát triển đô thị. Các cơ quan, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, thông tin công khai, minh bạch chủ trương của tỉnh để các nhà đầu tư, doanh nghiệp và Nhân dân hiểu, chia sẻ, thống nhất với chủ trương, định hướng mới về phát triển đô thị của tỉnh.
Với định hướng đúng, sự tập trung thực hiện của các sở, ngành liên quan, sự đồng thuận của Nhân dân, kỳ vọng sau khi sáp nhập hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, trên địa bàn sẽ có nhiều đô thị nén, đô thị hiện đại, văn minh được hình thành. Qua đó góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh và vùng lân cận ngày càng phát triển đồng bộ, bền vững.
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/do-thi-nen-huong-phat-trien-moi-postid416964.bbg