Đoạn camera ghi lại khoảnh khắc khiến cõi mạng hãi hùng, một em bé sơ sinh nằm vẫy vùng trên giường ngủ

Toàn bộ diễn biến tình huống khiến hội phụ huynh thót tim.

Chăm con sơ sinh, vài giây lơ là thôi cũng có thể dẫn đến rủi ro khiến bố mẹ hối hận. Thực tế đã có nhiều sự cố xảy ra, và nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần cũng như thể chất của bé. Điển hình như đoạn camera ghi lại toàn bộ diễn biến khiến cõi mạng xứ Trung hãi hùng, khi một em bé sơ sinh nằm vẫy vùng trên giường ngủ.

Cụ thể, lúc này đứa trẻ chỉ có một mình trong phòng mà không có sự giám sát của bố mẹ. Có lẽ là sau khi vừa ngủ dậy, hoặc trong lúc nằm chơi, em bé đã vô tình để chăn quấn vào người, phủ lấp cả mặt dẫn đến tình huống bị ngạt.

Vì khó chịu nên nhóc tỳ đã vẫy vùng nhưng càng quơ tay múa chân thì chiếc chăn quấn càng chặt và rối rắm hơn, rất may mắn là vài giây sau đó anh trai của cậu bé đã kịp thời vào phòng và nhìn thấy cảnh tượng nguy hiểm này nên đã nhanh chóng leo lên giường “ứng cứu” em trai.

Sau khi đoạn video được đăng tải, cõi mạng không khỏi thót tim khi theo dõi diễn biến. Nhiều phụ huynh lên tiếng chỉ trích, bày tỏ sự phẫn nộ đối với cách chăm con sơ sinh chủ quan của bố mẹ em bé. “Trộm vía” vì nhờ có anh lớn mà cậu em thoát khỏi tình huống nguy kịch, nếu không bố mẹ đứa trẻ chắc chắn sẽ đối diện với nỗi đau và sự hối hận đến suốt cuộc đời.

Từ sự cố trên, có thể thấy không phải việc đặt con nằm trên giường nghĩa là bé đã được an toàn tuyệt đối. Chính vì thế, các bậc cha mẹ cần chú ý khi cho con nằm ngủ hoặc chơi trên giường/cũi:

1. Nệm phải vừa với khung giường/ga trải giường phải vừa với nệm

Tốt nhất là nệm và khung giường (bao gồm cả nôi) phải vừa khít với nhau. Khoảng cách quá lớn có thể khiến nệm bị trượt, hoặc có thể khiến nệm đè lên bé gây nguy hiểm, hoặc có thể khiến bé bị đè trực tiếp xuống gầm giường gây khó chịu.

Ga trải giường cũng phải vừa vặn với nệm hoặc đảm bảo bề mặt phải nhẵn và không có nếp nhăn để tránh nguy cơ vướng víu do ga trải giường lỏng lẻo. Bản thân chiếc nôi phải được kiểm tra kỹ lưỡng.

2. Tránh treo đồ chơi phía trên giường/cũi

Để tránh tình trạng đồ chơi bị rơi hoặc bị bé kéo rơi gây ảnh hưởng đến sự an toàn, đặc biệt là vào ban đêm khi bố mẹ không kiểm soát hết được.

3. Tránh đặt giường/cũi trẻ gần đèn ngủ hoặc rèm cửa

Bất kỳ đồ vật nào cũng phải được đặt cách xa nơi bé ngủ, và giường/cũi của bé cần phải xa cửa ra vào để tránh trường hợp tay bé vô tình bị kẹt vào cửa.

4. Tránh đắp quá nhiều hoặc quá nặng cho bé

Đối với trẻ sơ sinh, chuyên gia tâm lý lâm sàng Wu Jiashuo cho rằng chỉ cần nhiệt độ thích hợp, trẻ có thể mặc khăn quấn, đồ lót hoặc đồ ngủ vừa vặn khi ngủ, tránh nguy cơ đắp quá nhiều hoặc quá nặng chăn lên người trẻ.

Nếu cần dùng chăn, chuyên gia khuyên bố mẹ nên dùng chăn "chống đá" có thể cố định vào người em bé hoặc thanh chắn ở chân chăn có thể cố định một đầu chăn để tránh chăn che miệng và mũi em bé.

5. Tránh buộc núm ti giả vào bé bằng dây

Làm như vậy có thể dễ dàng gây thương tích cho tay hoặc cổ bé. Ngoài ra, tránh sử dụng quá nhiều đồ trang trí như ruy băng hoặc dây trên quần áo. Chiều dài của đồ trang trí ít nhất phải ngắn hơn chu vi cổ của em bé.

Một số nguyên nhân khác khiến trẻ sơ sinh dễ bị ngạt khi ngủ?

- Sử dụng gối, chăn, mền quá dày: Những vật dụng này có thể che phủ mũi, miệng trẻ, cản trở quá trình thở.

- Nhiệt độ phòng quá nóng: Nhiệt độ cao gây mất nước, khó thở cho trẻ sơ sinh.

- Đặt trẻ ngủ trên nệm mềm, lún sâu: Nệm quá mềm có thể khiến trẻ bị ép, chặn đường thở.

- Để trẻ ngủ chung với người lớn: Trẻ sơ sinh dễ bị đè, lấn khi ngủ chung với người lớn.

Để tránh nguy cơ con bị ngạt, bố mẹ cần đặc biệt lưu ý đến môi trường và tư thế ngủ an toàn cho trẻ sơ sinh. Nếu phát hiện con có bất kỳ dấu hiệu khó thở nào, nên đưa đến bác sĩ kiểm tra càng sớm càng tốt.

Theo Phụ nữ và Pháp luật

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/doan-camera-ghi-lai-khoanh-khac-khien-coi-mang-hai-hung-mot-em-be-so-sinh-nam-vay-vung-tren-giuong-ngu-15876.html