Đoàn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị
Hôm nay 23/8, đoàn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ do bà Stephanie D'Hose, Chủ tịch Thượng viện làm trưởng đoàn cùng các thành viên của Đại sứ quán Vương quốc Bỉ, Văn phòng Quốc hội Việt Nam và các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Trị. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam làm việc với đoàn.
Đoàn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ đến thăm, làm việc tại tỉnh Quảng Trị nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Thượng viện Vương Quốc Bỉ Stephanie D’Hose từ ngày 21-25/8 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ.
Phát biểu chào mừng đoàn đến thăm và làm việc tại Quảng Trị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam giới thiệu khái quát về mảnh đất Quảng Trị nói chung và huyện Hướng Hóa nói riêng trong quá trình phát triển 50 năm qua. Dù đã có những bước phát triển đáng mừng và tích cực kể từ khi kết thúc chiến tranh, tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh nên nhiều vùng là chiến địa trước đây như huyện Hướng Hóa, Đakrông vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển KT-XH và cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, nhiều năm qua tỉnh Quảng Trị đã nhận được sự giúp đỡ của các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế, trong đó có Chính phủ Bỉ, đã triển khai nhiều chương trình, dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, hậu quả thiên tai, trợ giúp nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin bằng nhiều hình thức. Sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả của các chương trình, dự án đã triển khai, nhất là tại các địa bàn khó khăn như Hướng Hóa, Đakrông đã góp phần thúc đẩy sự phát triển KT-XH các địa phương này, đồng thời cải thiện, nâng cao đời sống của các đối tượng hưởng lợi.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Bỉ thông qua các tổ chức phi chính phủ, tổ chức quốc tế dành cho Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng trong các lĩnh vực khắc phục hậu quả và hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển KT-XH, hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam/dioxin…
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ Stephanie D’Hose bày tỏ vui mừng khi đến thăm chính thức Việt Nam và nhân dịp này được đặt chân đến mảnh đất Quảng Trị. Bà ấn tượng bởi sự tiếp đón nồng hậu, ấm áp và chân thành trong những ngày thăm và làm việc tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng.
Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ thông tin, đây là chuyến thăm có ý nghĩa nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Vương quốc Bỉ và Việt Nam, nhằm tiếp tục vun đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để cá nhân bà và các thành viên đoàn Chủ tịch Thượng viện Vương quốc Bỉ thăm, chứng kiến thực tế các hoạt động đã triển khai tại Quảng Trị.
Vui mừng với hiệu quả đã đạt được của các dự án, hoạt động từ sự hỗ trợ của Chính phủ Bỉ, bà Stephanie D’Hose cam kết, thời gian tới sẽ tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm, hỗ trợ từ Chính phủ Bỉ đối với Việt Nam về khắc phục hậu quả chiến tranh, nghiên cứu tác hại lâu dài của chất độc da cam, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Trong chuỗi hoạt động tại Quảng Trị, đoàn đã đến thăm hoạt động của dự án “Giáo viên mầm non áp dụng kiến thức và kỹ năng giảng dạy tạo môi trường học giàu ngôn ngữ cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2022-2026” (dự án TALK) của tổ chức VVOB, Bỉ.
Năm 2022, Chính phủ Bỉ và các đối tác đã tài trợ triển khai dự án TALK tại các tỉnh Quảng Trị, Điện Biên, Gia Lai (các địa phương có nhiều hộ nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống).
Dự án hướng đến nâng cao năng lực của cán bộ quản lý nhà trường và giáo viên trong việc xây dựng môi trường học tập giàu ngôn ngữ tại các trường mầm non trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Dự án TALK được triển khai tại hai huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Đây là hai huyện miền núi khó khăn nhất của tỉnh Quảng Trị, có 41 trường mầm non với tổng số 1.347 cán bộ quản lý, giáo viên và 11.890 trẻ mầm non, trong đó có 7.913 trẻ em dân tộc thiểu số (chiếm tỉ lệ 66,52%).
Chia sẻ tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Minh cho biết: Qua hơn 1 năm triển khai dự án TALK, bước đầu nhận thấy các nội dung tập huấn trong khuôn khổ dự án đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, đã giúp cán bộ quản lý giáo dục được nâng cao nâng lực quản trị nhà trường, có nhận thức đúng để xây dựng môi trường làm việc hiệu quả, chú trọng công tác bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho giáo viên.
Các lớp tập huấn của dự án đã giúp giáo viên mầm non lĩnh hội, nắm bắt được các phương pháp, kỹ thuật dạy học hiện đại.
Từ các nội dung tập huấn và qua nghiên cứu tài liệu, làm việc theo nhóm và tương tác trong quá trình thực hiện dự án đã giúp cán bộ quản lý và giáo viên biết cách áp dụng hiệu quả những kiến thức, kỹ năng thu nhận vào thực tế công tác.
Từ đó tạo dựng được môi trường dạy học thân thiện, tích cực, góp phần tăng cường ngôn ngữ tiếng Việt (ngôn ngữ thứ 2) trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ em dân tộc thiểu số.
Cùng ngày, đoàn đã tham dự các hoạt động của dự án do tổ chức Plan International triển khai tại xã Húc; dự sự kiện truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về vấn đề bất bình đẳng giới và kết hôn sớm tại Trường THCS Húc. Đoàn cũng đến thăm, gặp gỡ, trò chuyện với người dân tại cụm nhà sàn thôn Ván Ri, xã Húc, huyện Hướng Hóa.