Video vợ nhắn chồng 'thấy đau quá, ông hãy đi đi' khiến nhiều người nhói lòng
Bên giường, người phụ nữ vừa bóp tay cho chồng vừa nhắn nhủ những lời yêu thương mà cũng quá đỗi đau lòng. Khoảnh khắc đó, nhiều người đã rơi nước mắt.
Đoạn video quay lại khoảnh khắc người vợ nắm tay chồng trên giường bệnh thu hút sự quan tâm đặc biệt của dân mạng những ngày qua.
Đoạn video khiến người xem nhói lòng. Nguồn: NVCC
“Bà thương ông nhất. Bà nói với ông ‘nếu thấy đau quá ông hãy đi đi’”, dòng chia sẻ bên dưới đoạn video khiến người xem nhói lòng.
Nhìn hình ảnh người vợ vừa nặn, bóp tay cho chồng, vừa thủ thỉ với chồng những lời gan ruột khiến nhiều người xem cảm thấy xúc động.
Video thu hút 1,4 triệu lượt xem cùng hàng nghìn lượt “thả tim” trên TikTok. Dân mạng để lại nhiều bình luận như:
“Dù không nỡ buông tay nhưng nhìn người thân quá đau đớn vẫn muốn họ được giải thoát. Đó là tận cùng của tình thương yêu”; “Mình cũng từng ước cho ba mất sớm vì thấy ba đau đớn quá. Lời nói tưởng vô tình thực ra lại là lời yêu thương chân thành nhất”; ...
Theo tìm hiểu, người đăng tải đoạn video xúc động là Nguyễn Văn Đức (SN 2002, quê Bắc Ninh). Xuất hiện trong video là ông bà ngoại của Đức, ông Cư (74 tuổi) và bà Hồng (74 tuổi, hiện sống tại Bắc Ninh).
Đoạn video được Đức quay vào đúng ngày sinh nhật 74 tuổi của ông Cư (ngày 10/5), khi ông nằm liệt trên giường. Sau đó 2 ngày, ông Cư đã rời xa cõi đời.
“Hôm ấy, ông tôi yếu quá rồi, không nói được nữa. Bà ngồi cạnh vừa nặn, bóp tay cho ông, vừa thủ thỉ ‘tôi hỏi gì thì ông cứ gật hoặc lắc đầu cho tôi biết nhé. Ông đau quá thì ông cứ đi đi nhé. Tôi và các con cũng đau lòng nhưng thấy ông đau đớn thế này, mẹ con tôi còn thấy đau hơn’.
Nghe bà nói câu ấy, tôi trào nước mắt nhưng phải lén lau đi vì sợ bà thấy lại đau lòng hơn nữa”, Đức ngậm ngùi.

Hình ảnh khiến chàng trai Bắc Ninh trào nước mắt. Ảnh cắt từ clip
Chứng kiến cảnh ông bà bịn rịn, quyến luyến nhau, Đức càng hiểu rõ hơn về tình nghĩa vợ chồng. Anh thương ông ngoại nhưng càng thương bà nhiều hơn, vì bà đã mất đi chỗ dựa vững chãi nhất của cuộc đời.
Đức cho hay, ông ngoại anh được phát hiện mắc bệnh ung thư từ tháng 10/2024. Ông kiên quyết không phẫu thuật, mà chỉ chấp nhận điều trị, uống thuốc tại nhà. Với sự chăm sóc tận tình của vợ và các con, ông đã có thời gian đầy lạc quan.
Từ tháng 3/2025, bệnh tình của ông trở nặng. Ông không thể đi lại, ăn uống cũng khó khăn.
Kề cạnh ông mỗi ngày, mỗi đêm là bà Hồng. Ban ngày, khi con cái vắng nhà, bà chăm lo cho ông từng miếng cơm, thìa cháo, viên thuốc... Hễ ông gặp trở ngại gì, bà lại gọi điện cho con cái về gấp để xử lý.
“Hàng ngày, con cái đi làm, bà tôi ở nhà chăm ông. Đến bữa, bà cho ông ăn, rồi cho uống thuốc, nếu ông lên cơn đau thì bà gọi điện cho các con về hỗ trợ.
Ngày ngày, bà nặn chân, nặn tay, xoa bóp cho ông dễ chịu. Gần đây, ông không nói được nữa, bà vẫn ở bên trò chuyện cho ông vui, còn ông thì gật hoặc lắc đầu để đáp lại bà”, Đức kể.
Vợ chồng ông Cư có 4 người con (2 trai, 2 gái). Kể từ khi bệnh tình của ông Cư trở nặng, tối nào các con, các cháu cũng quây quần trò chuyện và chăm sóc cho ông.
“Ông tôi bệnh nặng nhưng lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Kể từ khi phát hiện bệnh cho đến khi qua đời, ông chưa bao giờ tiêu cực.
Ngay cả lúc đau đớn, ông cũng cố gắng chịu đựng chứ không than vãn. Ông lúc nào cũng muốn được ở nhà với con cháu, chứ không muốn nằm ở bệnh viện”, Đức chia sẻ.
Trong ấn tượng của Đức, ông bà ngoại anh luôn sống chan hòa, dịu dàng với nhau. Thuở còn khỏe mạnh, ông Cư thường nấu ăn, làm việc nhà để bà Hồng được nghỉ ngơi. Đến khi ông bị bệnh, bà Hồng lại dốc lòng yêu thương, chăm sóc.
Nhìn cách ông bà đối xử chân thành, hết mực tôn trọng nhau, Đức học hỏi được nhiều điều.
“Ngày ông qua đời, bà tôi rất đau lòng. Sức khỏe của bà vốn không được tốt, lại thêm cú sốc này... Những ngày qua, chúng tôi vẫn luôn túc trực bên cạnh bà, cố gắng động viên bà uống thuốc để sức khỏe ổn định lại”, Đức chia sẻ.