Đóa xuân giữa miền xanh thẳm
Bạn văn nhắc, lên biên giới đi, hoa rừng đã thơm đến từng khe núi... Những thiếu nữ vừa giặt vải bên suối, vừa ríu rít đùa giỡn, khách lạ chợt nhận ra, mắt đàn bà con gái miền này thật đẹp. Mỗi lần lên mạn ngược, hễ gặp dòng sông, con suối như thế, thể nào tôi cũng dõi mắt tìm hoa mộc miên. Dường như, chỉ giữa đại ngàn, muôn màu hoa đỏ mới đạt đến độ sắc nét, hư ảo, hệt ai đó cầm cọ vẩy lên tấm toan xanh thẳm.
Anh bạn đồng nghiệp, cũng là "thổ địa" vùng này nhận nhiệm vụ chở tôi du xuân bằng xe máy. Dọc đường, tôi nhắc tên những loài hoa trong tác phẩm của các bạn văn, nhờ anh chỉ giúp. Nào "Rừng mã sa hoa đỏ" của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, "Đồi lau sau hoa tím" của nhà văn Nguyễn Phú… Anh bạn cười, giọng rủ rà rủ rỉ: "Mình ở biên giới bao năm, hoa tím hoa đỏ thì ngút ngàn, nhưng mã sa với lau sau thì tịnh chưa được biết. Có lẽ các nhà văn gọi theo tiếng phiên âm từ ngôn ngữ của bà con dân tộc, hoặc biết đâu, họ sáng tạo thêm…".
Nói đoạn, anh dừng xe, chỉ về phía một vạt đồi màu tím nhạt. Hoa lau đấy. Nhưng là loài lau tím. Không phải "chập chờn lau trắng trong tay" như nhạc Trịnh đâu. Ấy có khi là "lau sau hoa tím" chăng? Chiếc xe lại băng băng, bỏ lại sau lưng vạt đồi đang tím dần trong sương sớm. Trước mắt chúng tôi, cạnh dòng chảy xanh lơ, mảnh mai như sợi chỉ dưới bóng rừng già đang loáng thoáng màu mây. Bức tranh thật hoàn hảo và kì diệu.
Mùa xuân ở cực Bắc Tổ quốc
Tôi đi nhiều nơi, và biết bao mùa hoa trượt trôi vào hoài niệm. Riêng mùa hoa xuân bừng sáng núi rừng thì lúc nào cũng một cảm giác như tất thảy mới vừa nở ra, nguyên sơ tựa mây ngàn. Giữa mùa xuân biên giới, tôi cứ thích đứng dưới gốc những cây mận mốc thếch địa y, mở ra trước mặt là ruộng đồng, sau lưng là nhà sàn, và gió, cơ man gió thổi qua từng tán cây ràn rạt, lao xao... Mận đang đơm hoa, bật chồi, cuống quýt chạy đua với rét mướt và sương muối.
Bao lần đi rồi trở lại với bản làng, tôi vẫn mê say đứng đó, cảm nhận được trong lá cành muôn tiếng râm ran. Cảnh tượng mang đến cho tôi cảm giác mơ hồ, rằng một lần nào đó trong đời, tôi đã đặt chân tới rồi, cũng đứng dưới gốc những cây mận ấy, cũng nghe gió thổi và chim muông ríu rít... Nắng làm ấm sương, đất trời vừa mịt mùng đã lại tan loãng, tỏa rạng.
Trong vườn của người Mông vùng biên giới, từng luống mía xương gà ngả vàng, đốt ngắn tũn và mập mạp, đơm vào hình dung vị ngọt lựng, mềm rụm giữa hai hàm răng tưởng chỉ còn trong ký ức ấu thơ. Trẻ nhỏ xúng xính áo xanh, váy đỏ, túm tụm nhìn khách lạ từ xa, vừa cười, vừa bẽn lẽn, thơ thẩn.
Mỗi mùa xuân trở lại với núi rừng, trong tôi luôn dấy lên cảm giác khá chậm rãi, rõ ràng về sự ấm dần của lòng đất. Xứ non cao, hoa như thể những đám mây, lửng lơ kéo từ khoảnh rừng này qua chân đèo nọ, lắm khi tưởng sà xuống tận vai người. Chẳng biết có phải bởi không khí lạnh ẩm quyện với nồng nàn mà không khí cứ dịu lắng, mơ hồ như khói tỏa. Nơi đó, tôi cứ mải miết nghĩ về nỗi nhớ dệt trong miền thổ cẩm, những hoa văn mang linh giác con người.
Vượt đèo cao, dốc thẳm, mãi rồi cũng gặp những khúc quanh duyên dáng thắt eo, chậm rãi buông chùng như vạt áo chàm. Có lúc, tai cũng ù đi, gáy lạnh, nhưng mây đã kịp vỗ về. Mây biên viễn ấm như khói bếp nhà bạn, quấn lấy người, ôm lấy núi. Hầu hết những mái nhà đều xanh rêu. Lớp rêu từ năm này qua năm nọ tốt bời bời, sục tay vào cũng lại thấy ấm như tấm chăn trời đất, núi rừng đã ủ sẵn, đắp cho những mái nhà bốn mùa ẩn mình trong sương khói, gió mây. Nhiều người vẫn bảo, màu xanh trên những mái nhà nơi đây thường gợi cảm giác buồn bã và tiếc nuối. Riêng tôi lại không hề có cảm giác ấy.
Tôi gặp niềm thương mến, bao dung và che chở thật gần kề, ấm êm, thanh thản. Trong màu xanh nõn nà của rêu non, màu úa vàng của lớp rêu già đang héo dần và bong tróc, có hơi ấm của núi rừng, của trời mây và chính không khí tỏa ra từ mỗi mái nhà. Mái nhà mà cả bản làng đã chung tay đỡ đần nhau từ thuở nghèo nàn, khốn khó. Không ai thuê mướn, mua bán gì cả, hễ nhà nào dựng nhà, khắc cả bản kéo sang làm mái. Mái nhà càng chặt, tình nghĩa càng bền. Người đi cắt lá cọ về phơi, người chuốt cái nọ, người gõ cái kia, mấy chốc mà nên mái ấm.
Từ bản xuống chợ xuân, có phở Tráng Kìm tráng bằng bột gạo nguyên chất, không tẩy màu, từng bánh trắng nõn vắt vẻo trên sào trúc đang bốc hơi nóng hổi được bà chủ dỡ xuống thái đều tay. Chan nước dùng, xếp thịt gà bóng vàng và hành mùi xanh nõn lên thành món thứ thiệt. Ai ngật ngưỡng say rồi, nửa đêm ra hàng cháo ấu tẩu, cái vị nhần nhận đắng, ngòn ngọt đẩy lên từ xa sâu như thang thuốc hữu hiệu làm dịu cơn say rượu, từ tốn dẫn dụ ta bằng một men say khác, êm như ru, khiến ta yêu cả góc hàng quán nhỏ nhắn kề bên lúc lỉu những măng tươi, nấm hương, rau rừng.
Một nhóm phụ nữ người Dao chào mời dược liệu: "Mua đi, mua đi, tốt lắm, tốt lắm!". Sợ khách hồ nghi, những đôi tay lam lũ vặt ngay vài củ này, dăm cành nọ… dúi vào tay khách lạ: "Mang về dùng đi, tốt thì quay lại". Nhưng cả người bán và khách vãng lai đều không biết ngày nào gặp lại nhau.
Cảnh tượng ấy ở miền xanh thẳm này khiến tôi nhớ cách đây vài năm, cũng vào những ngày cuối năm, giáp Tết, tôi đã đến xã Thu Lũm, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu - một xã cực Bắc của Tổ quốc, phía Tây và Bắc tiếp giáp với biên giới Trung Quốc. Biên ải rét căm căm, mười giờ sáng sương vẫn quánh đặc chưa tan, mặc đủ áo ấm rồi toàn thân vẫn buốt thun thút. Hàng đào trong khuôn viên Đồn biên phòng Thu Lũm cây nào cây nấy mốc bạc đang bật nụ, đơm hoa. Nhìn kỹ từng mắt lá, nụ bông mới cảm nhận hết vẻ đẹp bền bỉ, huyền bí và kiêu hãnh của núi rừng.
Anh lính biên phòng người Mông hồ hởi: "Đây là cây đào mình trồng, nếu chị thích, cứ mang về xuôi". Thấy tôi im lặng, người lính thuyết phục: "Mình nói thật mà! Cây thì trồng lại được chứ người về xuôi rồi khó lên đây lắm! Cứ nhìn vào mắt nhau là biết thôi...". Câu nói ấy khiến tôi cay mắt.
Sau mỗi chuyến du xuân lên với miền biên viễn, khi trở về tôi thường viết được một chút gì đó, bắt đầu từ những cơ duyên gặp gỡ trong đời, những lời động viên mộc mạc: "Đồng bào chờ đợi lắm", ánh mắt và câu nói của mọi người cứ mãi ngời lên, trong veo như trẻ nhỏ.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/doa-xuan-giua-mien-xanh-tham-i642782/