Đô thị TP Thanh Hóa đổi thay từ các khâu đột phá
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015 – 2020, với tinh thần đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, TP Thanh Hóa đã hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Những bước phát triển nhanh, mạnh của TP Thanh Hóa đã và đang mang lại niềm tin, đáp ứng sự kỳ vọng của mỗi người dân.
Diện mạo đô thị TP Thanh Hóa được tô điểm bởi những công trình khang trang, hiện đại.
Bám sát phương hướng, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và triển khai tổ chức thực hiện ngay 4 chương trình trọng tâm, đó là: Phát triển dịch vụ, trọng tâm là dịch vụ du lịch; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và mở rộng không gian thành phố theo quy hoạch; xây dựng “đô thị văn minh - công dân thân thiện”; phát triển công nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện 2 khâu đột phá, gồm: Khâu đột phá về cải cách thủ tục hành chính; khâu đột phá phát triển hạ tầng đô thị.
Ấn tượng về TP Thanh Hóa hôm nay không chỉ là nhịp sống sôi động mà còn là những công trình hạ tầng, các khu đô thị mới hiện đại. Với vị trí trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội của tỉnh, thực hiện khâu đột phá, TP Thanh Hóa đã tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại. Với quyết tâm cao, giai đoạn 2016 – 2020, thành phố đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp 154,4 km đường giao thông nội thị, 239 km cống, rãnh tiêu thoát nước, hạ ngầm 81 km đường điện chiếu sáng, 148 km cáp viễn thông; nâng cấp, lắp đặt 165 trạm biến áp và 119,5 km đường dây điện; cải tạo nâng cấp và nâng cao hiệu quả sử dụng hệ thống công viên, quảng trường, hồ nước, vườn hoa công cộng. Đến nay 100% đường giao thông trên địa bàn thành phố đã được nhựa hóa, bê tông hóa, tạo sự kết nối giữa các khu đô thị, cũng như kết nối nội thị. Bên cạnh việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng tuyến đường Voi - Sầm Sơn, Đại lộ Nam Sông Mã, nhiều tuyến giao thông quan trọng khác trên địa bàn thành phố như: Đường tránh phía Tây, Đại lộ Đông - Tây cũng đã được đầu tư, góp phần tăng khả năng kết nối và phát triển thành phố theo hướng Đông – Tây. Song, tạo điểm nhấn hơn cả phải kể đến Trung tâm thương mại Vincom và các shop house Khu dân cư phường Điện Biên, dự án Vinhome star city Thanh Hóa, Khu đô thị Đông Hải, Khu đô thị Núi Long, Trung tâm hành chính thành phố,... đã tạo cho bộ mặt đô thị thay đổi nhanh chóng, trở thành điểm nhấn đẹp về kiến trúc và cảnh quan, đồng thời tạo ra giá trị mới trong phát triển. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố cũng đã và đang triển khai đầu tư xây dựng 11 khu nhà ở xã hội; từng bước hoàn thiện hạ tầng các mặt bằng dân cư, mặt bằng tái định cư dang dở kết hợp với tổ chức lại cuộc sống cho người dân. Song song với đó, cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị từ thành phố đến phường, xã đã vận động nhân dân, cơ quan, đơn vị, tổ chức xã hội được trên 65,7 tỷ đồng và hiến hơn 50.000m2 đất để đầu tư xây dựng nhiều công trình công cộng, phúc lợi xã hội, mở rộng đường giao thông. Đến nay, hệ thống hạ tầng đô thị ngày càng hoàn thiện, từng bước đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm cho bộ mặt đô thị thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại.
Cùng với thực hiện tốt phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, khâu đột phá về cải cách thủ tục hành chính được thành phố triển khai hiệu quả, từng bước hướng tới xây dựng nền hành chính kiến tạo, phục vụ nhân dân. Với nhiều giải pháp phù hợp, như: Cải cách bộ máy, đổi mới trong điều hành ngân sách, cải cách thủ tục hành chính, kiện toàn và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại thành phố và phường, xã, TP Thanh Hóa đã rút ngắn thời hạn giải quyết bình quân đối với thủ tục hành chính cấp thành phố là 35,2%, cấp phường, xã là 30%. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bãi bỏ nhiều thủ tục không còn phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi hồ sơ công việc, quản lý tài chính công, đáng chú ý là việc thí điểm phòng họp không giấy, xin lỗi người dân qua tin nhắn điện thoại khi chậm trễ hồ sơ hành chính. Hiện nay, tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính trực tuyến mức độ 3 tại UBND thành phố đạt 56,3%.
Những kết quả trong thực hiện chương trình trọng tâm phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ và mở rộng không gian thành phố theo quy hoạch, cùng 2 khâu đột phá về phát triển hạ tầng đô thị, cải cách thủ tục hành chính đã tác động tích cực tới sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố, nhất là đóng góp vào việc thực hiện thắng lợi nhiều chỉ tiêu quan trọng, toàn diện mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra.