Đoàn công tác của thành viên Chính phủ về làm việc tại Nam Định

Sáng 27/3, đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ làm Trưởng Đoàn công tác của thành viên Chính phủ đã về làm việc tại tỉnh về đánh giá tình hình triển khai thực hiện kịch bản tăng trưởng năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát và các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Nam Định. Tham gia Đoàn công tác có đại diện các bộ, ngành: Tài chính, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương, Xây dựng; các Cục, Vụ liên quan của Văn phòng Chính phủ.

Quang cảnh buổi làm việc.

Quang cảnh buổi làm việc.

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác, về phía tỉnh Nam Định có các đồng chí: Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy; Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Trần Minh Thắng, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí TUV: Mai Thanh Long, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Lan Anh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Lan Anh đã báo cáo Đoàn công tác về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 của tỉnh. Theo đó, tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật: Kinh tế duy trì tăng trưởng cao, tiếp tục bứt phá: GRDP tăng 10,01%, xếp thứ 4 vùng Đồng bằng sông Hồng và thứ 9 toàn quốc, là năm thứ 2 liên tiếp đạt mức tăng trưởng hai con số. Công nghiệp - xây dựng tăng mạnh 14,27%; dịch vụ tăng 8,56%, xuất khẩu đạt 3 tỷ USD (tăng 18,9%). Thu ngân sách gần 15 nghìn tỷ đồng, vượt 23% dự toán.

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc.

Tỉnh tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy; là tỉnh đầu tiên hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, sau sắp xếp, tỉnh có 9 huyện, 175 xã; bộ máy vận hành ổn định, phục vụ doanh nghiệp và người dân thông suốt. Môi trường kinh doanh ngày càng tăng sức hấp dẫn giúp thu hút đầu tư sôi động, đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 90 dự án đầu tư với tổng số vốn 12.229 tỷ đồng và 360 triệu USD. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, các khu, cụm công nghiệp được tập trung đầu tư, phát triển. Các dự án, công trình trọng điểm đang được khẩn trương thi công để sớm hoàn thành, chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, như: Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển; Đường trục phía Nam thành phố Nam Định (đoạn từ đường Vũ Hữu Lợi đến Quốc lộ 21B), cầu qua sông Đào, cầu vượt sông Đáy; Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Khu Kinh tế Ninh Cơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập; KCN Trung Thành, huyện Ý Yên đã được khởi động đầu tư. Sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt nhiều kết quả khởi sắc. Công nghiệp - thương mại - tài chính duy trì tăng trưởng tốt; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu thị trường bất động sản.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc.

Đầu tư công đạt hiệu quả cao với tổng vốn năm 2024 đạt 7.649 tỷ đồng, giải ngân 150% kế hoạch Thủ tướng giao; chương trình phục hồi kinh tế giải ngân đạt 100%, chương trình giảm nghèo đạt 91,4% kế hoạch.

Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát được triển khai mạnh mẽ, đã huy động nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa hỗ trợ xây dựng 240 nhà Đại đoàn kết; hướng đến hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm trong năm 2025. Chuyển đổi số, cải cách hành chính tiếp tục dẫn đầu với chất lượng dịch vụ công của Nam Định luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước...

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Đặng Khánh Toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Đặng Khánh Toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị kiểm tra tiến độ công tác giải phóng mặt bằng tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.

Với thành công của năm 2024, tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển cao hơn trong năm 2025: Hoàn thành và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; thúc đẩy đô thị thông minh, chính quyền điện tử, chuyển đổi số, cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thuận lợi; tăng tốc các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt trong công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; hoàn thiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; đảm bảo phát triển kinh tế gắn với văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai; siết chặt kỷ luật hành chính, chống tham nhũng, củng cố an ninh, trật tự xã hội. Tỉnh xây dựng kịch bản tăng trưởng GRDP năm 2025 là 10,5%, với tốc độ tăng trưởng từng quý dao động từ 8,9% đến 11,6%. Công nghiệp là động lực chính, phải đạt mức tăng trên 15%, đóng góp 3,87 điểm phần trăm vào tăng trưởng. Ngành xây dựng tăng 15,2%, đóng góp 1,08 điểm phần trăm. Dịch vụ tăng 9%, đóng góp 3,69 điểm phần trăm.

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Đặng Khánh Toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị thăm gia đình hộ nghèo ở thôn Nam Thọ, xã Trực Thuận (Trực Ninh) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Các đồng chí: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bí thư Tỉnh ủy Đặng Khánh Toàn; Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị thăm gia đình hộ nghèo ở thôn Nam Thọ, xã Trực Thuận (Trực Ninh) được hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Kết quả nổi bật trong 2 tháng đầu năm 2025 cho thấy tỉnh đang đi đúng hướng: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 17,7%; tổng bán lẻ và doanh thu dịch vụ đạt 14.608 tỷ đồng, tăng 14,7% so với cùng kỳ; xuất khẩu đạt 693 triệu USD, tăng 26,3%, nhập khẩu đạt 520 triệu USD tăng 28,1%; Thu hút đầu tư mạnh mẽ, có 20 dự án được cấp phép với tổng vốn đăng ký 8.311 tỷ đồng và 36,1 triệu USD; giải ngân đầu tư công đạt 1.642 tỷ đồng (20,42% kế hoạch Trung ương giao); hoàn thành sắp xếp, tinh gọn bộ máy hành chính, đảm bảo hoạt động liên tục; phê duyệt đầu tư khu công nghiệp Hải Long (VSIP Nam Định) và thành lập 9 cụm công nghiệp mới.

Công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Hải Phòng với tổng chiều dài tuyến 60,9 km, đoạn qua Nam Định 27,6 km, tổng vốn đầu tư 19.800 tỷ đồng đã hoàn thành di dời mồ mả, phê duyệt phương án GPMB 2.587/3.704 hộ đất nông nghiệp (chi trả 180/300 tỷ đồng); đang đo đạc kiểm đếm đất ở cho 515 hộ, lên phương án tái định cư cho 448 hộ; dự kiến bàn giao đất nông nghiệp vào tháng 4/2025, đất khu dân cư vào tháng 9/2025.

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã nêu rõ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh gồm: Kinh tế Nam Định quy mô còn nhỏ, thu ngân sách còn thấp; số lượng và quy mô, công nghệ các doanh nghiệp của tỉnh còn hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao. Tình hình xung đột địa chính trị trên thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, chuỗi cung ứng toàn cầu bị ảnh hưởng; cạnh tranh thương mại và chính sách thuế mới của các nước đã và sẽ tác động trực tiếp tới hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp. Giá một số nguyên, nhiên, vật liệu vẫn ở mức cao, nguồn cung vật liệu còn hạn chế, hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, xây dựng gặp nhiều khó khăn. Việc triển khai cùng lúc nhiều quy định mới của pháp luật đất đai, nhà ở, bất động sản… gặp nhiều khó khăn, còn lúng túng. Đề nghị Trung ương quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm xem xét, giải quyết vướng mắc liên quan đến Khu công nghiệp Mỹ Trung tại thành phố Nam Định (theo chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy của Bộ Chính trị); xem xét, điều chỉnh Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Nam Định 1 không sử dụng nhiên liệu than mà sử dụng nguồn nhiên liệu khí LNG, bảo đảm thân thiện với môi trường và đáp ứng nguyện vọng của người dân…

Đồng thời, lãnh đạo tỉnh cũng đưa ra cam kết quyết liệt thực hiện thắng lợi kịch bản tăng trưởng năm 2025; kiên quyết thực hiện hiệu quả nhất tất cả các công việc song song với thực hiện công tác sắp xếp bộ máy hành chính, bảo đảm khi thực hiện sáp nhập tỉnh vẫn nỗ lực, chung sức hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 2 con số đã đề ra. Trong đó sẽ đặc biệt chú trọng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm: bám sát kịch bản tăng trưởng; triển khai các nhiệm vụ theo Kết luận của Trung ương Đảng, Nghị quyết của Chính phủ và tỉnh. Ưu tiên đẩy mạnh liên kết vùng, khai thác 4 cực tăng trưởng: Thành phố Nam Định, Cao Bồ - Ý Yên, Khu kinh tế Ninh Cơ, khu vực ven biển Giao Thủy; hoàn thành Đề án Ban Quản lý Khu kinh tế, Quy hoạch chung Khu Kinh tế Ninh Cơ. Thúc đẩy giải ngân đầu tư công, tập trung vào các dự án trọng điểm: Giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025, tránh dàn trải, kém hiệu quả; Hoàn thành tuyến đường Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển, đường trục phát triển nối kinh tế biển với cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng. Tích cực chỉ đạo rà soát tiếp tục nghiên cứu, đưa vào kế hoạch đầu tư các công trình cấp bách, cấp thiết thúc đẩy tăng trưởng kinh tế kết nối, liên vùng. Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp lớn. Tăng cường thu hút đầu tư FDI, phát triển công nghiệp công nghệ cao. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp kinh tế số - xanh. Triển khai hiệu quả Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đẩy mạnh chính quyền điện tử, kinh tế số, bảo đảm an toàn thông tin mạng. Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, tổ chức bộ máy tinh gọn. Phát triển văn hóa - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng.

Tại buổi làm việc , đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã tập trung phân tích, tham gia ý kiến gợi mở các nhiệm vụ, giải pháp Nam Định cần triển khai để nâng cao hiệu quả thực hiện kịch bản tăng trưởng năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đánh giá, năm 2024 Nam Định đã bứt phá mạnh mẽ, tạo tiền đề vững chắc cho năm 2025. Với nỗ lực cải cách, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa và phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối giúp tỉnh bứt tốc trong tăng trưởng kinh tế, đang trên đà trở thành một cực tăng trưởng quan trọng trong khu vực. Thời gian tới, tỉnh cần quyết liệt thực hiện hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đã đề ra; trong đó cần chú trọng: Đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, liên vùng. Nghiên cứu, rà soát chỉ tiêu sử dụng đất, đề xuất Chính phủ tăng chỉ tiêu sử dụng đất phát triển công nghiệp, tránh lãng phí trong sử dụng đất nông nghiệp... Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh: Đối với các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh, Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan hỗ trợ, nâng cao hiệu quả tháo gỡ, khắc phục khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; về các vướng mắc chưa thể hỗ trợ giải quyết ngay Đoàn cũng ghi nhận và báo cáo để Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan nghiên cứu, hỗ trợ giải quyết.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Khánh Toàn phát biểu trân trọng cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đối với tỉnh Nam Định trong thời gian qua, nhất là đã hỗ trợ tỉnh xử lý các vướng mắc, khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công, xuất nhập khẩu, xây dựng hạ tầng, nhà ở xã hội, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, các chương trình mục tiêu quốc gia… Đồng thời, mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ hiệu quả hơn nữa, nhất là với các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, giúp Nam Định thực hiện có hiệu quả kịch bản tăng trưởng năm 2025, đạt kết quả cao nhất trong các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Trước buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn và đại diện các bộ, ngành Trung ương đã đi khảo sát thực tế công tác giải phóng mặt bằng cho tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định; thăm, tặng quà gia đình hộ nghèo được hỗ trợ xây dựng nhà ở thuộc Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát tại địa phương.

Tin: Thanh Thúy, Ảnh: Thành Trung

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/tin-nong/202503/doan-cong-tac-cua-thanh-vien-chinh-phu-ve-lam-viec-tai-nam-dinh-7fa09bc/