Đô thị Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã ký Quyết định số 795/QĐ-TTg ngày 5/8/2024 công nhận đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đạt tiêu chí đô thị loại I.
Đô thị Thanh Hóa bao gồm thành phố Thanh Hóa và huyện Đông Sơn
Theo Quyết định, phạm vi đô thị Thanh Hóa gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Thanh Hóa hiện hữu và huyện Đông Sơn hiện hữu có tổng diện tích tự nhiên khoảng 228,21 km2. Cụ thể ranh giới, phía Đông giáp thành phố Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa; phía Tây giáp huyện Triệu Sơn, huyện Thiệu Hóa; phía Bắc giáp huyện Hoằng Hóa, huyện Thiệu Hóa; phía Nam giáp huyện Quảng Xương, huyện Nông Cống.
Khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 30 phường hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa, 2 xã thuộc thành phố Thanh Hóa dự kiến thành lập phường (gồm các xã: Hoằng Quang và Hoằng Đại), 1 thị trấn và 1 xã thuộc huyện Đông Sơn dự kiến thành lập phường (gồm thị trấn Rừng Thông và xã Đông Thịnh) có tổng diện tích tự nhiên là 147,627 km2.
Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 2 xã hiện hữu thuộc thành phố Thanh Hóa (gồm các xã: Đông Vinh và Thiệu Vân) và 12 xã hiện hữu thuộc huyện Đông Sơn (gồm các xã: Đông Văn, Đông Tiến, Đông Khê, Đông Hoàng, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Minh, Đông Thanh, Đông Phú, Đông Nam, Đông Quang) có tổng diện tích tự nhiên là 80,587 km2.
Xây dựng trung tâm của các trung tâm động lực tỉnh Thanh Hóa
Theo Quyết định số 259/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040, quy mô dân số hiện tại của đô thị khoảng 440.000 người, dự báo đến năm 2030 khoảng từ 780.000 đến 800.000 người, đến năm 2040 khoảng 1.000.000 người.
Về quy mô đất xây dựng đô thị, đất xây dựng đô thị hiện trạng khoảng 7.634ha, chiếm khoảng 7.634 ha, chiếm khoảng 34% tổng diện tích tự nhiên toàn đô thị; đến năm 2030, đất xây dựng đô thị khoảng 11.181 ha, chiếm khoảng 49% tổng diện tích; đến năm 2040, đất xây dựng đô thị khoảng 14.019 ha, chiếm 61% tổng diện tích.
Mục tiêu phát triển của tỉnh là xây dựng và phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành địa phương dẫn đầu cả tỉnh trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa để phát huy vai trò, vị thế của tỉnh Thanh Hóa là một “cực tăng trưởng mới trong tứ giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh - Thanh Hóa”; một trong những trung tâm lớn về thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, văn hóa, khoa học, giáo dục - đào tạo, y tế, thể thao của vùng nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, vùng Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc nước Lào; đồng thời là nơi thu hút, đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực ổn định, chất lượng cao cho cả nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, xây dựng Đô thị Thanh Hóa là đô thị tỉnh lỵ, trung tâm tổng hợp của tỉnh Thanh Hóa, đáp ứng vai trò là “trung tâm của các trung tâm động lực tỉnh Thanh Hóa”, đảm nhận các chức năng chính về dịch vụ cao cấp, nhân lực trình độ cao và nhà ở đô thị. Liên kết với Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng hình thành trụ cột về công nghiệp của tỉnh, trong đó tại Đô thị Thanh Hóa chủ yếu là công nghiệp ứng dụng công nghệ cao hỗ trợ cho công nghiệp chủ lực tại Khu kinh tế Nghi Sơn và Khu công nghiệp Lam Sơn Sao Vàng, đồng thời tạo ra các sản phẩm khác có giá trị gia tăng lớn hướng tới xuất khẩu, có thị trường tiêu thụ ổn định.