Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm việc tại tỉnh

Sáng 15/5, đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) do đồng chí Vũ Ngọc Hưng, Phó Vụ trưởng Tài chính tiền tệ, Bộ KH&ĐT làm trưởng đoàn giám sát, đánh giá việc triển khai, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) tại tỉnh.

Dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở, ngành: KH&ĐT, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Ban Dân tộc tỉnh, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh; các huyện: Thạch An, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Trùng Khánh, Hà Quảng.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Các đại biểu dự buổi làm việc.

Năm 2023, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trực tiếp thực hiện các CTMTQG bao gồm cả vốn chuyển nguồn từ năm 2022 sang năm 2023 là 3.301,975 tỷ đồng; nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương 107,185 tỷ đồng; vốn vay tín dụng 5,135 tỷ đồng; huy động doanh nghiệp, hợp tác xã 106,0 tỷ đồng; huy động cộng đồng dân cư 22,095 tỷ đồng. Năm 2024, nguồn vốn Ngân sách Trung ương gồm cả nguồn vốn chuyển nguồn là 3.514,036 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương 32,248 tỷ đồng.

Đến ngày 31/1/2024, giải ngân nguồn vốn để thực thực các CTMTQG từ nguồn vốn ngân sách Trung ương năm 2023 trực tiếp thực hiện các CTMTQG là 2.280,313 tỷ đồng, đạt 69,06% kế hoạch (KH); nguồn vốn đối ứng ngân sách địa phương giải ngân 91,487 tỷ đồng, đạt 85,35% KH; nguồn vốn vay tín dụng, huy động doanh nghiệp, hợp tác xã; huy động cộng đồng dân cư giải ngân hết theo tiến độ dự án. Nguồn vốn năm 2024, ngân sách Trung ương giải ngân đến ngày 20/4, là 263,613 tỷ đồng, đạt 7,5% KH.

Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 4,23% (từ 28,94% xuống còn 24,71%), đạt 105,75%KH; giảm 5,65% hộ nghèo ở các huyện nghèo; giảm 4,21% hộ nghèo dân tộc thiểu số. Năm 2024, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 4% trở lên (riêng tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 5% trở lên); giảm từ 4% trở lên hộ nghèo dân tộc thiểu số. Duy trì và giữ vững 17 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 13 tiêu chí/xã…

Quá trình thực hiện các CTMTQG tại tỉnh có một số khó khăn, vướng mắc như: Nguồn vốn năm 2022 giao chậm (tháng 6/2022), dẫn đến số vốn phải kéo dài thời hạn giải ngân vốn sang năm 2023 lớn, khối lượng công việc nhiều, gây khó khăn cho việc thực hiện và giải ngân; phạm vi, nội dung thực hiện các chương trình lớn (nhất là đối với CTMTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS); các văn bản hướng dẫn của Trung ương chưa đầy đủ, đồng bộ; một số nội dung văn bản còn khó thực hiện, chưa phân cấp để địa phương chủ động. Thời gian triển khai gấp, áp lực giải ngân lớn, cách hiểu nội dung văn bản chưa thống nhất nên một số danh mục dự án do các huyện nghèo đề xuất chưa bảo đảm phù hợp với mục tiêu đầu tư của chương trình còn nhỏ lẻ, dàn trải cần phải điều chỉnh, bổ sung ảnh hướng; một số văn bản sửa đổi, bổ sung hướng dẫn thực hiện các nội dung cCTMTQG giảm nghèo bền vững ban hành theo thẩm quyền còn chậm; khối lượng công việc lớn, trong khi cán bộ ở cấp huyện, cấp xã đa số là kiêm nhiệm và thường xuyên có sự thay đổi, luân chuyển…

Tỉnh kiến nghị: Thủ tướng Chính phủ xem xét, kéo dài chế độ an sinh xã hội đối với các xã vùng miền núi, dân tộc thiểu số. Đối với các xã đặc biệt khó khăn khi đạt chuẩn nông thôn mới, chế độ an sinh xã hội cho người dân được hưởng thêm 5 năm, do địa bàn vùng cao thường xảy ra các đợt thiên tai, mưa lũ. Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ nhà ở trong chỉ tiêu kế hoạch thực hiện năm 2024 và năm 2025 cho tỉnh là 1.700 nhà, với kinh phí 68 tỷ đồng. Các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể, chi tiết quy trình quản lý, thanh quyết toán vốn khi thực hiện thí điểm phân cấp cho cấp huyện quản lý, tổ chức thực hiện các CTMTQG theo khoản 7, Điều 4, Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội (nếu các huyện thí điểm thực hiện điều chỉnh vốn sẽ trái với Nghị quyết, quyết định giao vốn của tỉnh và các quyết định của giao vốn của Trung ương). Tiếp tục quan tâm, bố trí nguồn vốn qua Ngân hàng Chính sách xã hội để hỗ trợ thực hiện một số hoạt động của các CTMTQG; có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các trường hợp đã được hỗ trợ từ các chương trình, chính sách hỗ trợ nhà ở từ lâu nhưng hiện nay đã hư hỏng, xuống cấp cần được hỗ trợ; các hộ đã xây dựng xong và được nghiệm thu nhà ở nhưng đến khi cấp kinh phí triển khai vào năm tiếp theo của giai đoạn 2021 - 2025 đã thoát nghèo…

Tại buổi làm việc, các đại biểu thảo luận, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại cơ sở. Các bộ, ngành Trung ương trao đổi, cung cấp thêm thông tin, đồng thời, đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn về các chính sách đặc thù trong thực hiện các CTMTQG tại tỉnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Ngọc Hưng kết luận buổi làm việc.

Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Ngọc Hưng kết luận buổi làm việc.

Kết luận buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính tiền tệ, Bộ KH&ĐT Vũ Ngọc Hưng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả trong thực hiện các CTMTQG của tỉnh trong thời gian qua. Qua giám sát thực tế, việc triển khai các nội dung, nhiệm vụ CTMTQG tại tỉnh đã đi vào nề nếp; các sở, ngành, địa phương có sự trao đổi thường xuyên, nắm bắt, hướng dẫn thực hiện; đối với những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn xử lý kịp thời; đề xuất thực hiện các huyện thí điểm.

Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các CTMTQG; thực hiện đồng bộ các giải pháp về huy động vốn, bảo đảm đầy đủ, kịp thời, bố trí đủ vốn để thực hiện các chương trình; triển khai giải ngân theo đúng kế hoạch. Sớm triển khai Nghị quyết 111/2024/QH15 của Quốc hội khóa XV về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các CTMTQG, thực hiện ngay công tác điều chỉnh để rõ nội dung, đối tượng, điều chỉnh linh hoạt giữa các dự án khó triển khai sang thực hiện dự án khác có hiệu quả. Tiếp tục triển khai các mục tiêu được giao, các CTMTQG nói chung, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới. Ngân hàng Chính sách xã hội cân đối nguồn vốn để cùng ngân sách Trung ương cho các đối tượng vay thực hiện các chương trình. Các huyện đồng hành các sở quyết liệt trong việc thực hiện nhằm giải quyết vấn đề chính sách an sinh xã hội trên địa bàn đạt hiệu quả.

Đối với các ý kiến, kiến nghị của tỉnh vượt quá thẩm quyền, đoàn công tác tiếp thu, tổng hợp trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết đúng quy định của pháp luật.

Diệu Hoa

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/doan-cong-tac-cua-bo-ke-hoach-va-dau-tu-lam-viec-tai-tinh-3169233.html